Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đối với tôi, với nghĩa vụ tìm hiểu về Người, lần theo dấu chân Người, tôi thường tự hỏi mình: Nếu Hồ Chí Minh quay trở lại, Người sẽ thấy được những gì Người đã nhìn thấy”.

Nhà báo Dominique de Miscault, Tổng Biên tập Tạp chí Triển vọng Việt Nam - Cộng hoà Pháp viết: “Tôi đã trải qua 7 năm làm công việc sao chép tài liệu cho bà Nguyễn Thu Hà, một trong số những nhân viên lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh (người tôi đã gặp gỡ qua những người bạn trong ngành Dân tộc học).
Với niềm đam mê, bà đã tích luỹ, thu lượm, để mang lại những thông tin nhiều nhất có thể về Việt Nam. Nhờ đó, tôi có cơ hội được biết đến nhân vật Hồ Chí Minh và được biết đến câu chuyện về cuộc đời gắn liền với lịch sử dân tộc của Người. Đặc biệt là khi triển khai kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm về Hồ Chí Minh tại Pháp”.
Di sản tinh thần Hồ Chí Minh
“Cần phải nhớ lại rằng tôi đã đi khắp nước Pháp trong nhiều tháng ròng để thu thập những bức ảnh ở những nơi mà Hồ Chí Minh đã đặt chân từ năm 1911, và có 3 giai đoạn Hồ Chủ tịch lưu lại trên đất nước chúng tôi: Từ năm 1911, tôi gọi là “hành trình khai phá”, từ năm 1917, học tập và hoạt động cách mạng, năm 1946, chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước hay lời kêu gọi hoà bình.
Đối với tôi, với nghĩa vụ tìm hiểu về Người, lần theo dấu chân Người, tôi thường tự hỏi mình: Nếu Hồ Chí Minh quay trở lại, Người sẽ thấy được những gì Người đã nhìn thấy” - nhà báo người Pháp viết tiếp.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian hoạt động Cách mạng tại Pháp.
Theo nhà báo này (thời điểm năm 2006) Hồ Chí Minh vẫn còn là một bí ẩn đối với phần lớn người dân Pháp, họ quan tâm đến Người và quan tâm tới những điều tối thiểu như: thực sự Người là ai, từ đâu tới, Người đã làm những gì? Những tài liệu về chủ nghĩa cộng sản luôn nằm trong vali của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đàn ông Đông Dương này phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng. Và chính nhờ vào sự nhạy bén và lòng quyết tâm cực độ, Người đã mang lại nền độc lập cho dân tộc mình.
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập với một số ít người không ủng hộ và phản đối nền độc lập này, và ngay sau đó đã tạo ra sự đối đầu với một số quan chức thuộc địa cũ của Pháp.
Sự kiện này đã nhanh chóng thổi bùng lên một phong trào tập hợp những thanh thiếu niên trẻ tuổi từ 14 đến 20, những người đó hiện nay khoảng tầm từ 75 đến 90 tuổi. Tôi cũng đã thu thập những tư liệu này. Vào thời điểm đó Hồ Chí Minh 55 tuổi.
Là con trai thứ hai của một quan chức triều đình, Nguyễn Tất Thành xuất thân từ dòng dõi con nhà kiệt xuất. Cha Người, được một nhà Nho nhận làm con nuôi và cho ăn học tử tế, năm 1894, ông tham dự kỳ thi hương và đỗ “cử nhân” tại trường thi Nghệ An.
Năm 1901, ông thi đỗ kỳ thi danh giá tại cung điện Huế và nhận được học vị Phó bảng. Cùng năm đó, mẹ của Người qua đời. Sau khi đỗ Phó bảng, cha Người chỉ làm quan một thời gian ngắn và bị cách chức vì tội ra lệnh đánh 100 roi một người có quyền thế. Từ năm 1911, ông vào Nam bộ làm thầy thuốc giúp dân nghèo, sống cuộc đời thanh bạch cho đến khi qua đời năm 1929.
Ẩn khuất không thể giãi bày đó có thể đã nhen nhóm lên tinh thần kiên cường bất khuất của nhà cách mạng tương lai khi phải đối mặt với kẻ thù, theo Danièle Hémery, một trong số những nhà viết sử hay nhất về Hồ Chí Minh đã ghi nhận sau khi có cuộc phỏng vấn đối thoại với ông Raymon Aubrac.
Tranh biếm hoạ “Mau lên vi hành” của Bác Hồ đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) số ra ngày 1.8.1922.
Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Tất Thành chưa hoàn thành bất kỳ một chương trình học đầy đủ nào, cũng chưa qua đào tạo tri thức hiện đại hay truyền thống nào. Trí tuệ của Người có được là do tài năng tự học, do bản tính thông minh sẵn có của Người mà đã được đúc rút và trải nghiệm trong phong trào cách mạng.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời khỏi Sải Gòn. Nước mất, nhà tan, Nguyễn Tất Thành lên tàu sang Pháp. Sau khi bôn ba 5 đến 6 năm nơi chân trời góc bể và ở châu Âu, Người đã dừng chân tại Paris và gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tương lai, những người sáng lập ra Đại hội Tours năm 1920.
Các bạn có biết rằng, ở Pháp, lúc đó Hồ Chí Minh trong tương lai có hơn 200 bút danh dùng trong đấu tranh chính trị. Vào thời kỳ đó, Paris tập hợp những nhà tư tưởng cách mạng kiệt xuất và dũng cảm nhất. Hồ Chí Minh chưa bao giờ rời bỏ mục tiêu của mình, đó là đem lại cho dân tộc mình, trong đó có những người thân của mình, sự tự do, nhân phẩm và quyền được làm chủ.
Năm 1945, người Việt Nam bất ngờ bị rơi vào vòng xoáy của chính trị hiện đại. Bạn tưởng tượng xem, bối cảnh này lại xảy ra ở một quốc gia mà cho đến nay cuộc sống vẫn dựa vào tín ngưỡng và các tập tục tôn giáo như thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ người đã chết và cúng bái các thần linh bảo hộ.
Chính trong rào cản này, một thiên tài của lịch sử Việt Nam đã ra đời, người khiến chúng ta, cho tới tận ngày nay, vẫn không ngừng thán phục. Hơn 50 năm chiến tranh liên miên (từ năm 1940 và đến năm 1994), Việt Nam mới được xoá bỏ lệnh cấm vận của Mỹ nhưng không thể tiêu diệt được sức sống của một dân tộc!
Người từ giã cõi đời năm 1969, trước khi Hiệp định Paris được ký kết vào 27.1.1973. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng, chiếm được lòng tin yêu của toàn thể nhân dân Việt Nam... Người Việt Nam luôn dành cho Người lòng tôn kính đặc biệt.
Thậm chí, tất cả các hoạt động ngày nay ở Việt Nam, đều được thống nhất dưới chân dung của Người! Một con người đã hy sinh trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, như Hegel đã viết “Malheur au people qui a besoin de héros” (Một dân tộc đau khổ cần phải có những người con anh hùng).
Giải phóng nhân dân khỏi sự giam cầm và bóc lột
Geetesh Sharma, Chủ tịch điều hành Uỷ ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, viết, Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ, Người từng là tâm điểm chú ý trong số các trí thức và các nhà hoạt động chính trị vào nửa cuối của thế kỷ XX, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ những năm 50 đến những năm 70.
Đây là khoảng thời gian có nhiều sách, báo viết về Hồ Chí Minh bằng các ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ, tiêu biểu là ở Tây Bengal, nơi có nhiều bài thơ ca ngợi Hồ Chí Minh được viết. Các tác phẩm của Hồ Chí Minh và Nhật ký trong tù của Người đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính của Ấn Độ và được các độc giả đánh giá cao. Trên thực tế, hai từ Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở nên đồng nghĩa với nhau.
Thật khó có ai không biết về vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Hồ Chí Minh, hay không biết về tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi các liệt cường như Pháp, Nhật Bản và Mỹ, là những nước buộc phải không chỉ nếm mùi thất bại trong tay người dân Việt Nam mà còn phải rời khỏi Việt Nam bởi nhân dân họ đã đoàn kết và có chiến lược quân sự mẫu mực mang tầm lịch sử.
Hiển nhiên một sự nghiệp vĩ đại như thế không thể đạt được nếu thiếu sự lãnh đạo sáng suốt và nhân cách của Hồ Chí Minh với những chính sách, chiến lược theo hướng coi nhân dân là nhân tố quyết định của Người.
Dưới sự lãnh đạo tài tình tuyệt vời của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam không chỉ đã giải phóng đất nước khỏi các ách kìm kẹp của các thế lực thuộc địa, phát xít và đế quốc mà đồng thời còn tẩy trừ được cơ cấu phong kiến già cỗi, giải phóng nhân dân khỏi chế độ phong kiến đang tồn tại trong xã hội với các quan niệm của nó trong một thời gian ngắn nhất, chưa từng có trong lịch sử.
Nhân dân luôn là tâm điểm của quá trình tư tưởng Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Người đối với nhân dân không bị giới hạn trong các ranh giới địa lý. Mục đích của Người không chỉ là giải phóng đất nước mình khỏi sự thống trị ngoại bang mà trong chiều sâu tư tưởng của mình, bên cạnh mục đích giành độc lập, Người còn mong ước mang đến sự công bằng, bình đẳng và no ấm cho nhân dân mình.
Nói như thế bởi bên cạnh cuộc đấu tranh nhiệt thành và hết lòng của mình chống bọn ngoại xâm, Người cũng nhiệt thành và hết lòng trong vận động và đấu tranh chống cơ cấu xã hội phong kiến khi mà việc loại bỏ cả hai đều là quan trọng để giải phóng nhân dân khỏi sự giam cầm và bóc lột.
Việt Đông
(Còn tiếp)