Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 15.10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại hội trường UBND tỉnh và điểm cầu tại UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam – Mộc Bài phát biểu ý kiến.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Thành Tâm– Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc– Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Đài Thy– Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Võ Đức Trong– Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành có liên quan và khoảng 40 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Từ khi phát sinh dịch đến ngày 13.10.2021, Tây Ninh ghi nhận 9.580 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó, số ca đang điều trị là 768 ca, đã điều trị khỏi 8.672 trường hợp; tử vong 140 ca (chiếm tỷ lệ 1,46%). Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện, ban hành các biện pháp đồng bộ nhằm triển khai và cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, phấn đấu nỗ lực cao nhất các mục tiêu đề ra; vừa phòng chống chống dịch, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh chính trị và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Luỹ kế, từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra đến nay, trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế có 207 doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đến hiện tại trên 66.600 người; trong đó có 178 doanh nghiệp FDI với khoảng 63.600 lao động.
Đối với các doanh nghiệp FDI nằm ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, luỹ kế từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra đến nay, có 408 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 28.700 lao động; trong đó, 27 doanh nghiệp FDI với khoảng 12.400 lao động.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nêu ý kiến cũng như các khó khăn hiện nay như: doanh nghiệp có nhu cầu tiêm cho người lao động rất lớn nhưng chưa tiếp cận được nguồn vaccine; một số doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ”; tình trạng thiếu hụt lao động; vấn đề nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; sự thiếu hụt trong nguồn vốn kinh doanh dẫn đến tình trạng khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng; chi phí đầu vào, chi phí đầu tư tăng cao; doanh nghiệp hy vọng được hỗ trợ rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ đối với những đối tượng đang làm việc tại Việt Nam có nguyện vọng về nước thăm thân nhân; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh…
UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Nghị quyết 128 là cơ sở rất quan trọng để các địa phương, trong đó có Tây Ninh nghiên cứu, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và giải pháp khôi phục sản xuất. Nghị quyết xác định rõ vùng nguy cơ dịch bệnh, đưa ra các tiêu chí vùng nguy cơ phù hợp với điều kiện hiện nay. Trên cơ sở đó, Chính phủ đưa ra khung về các hoạt động được phép nối lại, hạn chế hay không hoạt động, tương ứng với các cấp độ vùng nguy cơ.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã giao cho Sở chỉ huy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 128 cho phù hợp với điều kiện của địa phương, làm cơ sở để khôi phục sản xuất. Sở chỉ huy đang dự thảo và sẽ trình Ban chỉ đạo, chậm nhất đến cuối tháng 10 hoàn thiện để ban hành. Khi kế hoạch được ban hành sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp tại hội nghị và giao cho các ngành chủ động, thường xuyên thông tin cho doanh nghiệp, nắm bắt từng doanh nghiệp để có kiến nghị. Đối với những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh sẽ giải quyết và phúc đáp ngay, không để doanh nghiệp thiếu thông tin; đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ ngành Trung ương, của Chính phủ, tỉnh sẽ kiến nghị để tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của các doanh nghiệp và những ý kiến đóng góp, đề xuất của doanh nghiệp, làm cơ sở cho lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Ông đề nghị các ngành liên quan tham mưu để tỉnh sớm xây dựng và ban hành các quy định theo thẩm quyền của địa phương, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 128. Khi đã ban hành thì triển khai đến tất cả các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý để cùng hiểu và thực hiện một cách thống nhất.
Về phía địa phương cam kết cố gắng bảo đảm lộ trình sớm nhất để chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp cùng cộng đồng trách nhiệm, chung tay với chính quyền địa phương. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin nên các doanh nghiệp rà soát lại số lượng công nhân, gửi danh sách cho Ban quản lý khu kinh tế điều phối (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp); còn các doanh nghiệp khác thì gửi cho UBND huyện.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thành Tâm mong muốn các doanh nghiệp sẽ có ý kiến phản hồi thường xuyên đối với các chỉ đạo, điều hành của tỉnh thông qua Ban Quản lý khu kinh tế, UBND huyện; giao trách nhiệm cho Ban Quản lý khu kinh tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp các ý kiến, báo cáo ngay về Sở chỉ huy để có hướng trao đổi, giải đáp cho các doanh nghiệp.
Trúc Ly