Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về các di tích ở Long Giang
Thứ tư: 08:11 ngày 22/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh có tới 3 bài về các di tích ở xã Long Giang, huyện Bến Cầu. Đấy là thành bảo Long Giang, đình Long Giang và chùa Bửu Long (còn gọi là chùa Bàu Tượng). Sách do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát hành năm 2014.

Chùa Bửu Long.

Trước tiên, xin cảm ơn quý sở đã có chủ trương in loại sách này. Sách đã giúp những người yêu mến Tây Ninh có tư liệu để tra cứu khi cần, cũng như giới thiệu quê mình với bạn bè trong và ngoài nước. Sách là cơ sở để ngành du lịch tìm hiểu, phát huy, áp dụng vào việc nghiên cứu, phát triển các tour, tuyến du lịch ở tỉnh nhà. Sách còn là phương tiện giúp các em học sinh hiểu biết và thêm yêu quê hương, đất nước. Dĩ nhiên, nó còn nhiều công dụng khác.

Nhưng cũng chính vì tác dụng to lớn ấy, mà người sử dụng cuốn sách cần phải thận trọng khi trích dẫn, hoặc tra cứu sách. Bởi những sai sót- (nếu có) dễ bị nhân lên gấp nhiều lần. Xin có ngay ví dụ trong các bài viết về các di tích ở Long Giang.

-Sai sót lớn: Thực ra, người viết bài này đã có lần nhắc đến trong một bài viết đã đăng trên báo Tây Ninh nhưng có lẽ do bài báo dài, nên chi tiết ấy đã không được chú ý. Bằng chứng là sau khi công bố, các cơ quan chức năng chưa hề có động tác nào để “sửa sai” như sự việc cần phải thế.

Bài “Di tích lịch sử, văn hoá đình Long Giang” (trang 104) có câu: “Nằm trong hệ thống đình của người Việt, đình Long Giang được xây dựng sát biên giới quốc gia giáp với Campuchia”.

“Trời đất, quỷ thần ơi!”- ông Năm Trinh, 82 tuổi, Trưởng ban Quý tế đình Long Giang nhiều năm đã phải kêu lên như thế khi nghe kể về những dòng chữ trên. Vì người Bến Cầu ai mà chẳng biết xã Long Giang không phải là xã giáp biên giới. Ông bảo, từ đình ra đường biên, nếu theo đường qua ấp Cao Su sang Long Phước thì tầm 9-10km. Còn nếu đi đường sông theo lối rạch Bảo, cũng phải 5-6km. Sao lại có thể viết rằng đình nằm sát biên giới?

-Sai sót nhỏ: là ở bài “Di tích lịch sử, văn hoá chùa Bửu Long”. Các tác giả  đã viết: “Sư Nhật Ân thường sang chùa Phong Thọ bàn chuyện tuyên truyền cộng sản trong dân…”. Đúng ra phải là chùa Long Thọ, thuộc xã Long Khánh kề bên. Chi tiết sai nữa là ở trang 114, có đoạn viết: “Phía bên trái là bàn thờ Cửu vị Tiên nương và điện Linh Sơn thánh mẫu”. Liệu có sự nhầm lẫn nào đây, giữa Phật giáo với đạo Cao Đài, khi chúng ta đã biết “Cửu vị Tiên nương” chỉ xuất hiện tại Báo Ân từ- ngôi đền thờ bà Diêu trì- Kim mẫu theo truyền thuyết của đạo Lão có xuất xứ từ Trung Quốc?

-Vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu: ở bài viết về di tích lịch sử thành bảo Long Giang, vừa có những sai sót nhỏ về chi tiết, vừa có vấn đề lớn hơn cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ.

