Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, những mái đầu đã bạc lại có dịp tụ họp cùng nhau trên quê Bác, cùng lắng lòng trong không khí làng quê thanh bình, mộc mạc. Nghe như văng vẳng đâu đó những câu hát ví, hát dặm đầm ấm, thấm đậm nghĩa tình của con người xứ Nghệ.
Đoàn cựu Thanh niên xung phong Tây Ninh thăm làng Hoàng Trù- quê ngoại của Bác (ảnh Tấn Hùng).
Tôi trở về quê Bác, làng Sen
Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!
Làng quen như thể quê chung vậy
Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn…
(Trích “Theo chân Bác”- Tố Hữu)
Cuối tháng 4 vừa qua, trong hành trình về nguồn viếng thăm lăng Bác cùng đoàn cựu Thanh niên xung phong Tây Ninh, có một điểm không thể không đến là quê nội, quê ngoại của Bác trên mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió.
Con đường vào làng Hoàng Trù- quê ngoại của Bác những ngày đầu hè đầy nắng, rợp bóng mát của những hàng cây xà cừ tán lá xanh mướt, những ngôi nhà nhỏ ẩn mình sau luỹ tre xanh, thoang thoảng mùi thơm từ những đầm sen đang mùa nở rộ.
Dưới bóng mát của hàng cây xanh nơi hai ngôi nhà lịch sử, từng đoàn khách tụ họp lại để nghe cô hướng dẫn viên xứ Nghệ giới thiệu về ngôi nhà mà Bác đã được sinh ra và trải qua thời thơ ấu: “Kính thưa các bác, các anh, các chị, chúng ta đang có mặt tại làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa. Đây là quê mẹ của Bác Hồ...” - lời cô hướng dẫn viên tha thiết, ngọt ngào vang lên dẫn dắt mọi người đến câu chuyện về ngôi nhà nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời.
Làng Hoàng Trù là nơi lưu dấu những nét văn hoá đặc trưng của đồng quê xứ Nghệ với luỹ tre xanh, những ngôi nhà nép mình bên hàng cau thẳng tắp, rặng chè tàu quanh co uốn lượn trên con đường làng...
Mọi người cùng lặng ngắm ngôi nhà 5 gian của cụ Hoàng Đường- là nơi mà bà Hoàng Thị Loan được sinh ra và lớn lên, là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Năm 1881, đây là nơi tổ chức lễ hứa hôn và hai năm sau là lễ thành hôn của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Ngôi nhà nhỏ 3 gian kề bên do cụ Hoàng Đường dựng lên cho ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác Hồ) vẫn còn nguyên nếp tranh giản dị, những kỷ vật đơn sơ đã bạc màu theo năm tháng nhưng đã trở thành tài sản vô giá mang ý nghĩa quốc gia.
Mỗi hiện vật đều gắn liền với những kỷ niệm êm đẹp thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 19.5.1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã chào đời trong căn nhà nhỏ 3 gian này.
Những kỷ vật này còn gắn liền với quá trình lao động cần cù chịu thương chịu khó không quản ngày đêm của bà Hoàng Thị Loan và từng chứng kiến những bước đi chập chững, tiếng nói bi bô đầu đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Nơi đây cũng đã hun đúc nên chí hướng một người chiến sĩ cách mạng suốt đời vì dân vì nước, suốt đời chỉ có một ham muốn tột bậc là đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân được sống trong cảnh hoà bình…
Không ai bảo ai, mỗi người đều lặng im khi ngắm nhìn những kỷ vật trong hai nếp nhà thấp bé với vì kèo gỗ, với mái hiên cùng những tấm liếp giản dị, bình thường như bao ngôi nhà của làng quê Trung bộ ngày xưa, lòng lại rưng rưng nhớ về vị lãnh tụ của dân tộc.
Nằm cách làng Hoàng Trù không xa là làng Sen- quê nội của Bác. Nơi đây có ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được dựng lên từ năm 1901. Đó là một ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, bé nhỏ, mộc mạc, được bao bọc xung quanh bởi màu xanh của vườn cây và những bóng tre.
Ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành, cũng như ghi dấu cảm xúc đầu đời về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Bác.
Theo lời cô hướng dẫn viên, phần nhiều các đồ đạc trong nhà Bác đều do dân làng tặng, những kỷ vật tới giờ vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn. Ngôi nhà 5 gian lịch sử này nằm trong cụm di tích quan trọng bậc nhất của Khu di tích lịch sử Kim Liên - được xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước.
Những thành viên trong đoàn cựu Thanh niên xung phong tỉnh Tây Ninh lần này trở về thăm quê Bác có những người quê ở Nghệ An. Dẫu là con dân xứ Nghệ nhưng thời trẻ họ đã phải rời quê lên đường tham gia chiến đấu giải phóng đất nước.
Từ ngày đất nước hoà bình, vì cuộc mưu sinh, họ vẫn chưa có dịp nào trở về thăm lại quê xưa. Giờ đây ở độ tuổi U70, U80, lần đầu tiên họ mới được trở về thăm lại quê nhà và tìm đến làng Sen quê Bác, để: “Đi một lần cho biết, giờ có chết cũng thoả dạ”- như lời một thành viên trong đoàn đã bộc bạch.
Rời nhà Bác, từng đoàn người lại nối nhau vào tham quan khu trưng bày và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác, mà còn là nơi thể hiện tình cảm của người dân trong và ngoài nước đối với Bác. Ngôi nhà thờ này đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1991.
Ngoài những điểm tham quan chính, nơi quê nội của Bác chúng tôi còn được anh bạn hướng dẫn viên trong đoàn giới thiệu những di tích khác từng gắn bó với tuổi thơ của Bác như: giếng Cốc, lò rèn cụ Cố Điền, 3 ngôi nhà láng giềng của gia đình Bác.
Theo lời của anh hướng dẫn viên, những ngôi nhà này mới được phục dựng cách đây vài năm, đều được thiết kế cột kèo bằng gỗ kiểu tứ trụ, rui mè bằng tre, mái lợp lá mía, vách bao quanh nhà bằng phên nứa, gỗ hoặc đất. Các vật dụng như bàn ghế, giường, bàn thờ, cối giã gạo, khung cửi, cơi trầu, nậm rượu, lò rèn, cày, bừa, các vật dụng đánh cá... đều là của thời xưa. Sân vườn được trồng các loại cây gần gũi với đời sống người dân như: cau, chuối, khoai lang, dâu, khế, bưởi, ổi, trầu.
Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, những mái đầu đã bạc lại có dịp tụ họp cùng nhau trên quê Bác, cùng lắng lòng trong không khí làng quê thanh bình, mộc mạc. Nghe như văng vẳng đâu đó những câu hát ví, hát dặm đầm ấm, thấm đậm nghĩa tình của con người xứ Nghệ.
KN