Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, sầu riêng Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ðể tăng giá trị sản phẩm cho trái sầu riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Bàu Ðồn.
Dán tem truy xuất nguồn gốc và thương hiệu sầu riêng ở HTX cây ăn trái Bàu Ðồn.
Sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái chiếm diện tích lớn trên địa bàn tỉnh, đây cũng là 1 trong 12 loại cây trồng chính được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào quy hoạch trồng tập trung ở Nam Bộ, và là 1 trong 5 loại cây trồng thuộc nhóm rải vụ. Tại Tây Ninh, đến cuối năm 2020, tổng diện tích cây sầu riêng đạt khoảng 2.000 ha, trong đó, xã Bàu Ðồn là vùng trồng sầu riêng chủ lực của tỉnh.
Cây sầu riêng xuất hiện trên địa bàn xã Bàu Ðồn khoảng 15 năm nay. Ban đầu, chỉ có một số hộ tại ấp 4 và ấp 7 trồng. Ðến nay diện tích trồng sầu riêng ở Bàu Ðồn đạt khoảng 1.000 ha và đang có chiều hướng tăng.
Do nhà vườn chưa liên kết được với doanh nghiệp để tiêu thụ, chủ yếu bán cho thương lái, giá bán bấp bênh. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến chất lượng trái chưa cao. Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Ðồn được thành lập. Ngay từ khi thành lập, HTX định hướng thành viên HTX sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng; nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, xử lý cho ra trái nghịch vụ, trong đó có cây sầu riêng.
Ngoài ra, Ðảng uỷ, chính quyền xã Bàu Ðồn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trái sầu riêng. Nhờ đó, sầu riêng Bàu Ðồn tăng năng suất, chất lượng, mỗi héc-ta sầu riêng có thể đem lại lợi nhuận cho người dân từ 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng/vụ/năm.
Theo anh Phan Hoài Tuệ, ngụ ấp 7, xã Bàu Ðồn, phải nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc thì cây mới cho năng suất cao. “Vườn sầu riêng nhà tôi có diện tích khoảng 2 ha, nếu đạt tỷ lệ trái tốt thì 1 năm thu hoạch khoảng 40 tấn. Với mức giá hiện nay, thu nhập có thể đạt hơn 1 tỷ đồng”- anh Tuệ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Rã- Bí thư Ðảng uỷ xã Bàu Ðồn cho biết, năm 2018 xã thành lập HTX cây ăn trái Bàu Ðồn với 20 thành viên (hiện có 35 thành viên với 40 ha) và định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Ðến nay, chúng tôi đã xây dựng xong thương hiệu sản phẩm sầu riêng Bàu Ðồn và được thị trường trong, ngoài tỉnh ưu chuộng”.
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng, xã Bàu Ðồn còn triển khai xây dựng, từng bước nâng tầm giá trị của trái sầu riêng đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất trái sầu riêng với cấp độ tiên tiến, khắc phục hạn chế do tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm chỉ chiếm rất nhỏ trên tổng diện tích trồng sầu riêng của cả tỉnh.
Ðối với những diện tích của thành viên HTX cây ăn trái Bàu Ðồn, dù được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc nhưng sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thương lái và tiêu thụ nội địa.
Nông dân Bàu Ðồn thu hoạch sầu riêng.
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Ðồn cho biết, để tạo thương hiệu cho trái sầu riêng của Bàu Ðồn, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, điều ông Thịnh lo lắng là, đầu ra của trái sầu riêng vẫn phụ thuộc vào thương lái, vì HTX chưa liên kết được với doanh nghiệp nào để tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, giá cả của sầu riêng không ổn định, thường xuyên biến động do cạnh tranh giữa các thương lái. Chưa kể, một số diện tích trồng sầu riêng nhỏ lẻ, không đăng ký được mã số vùng trồng nên không thể xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân, muốn mở rộng diện tích trồng sầu riêng, cần tìm doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra, không bị rào cản khi xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Thiết nghĩ, để cây sầu riêng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa thương hiệu sầu riêng Tây Ninh vươn xa, ngành Nông nghiệp và địa phương cần rà soát lại diện tích sầu riêng đã trồng, có định hướng cụ thể vùng sản xuất, không nên để nông dân tự phát, trồng theo “phong trào”, sản xuất trên những vùng đất không phù hợp, có nguy cơ ngập úng trong mùa mưa bão; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Vũ Nguyệt