Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tục lệ lì xì, nên bỏ hay giữ?
Thứ sáu: 12:20 ngày 20/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lì xì là tục lệ lâu đời của nước ta, tuy nhiên hiện nay không ít người đồng tình với một đạo diễn khi cho rằng “lì xì đúng là cái nợ”.

Lì xì là tên gọi của tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, nó mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Tục lệ lì xì đã có từ thời xa xưa nhưng dần dà phát sinh một số mặt trái. Hiện nay, một số người đã xem lì xì như một trách nhiệm, một nghĩa vụ và hơn thế nữa là "cái nợ".

Theo lệ tiền sẽ được bỏ vào bao đỏ, vàng để thể hiện tài lộc, may mắn. Ảnh: HUỲNH THƠ

“Lì xì đúng là cái nợ”

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, đạo diễn Lê Hoàng đã có một bài viết trên mạng xã hội chia sẻ quan điểm cá nhân về phong tục lì xì. Đạo diễn cho rằng khi hỏi 10 người Việt Nam thì cam đoan có 9 người sợ việc lì xì, thậm chí đạo diễn còn khẳng định “lì xì đúng là cái nợ”...

Nam đạo diễn cho rằng khi chúng ta hỏi 10 người Việt thì phải có chín người sợ việc lì xì vào ngày Tết và xem đây là một cái nợ. Nam đạo diễn bày tỏ quan điểm trên trang Facebook: “...Nếu một cái Tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người phây phây, lâng lâng như được sống trên mây. Vì tiền lì xì mà trong ngày Xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè.

Vì nghĩ đến tiền lì xì không có mà nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê. Lì xì đúng là cái nợ! Phải làm sao để thoát ra? Câu hỏi này may ra Chí Phèo mới trả lời được!".

Dòng trạng thái của đạo diễn Lê Hoàng được đăng tải đã nhận được nhiều sự quan tâm của người đọc, đa số mọi người đều đồng tình và cho rằng lì xì đúng là một cái nợ...

Bạn đọc có tên Minh Thư chia sẻ: “Khi còn bé tôi cũng như bao đứa trẻ khác rất thích được lì xì, nhưng đến khi lớn lên tôi cảm thấy rằng lì xì như một trách nhiệm mà tôi phải thực hiện, dù ít hay nhiều. Vì cứ đến Tết là những đứa trẻ hay những người thân của tôi đều sẽ hỏi "Lì xì đâu?" nên suốt nhiều năm qua trong đầu tôi vẫn luôn mặc định đến Tết phải lì xì. Tôi cảm thấy rằng lì xì đúng là món nợ mà tôi phải trả vào dịp đầu năm”.

Một tài khoản có tên Mai Kẹo cũng cho biết: “Sợ nhất đến nhà người quen, định mừng tuổi con của bạn thì tự dưng ở đâu ra một đội quân trẻ con luôn, đã thế lại còn không quen biết bố mẹ các cháu. Nói ra thì bị ném đá, ki bo nhưng choáng thật sự, lì xì cháu này mà không lì xì cháu kia thì thấy áy náy, tội tội...”

“Thật sự mà nói thân đi làm thuê, làm mướn có được bao nhiêu đồng để về quê ăn Tết mà mỗi lần về là cả đám trẻ con trong xóm, họ hàng hóng lì xì, làm như mình nợ từ đời nào, không hiểu nổi luôn. Còn chưa kể mấy đứa bạn thân còn trớ trêu hơn, mới sáng mùng 1 Tết là nhắn tin hỏi tiền lì xì của con họ đâu” - bạn đọc Anh Thoại.

Lì xì ít thì ngại, nhiều thì quá tốn kém

PV báo Pháp Luật TP.HCM đã làm cuộc khảo sát với 20 người, trong đó đa số cho rằng tục lệ lì xì ngày càng trở nên phức tạp và đã mất đi giá trị văn hoá vốn có, họ cho rằng lì xì đúng là một cái nợ. Thậm chí, nhiều người còn hy vọng phong tục lì xì sẽ được loại bỏ vì đã quá mệt mỏi và áp lực.

Chị Châu Thị Thu Ngân, làm nghề kinh doanh giấy vụn tại TP Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ với PLO rằng bản thân chị không ủng hộ việc lì xì nhưng vì tính chất công việc và những vấn đề khác xung quanh nên bắt buộc chị phải thực hiện tục lệ này. Chị cho biết: “Tôi rất ngại khi chỉ lì xì cho trẻ 10.000 - 20.000 đồng.

Thường thì tôi sẽ mừng cho các cháu từ 50.000 - 100.000 đồng, con của đối tác hay con của bạn thân thì tôi mừng từ 200.000 đồng. Đó không phải là số tiền nhỏ đối với tôi nhưng nó có rất nhiều vấn đề đi kèm cùng với đó nên tôi phải lì xì. Thật sự tôi cũng chẳng muốn như thế, nếu được chọn tôi rất mong muốn được bỏ tục lệ này vì quá tốn kém”.

Chị Châu Thị Thu Ngân, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM.

Dù vẫn còn là sinh viên, thế nhưng bạn Nguyễn Thị Thiện Mỹ, ngụ quận 12, TP.HCM từ lâu đã xem lì xì như là một trách nhiệm của bản thân. Thiện Mỹ chia sẻ cứ đến cận Tết là bạn bắt đầu đi làm thêm để kiếm một số tiền về quê lì xì cho người thân: "Năm nào cũng thế, cứ khoảng hai, ba tháng trước Tết là tôi bắt tay vào việc làm thêm để kiếm tiền lì xì.

Năm nay do kinh tế khó khăn, nhiều nơi trả lương thời vụ cho nhân viên rất thấp nên tôi quyết định làm hai công việc cùng lúc. Sáng tôi đi học đến trưa, trưa thì bắt đầu làm việc ở một xưởng phế liệu đến chiều, chiều đến tối thì làm nhân viên bán trà sữa.

Dù khá vất vả nhưng suy nghĩ đến việc kiếm được tiền để tiêu tết, trong đó có việc lì xì, thì tôi lại cố gắng hơn. Bản thân tôi rất rõ phong tục lì xì là như thế nào, nhưng không hiểu lí do vì sao mà càng ngày tôi xem việc lì xì là trách nhiệm của bản thân và số tiền tôi mừng tuổi ngày một nhiều hơn, nó không còn mang ý nghĩa của việc lì xì nữa".

"Tôi đã từng nghĩ sẽ không ủng hộ tục lệ này nữa, vì nó đã làm cho trẻ con có thể trở nên thực dụng hơn", bạn Thiện Mỹ chia sẻ.

Cũng là một người không ủng hộ việc lì xì, anh Trần Thanh An Khương chia sẻ câu chuyện mà bản thân anh đã từng trải qua. Tết năm nào cũng thế, anh Khương vẫn giữ mức lì xì chỉ từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, vì anh nghĩ việc lì xì mang ý nghĩa tượng trưng, không quan trọng số tiền bao nhiêu.

Nhưng anh đã thật sự bất ngờ chỉ vì 20.000 đồng tiền mừng tuổi ấy lại làm một con người thơ ngây như cháu của anh thay đổi. Anh chia sẻ: "Tôi thấy rằng việc lì xì chỉ mang ý nghĩa đem lại may mắn đầu năm, đâu có quan trọng ít nhiều nên vào dịp Tết 2022 tôi có lì xì cho cháu mình 20.000 nghìn đồng.

Sau khi thấy số tiền tôi lì xì thì nó bĩu môi rồi tỏ thái độ, lúc đấy tôi thật sự sốc vì hành động của một đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi. Mới chỉ năm trước thôi, vẫn với số tiền lì xì đó nhưng nó vui vẻ mà nhận lấy.

Không ngờ chỉ sau một năm, chắc là do nó bắt đầu biết cách dùng tiền nên mới có sự việc này. Đó là mặt trái của lì xì. Tôi sợ lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các trẻ nhỏ, tôi nghĩ nên bỏ tục lệ này".

Chị Trần An (làm nghề may gia công ở quận Bình Tân) cũng hy vọng: “Nếu bỏ được cái tục lệ lì xì chắc nhiều người sẽ thấy thoải mái, không bị áp lực. Vì đâu phải ai cũng dư dả, nhất là công nhân như tôi thì làm gì có tiền lì xì. Năm nay lại còn gặp kinh tế khó khăn, ai cũng chật vật cả...".

Nguồn t/h

Tin cùng chuyên mục