Sai sót nhỏ đầu tiên thuộc về cách viết. Dường như các tác giả đã “tung hoả mù” khi kể về sự ra đời của ngôi thành cổ. Do nhiều người không có sách này trong tay, nên xin trích nguyên văn đoạn này như sau: “Sau khi triều đình nhà Nguyễn đặt thêm phủ Tây Ninh “năm Minh Mệnh thứ XVII đổi tên thành tỉnh Gia Định, đổi tổng An Biên làm Định Biên, đặt thêm phủ Tây Ninh, lãnh 2 huyện Tây Ninh và Quang Hoá” (Đại Nam nhất thống chí quyển 5 trang 193). “Huyện Quang Hoá cách phủ (Tây Ninh) 29 dặm về phía Tây Bắc - Đông Tây cách nhau 48 dặm, Nam Bắc cách nhau 70 dặm”. Hồi đầu bản triều (nhà Nguyễn Ánh), đặt đạo Quang Phong ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm Minh Mệnh thứ 5 đắp bảo gọi là bảo Quang Hoá thuộc phủ Tây Ninh thống hạt, lãnh 4 tổng và 32 xã thôn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” quyển 5 trang 205 ghi: “Thành huyện Quang Hoá chu vi 147 trượng…ở thôn Long Giang”. “Năm Minh Mệnh thứ 5, đắp bảo Quang Hoá ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm Minh Mệnh thứ 17 đổi làm thành của huyện…”.

Trong cái đoạn văn rối tinh những mẩu trích dẫn ấy, đọc kỹ vẫn có thể nhận ra các chi tiết sai, bởi làm gì có tổng An Biên nào để đổi thành Định Biên? Mà đấy là tên tắt của hai tỉnh Phiên An và Biên Hoà; sau khi đổi Phiên An thành Gia Định thì mới có tên Định Biên. Còn có chỗ ghi sai tên huyện Tân Ninh thành huyện Tây Ninh. Kích thước thành cũng bị chép sai, vì ở cạnh Đông Tây là 84m (không phải 48m). Ở đoạn tiếp theo cũng có một chi tiết sai nữa, khi cho rằng: “Long Giang là lỵ sở của đạo Quang Phong và sau này thành lập huyện Quang Hoá, đã đắp thành bảo Long Giang và lỵ sở của huyện cho đến mãi năm Minh Mệnh 17 (1836) mới chuyển lỵ sở Quang Hoá về Cẩm Giang”.

Sự thật, Long Giang chưa bao giờ là “lỵ sở của đạo Quang Phong” cả! Ngay trong câu trích nói trên cũng có mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ: “đã đắp thành bảo Long Giang và lỵ sở của huyện cho đến mãi năm 1836 mới chuyển lỵ sở Quang Hoá về Cẩm Giang”. Năm 1836 mới bắt đầu có huyện, thì làm gì có lỵ sở trước đó mà chuyển về Cẩm Giang? Đoạn văn trích sau đây là của sách Đại Nam nhất thống chí viết về thành huyện Quang Hoá. Rất rõ ràng, không thể hiểu sai được: “Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) đắp bảo Quang Hoá ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm thứ 17 (1836) đổi làm thành của huyện; năm Thiệu Trị thứ ba đắp bảo Định Liêu; năm Tự Đức thứ ba lại lấy bảo Định Liêu làm thành của huyện, mà Quang Hoá vẫn để làm bảo như cũ” (trang 210- 211, sách hiện có tại Thư viên Tây Ninh).

Bên cạnh các sai sót kể trên, có thể vẫn còn một... sai sót nữa. Mà sai sót này (nếu có) xem chừng rất lớn. Đấy là cái nơi đang được cắm cọc khoanh vùng bảo vệ di tích ở ấp Bảo, xã Long Giang liệu có đúng là thành bảo Long Giang mà các sử liệu triều Nguyễn từng nhắc tới? Nếu đúng, thì phải chứng minh cho được đây chính là bảo Định Liêu trong đoạn văn trích từ Đại Nam nhất thống chí. Trên đất Long Giang thời kỳ sau khi lập huyện Quang Hoá 1836 vẫn còn một ngôi thành bảo nữa, có kích cỡ và dấu vết còn lại tương xứng và rõ ràng hơn rất nhiều ngôi thành ấp Bảo. Để xác định rõ đúng sai chuyện vị trí thành bảo Long Giang, chắc chắn cần có một nghiên cứu, hoặc một hội thảo khoa học nghiêm túc.

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục