Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát thải ròng bằng “0”:
Từ cam kết đến hành động Bài cuối: Vì mục tiêu phát triển bền vững
Thứ hai: 03:23 ngày 26/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học. Việc cơ cấu nền kinh tế theo hướng đầu tư xanh hoá và thân thiện với môi trường, trở thành xu hướng tất yếu.

Mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” không chỉ để hạn chế những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mà còn là hướng đi của tương lai, vì một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.

Chăm sóc rừng trồng tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Phủ xanh rừng, hướng tới thị trường tín chỉ carbon

Để giảm nhanh lượng khí thải nhà kính, việc trồng, bảo tồn rừng được xem là giải pháp cấp thiết. Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên, cây xanh có khả năng hấp thụ CO2 qua quá trình quang hợp. Đây là nguồn lợi lớn đối với những địa phương có trữ lượng rừng cao, nhất là khi thị trường tín chỉ carbon trong nước được đánh giá đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội mới.

Một tín chỉ carbon sẽ có giá trị bằng một tấn khí CO2, trung bình 6-10 cây xanh sẽ hấp thu khoảng 1 tấn CO2 trong 1 năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 7.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống quy định, chính sách nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ năm 2028, Việt Nam dự định chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Để chuẩn bị cho lộ trình trên, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án điều tra, kiểm kê rừng. Trên cơ sở kết quả điều tra, kiểm kê sẽ tính toán, quy đổi thành tín chỉ carbon theo quy định.

Trồng rừng ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, diện tích rừng của tỉnh tính đến cuối năm 2023 là 66.490 ha, tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng của tỉnh tương đối lớn, dự kiến là nguồn thu đáng kể của ngành lâm nghiệp, tạo nguồn tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo thêm thu nhập cho người tham gia bảo vệ rừng, giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Để tăng trữ lượng rừng nhằm tăng lượng tín chỉ carbon, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cần được quan tâm thông qua việc tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật làm giảm mất rừng và suy thoái rừng; chú trọng công tác lựa chọn nguồn giống đạt chất lượng để rừng trồng tăng nhanh khối lượng gỗ, đồng nghĩa với tăng hấp thụ carbon, nhờ đó tín chỉ carbon rừng cũng sẽ tăng lên.

Giai đoạn 2025-2030, toàn tỉnh dự kiến trồng mới khoảng 1.200 ha rừng phòng hộ, đặc dụng bằng các loài cây bản địa, có khả năng phòng hộ, đồng thời thực hiện các biện pháp làm giàu rừng, tăng trữ lượng gỗ. Đối với rừng sản xuất, sau khi hoàn thành kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đến các hộ gia đình, cá nhân, ngành Nông nghiệp sẽ định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn, các mô hình trồng cây dưới tán rừng tuân thủ quy trình, kỹ thuật theo các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững; bên cạnh đó, sẽ đề nghị cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao giá trị của rừng.

Triển vọng về một “Tây Ninh xanh”

Việc thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0” đồng thời còn góp phần vào định hướng xây dựng “Tây Ninh xanh”. Đây là 1 trong 7 đột phá chiến lược của Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, quy hoạch Tây Ninh hướng đến việc phát triển nhanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hoá, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường; tăng trưởng xanh được tỉnh xác định là chiến lược phát triển tương lai, hướng tới nền kinh tế xanh.

Trồng dưa lưới thuỷ canh, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh tại Hoàng Xuân Farm (thị xã Trảng Bàng).

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước; là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Việc xây dựng “Tây Ninh xanh” có nhiều điều kiện thuận lợi và bước đầu đầy triển vọng, khi xếp hạng PGI (Provincial Green Index - Chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương) trong năm 2023, Tây Ninh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh cũng được nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có những đánh giá tích cực về công tác môi trường của chính quyền.

Bên cạnh đó, Tây Ninh còn có những lợi thế trong việc phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo. Du lịch được đánh giá đầy tiềm năng, với loại hình du lịch sinh thái, góp phần bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, từ đó, phát huy giá trị “xanh” của ngành công nghiệp không khói.

Để góp phần vào việc xây dựng “Tây Ninh xanh”, mỗi sở, ngành đều có những định hướng, giải pháp theo lĩnh vực ngành quản lý, trong đó yếu tố “xanh” vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển. Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, “Tây Ninh xanh” là một mục tiêu rất tổng quát và không chỉ trong ngành Nông nghiệp. “Xanh” là thân thiện và bảo vệ môi trường, cho nên phải “xanh” cả trong sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, kết cấu hạ tầng...

Đối với nông nghiệp, “xanh” nghĩa là giảm phát thải vào môi trường trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản, góp phần làm trong sạch môi trường thông qua việc tăng diện tích cây xanh, tăng chất lượng rừng... Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ để giảm phát thải metan trên cây lúa, đối với những loại cây trồng khác, đưa vào những quy trình sản xuất để giảm phát thải, giảm tiêu thụ những loại nhiên liệu hoá thạch, phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời tăng khả năng hấp thụ CO2 của cây trồng; tăng tích luỹ CO2 trong đất.

Mỗi cá nhân cần thay đổi nhận thức và hành động

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, nhiều đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình, cách làm hay trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, ưu tiên trong việc vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, Trung ương để thực hiện các dự án quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

Đối với trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh, 100% các bộ phận, nhân viên thực hiện phân loại rác tại nguồn; các đơn vị đàm phán, khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện môi trường, dùng giấy tái chế thay ni-lông bao gói các sản phẩm; ngưng kinh doanh ống hút nhựa trong khu tự chọn của siêu thị, chỉ kinh doanh ống hút giấy, ống hút gạo tự huỷ; thực hiện việc thay thế túi ni-lông khó phân huỷ và nhựa dùng 1 lần bằng các sản phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện môi trường như lá chuối, túi phân huỷ sinh học phục vụ khách hàng, người tiêu dùng.

Các sở, ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: ngày hội sống xanh, ngày chủ nhật xanh, ngày không sử dụng túi ni-lông; trồng cây xanh; thu gom xử lý chất thải, phân loại rác thải nhựa để tái chế trong rác thải sinh hoạt tại cơ quan; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; cán bộ, công chức, viên chức tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở...

Về việc lựa chọn mua một chiếc xe ô tô điện thay cho xe xăng truyền thống, chị Nguyễn Phạm Hương Duyên (phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) bày tỏ: “Xe điện đang là xu hướng, với những cải tiến về mặt hiệu suất và giá thành. Đây cũng là một phương tiện mà tôi nghĩ rằng có nhiều ưu điểm để kiểm soát phát thải trong lĩnh vực giao thông”.

Mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” mang tính tầm vóc quốc gia, tuy nhiên, mỗi cá nhân vẫn có thể góp sức từ việc nâng cao ý thức, thay đổi thói quen sinh hoạt để “góp gió thành bão” cho mục tiêu chung. Theo đó, mỗi người có thể đưa ra lựa chọn đối với những sản phẩm, dịch vụ không phát thải khí carbon và chuyển đổi thói quen tiêu dùng, góp phần thay đổi thị trường, hướng đến những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.

Hoà Khang - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục