Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ước mơ đưa mãng cầu Tây Ninh lên tầm cao mới
Thứ sáu: 00:08 ngày 18/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhận thấy nông dân quê nhà còn nhiều khó khăn trong việc giải quyết nông sản sau thu hoạch, đặc biệt là cây mãng cầu - đặc sản của quê hương, chị Trang đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao từ cây mãng cầu, qua đó nâng cao giá trị cây mãng cầu Tây Ninh.

Chị Trang chăm sóc, theo dõi các mô hình cây trồng ở Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh.

Sau nhiều năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, kỹ sư Nguyễn Thị Hiếu Trang (SN 1990) về quê, nhận công tác tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh. Nhận thấy nông dân quê nhà còn nhiều khó khăn trong việc giải quyết nông sản sau thu hoạch, đặc biệt là cây mãng cầu - đặc sản của quê hương, chị Trang đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao từ cây mãng cầu, qua đó nâng cao giá trị cây mãng cầu Tây Ninh.

Từ cô học trò đam mê môn sinh học trở thành thạc sĩ Công nghệ sinh học

Từ sự hứng thú với môn sinh học cùng các tiết học thí nghiệm giải phẫu động thực vật thời còn ngồi trên ghế trường THPT, Nguyễn Thị Hiếu Trang quyết định thi vào khoa Công nghệ Sinh học của Trường đại học Quốc tế (TP.HCM) để tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích. Càng học chị càng say mê ngành học này.

“Công nghệ Sinh học là một bộ môn rất thu hút tôi. Những kiến thức sinh học trong các buổi học thực hành khiến tôi càng thấy hứng thú. Bên cạnh đó, ngưỡng mộ các bạn cùng ngành có những sản phẩm ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, tôi đã bắt tay vào vào nghiên cứu và chế tạo sản phẩm của riêng mình. Dần dần, việc nghiên cứu trở thành niềm đam mê của tôi. Được học tập, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm hữu ích tôi rất hạnh phúc”- chị Trang tâm sự.

Năm 2012, chị vinh dự là một trong những sinh viên được tham gia nhóm nghiên cứu dự án Tổng hợp Nanocurcumin (từ củ nghệ) và thử nghiệm trên mô hình xơ gan ở chuột tại Khu công nghệ cao quận 9 (R&D) TP. HCM.

Sau gần 2 năm thí nghiệm Nanocurcumin trên chuột, chị và các thành viên của nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc chứng minh Nanocurcumin có hiệu quả trong việc điều trị bệnh xơ gan. Sản phẩm Nanocurcumin của nhóm đã được triển khai sản xuất thành một sản phẩm thương mại, hỗ trợ việc điều trị bệnh xơ gan trên thị trường dược phẩm.

Năm 2014, tốt nghiệp đại học, chị Trang về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu công nghiệp công nghệ cao Củ Chi, TP.HCM. Tại đây chị đảm nhận nhiệm vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sau thu hoạch.

Với nhiết huyết, đam mê trong công tác nghiên cứu, chị Trang đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm sinh học hỗ trợ trong công tác phát triển nông nghiệp, một số sản phẩm đã được chuyển giao công nghệ thành sản phẩm thương mại hoàn chỉnh.

Trong đó có các sản phẩm được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn tiêu biểu như: Nghiên cứu tổng hợp nano chitosan (vỏ tôm, cua) và đánh giá khả năng kháng nấm trên thực vật; Tổng hợp nano đồng sử dụng dịch chiết từ vỏ quýt và thử nghiệm ức chế một số chủng nấm gây bệnh nấm hồng; tổng hợp nano bạc sử dụng dịch trích xơ dừa và thử nghiệm kháng vi sinh vật; Ứng dụng tinh dầu trích ly từ một số cây dược liệu trong phòng trừ các tác nhân gây bệnh và bảo quản sau thu hoạch.

“Công việc của tôi phải đi thực địa ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước để lấy mẫu thực vật thí nghiệm. Đi nhiều, nghiên cứu nhiều tôi mới thấy sự đa dạng của sinh học và những lợi ích của sinh học trong cuộc sống.

Niềm vui của tôi chính là tạo ra được những sản phẩm sinh học mới có thể ứng dụng vào đời sống và các công trình nghiên cứu được mọi người công nhận. Tôi muốn đem các sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng và giải quyết những khó khăn của người nông dân”- chị Trang chia sẻ tâm huyết về công việc của mình.

Trở về phục vụ quê hương

Năm 2020, chị Trang về Tây Ninh sinh sống và công tác tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Đây là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên khắp địa bàn tỉnh.

Nhận thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị đã nghiên cứu dự án gel rửa tay bổ sung polyphenol từ dịch trích ly vỏ và hạt mãng cầu Tây Ninh. Nghiên cứu của chị đã được công nhận sáng kiến cấp cơ sở, cấp tỉnh năm 2020 và 2021.

Chia sẻ về nghiên cứu này, chị Trang cho biết, thời điểm về công tác cũng là thời điểm đơn vị có nhóm nghiên cứu phát triển các sản phẩm sinh học sau thu hoạch của cây mãng cầu Tây Ninh.

Nhận thấy vỏ và hạt mãng cầu bị bỏ rất nhiều trong quá trình nghiên cứu, chị đã tìm hiểu về các lợi ích từ quả mãng cầu, phát hiện chất polyphenol trong vỏ và hạt mãng cầu có tác dụng kháng nấm, vi khuẩn. Từ kết quả đó, chị mạnh dạn tham mưu lãnh đạo đơn vị dự án sản xuất gel rửa tay bổ sung polyphenol từ dịch trích ly vỏ và hạt mãng cầu Tây Ninh.

Được sự khích lệ của đơn vị, chị Trang bắt tay vào thực hiện dự án. Chị đã dùng hơn 500kg vỏ và hạt mãng cầu thu mua từ các cơ sở trồng, cung cấp mãng cầu trên địa bàn tỉnh và trích ly được chất polyphenol trong vỏ, hạt mãng cầu. Sản phẩm sinh học của chị được chuyển giao công nghệ và sản xuất thành gel sát khuẩn phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Những sản phẩm này đã được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho nhiều đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19; đồng thời, sản phẩm cũng được phân phối đến các công ty bán lẻ thành sản phẩm thương mại.

Sau thành công của dự án, chị Trang tiếp tục tham gia nghiên cứu các sản phẩm sinh học sau thu hoạch của cây mãng cầu: nước ép mãng cầu, bột mãng cầu... Đặc biệt, riêng chị đang nghiên cứu dự án Tổng hợp nano bạc- nano đồng sử dụng chiết xuất từ lá mãng cầu, làm chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng trên chính cây mãng cầu và các loại cây trồng khác.

Nói về dự án nghiên cứu mới, chị Trang cho biết, ý tưởng được hình thành từ việc quan sát thấy số lượng lá khi làm trái cho mãng cầu bị người nông dân bỏ rất nhiều. Nhận thấy nguồn nguyên liệu có sẵn dồi dào, rẻ tiền, vừa có thể giải quyết sự lãng phí vừa hạn chế rác thải ra môi trường, chị Trang tham mưu lãnh đạo đơn vị xét duyệt dự án, với hy vọng đây là giải pháp giúp người nông dân có động lực mở rộng mô hình trồng trọt, đa dạng hoá thêm các sản phẩm sinh học từ cây mãng cầu.

Hiểu nỗi vất vả của người nông dân địa phương, bên cạnh nhiệm vụ được giao tại đơn vị, chị Trang đang ấp ủ nhiều dự án nghiên cứu các sản phẩm sinh học công nghệ cao sau thu hoạch từ cây mãng cầu và cây dược liệu tiêu biểu của tỉnh.

Với vai trò là một kỹ sư, thạc sĩ công nghệ sinh học, chị mong muốn đem những kỹ năng, kiến thức của mình phát triển các sản phẩm nông nghiệp của quê hương ngày càng nâng cao giá trị, đa dạng sản phẩm, giúp người nông dân cải thiện kinh tế.

Với quyết tâm “không để mình tuột lại phía sau” chị Trang vẫn đang nỗ lực học tập, nghiên cứu mỗi ngày để có những ý tưởng nghiên cứu mới, hay, có thể ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống và đem lại những giá trị cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục