Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì sao những ngày Tết trôi qua nhanh như chớp
Thứ sáu: 11:04 ngày 27/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những khi vui vẻ, bận rộn, chúng ta có thể mất cảm giác về ngày tháng. Càng lớn tuổi, con người càng thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.

Những khi vui vẻ, bận rộn, chúng ta có thể mất cảm giác về ngày tháng. Càng lớn tuổi, con người càng thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.


Nhiều người có cảm giác những ngày lễ Tết, cuối tuần trôi qua nhanh hơn. Ảnh: Duy Hiệu.

Mặc dù tất cả chúng ta biết rằng mỗi giây trên đồng hồ luôn là tích tắc trôi đi ở một tốc độ nhất định, không thay đổi, hầu hết đều từng trải nghiệm "chiều thứ 4" của thời gian, nơi mọi điều bị đảo lộn và bất thường.

Khi xếp hàng chờ đợi hay ngồi trong một phòng họp nhàm chán, bạn cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Nhưng khi vui vẻ bạn mất cảm giác về thời gian, cuối tuần hay những ngày lễ Tết có thể trôi qua trong chợp mắt.

Nhiều nghiên cứu, thực nghiệm đã cố gắng giải thích hiện tượng này và cho chúng ta câu trả lời xác đáng từ góc độ khoa học.

Nhà khoa học thần kinh nhận thức Muireann Irish từ Đại học Sydney (Australia) cho biết cảm nhận thời gian khác nhau xảy ra khi chúng ta đang mong chờ điều gì đó.

"Hãy nghĩ về một đứa trẻ liên tục hỏi: 'Chúng ta đã đến nơi chưa?' hoặc 'Bao lâu nữa thì có thể mở quà Giáng sinh?'. Nếu chúng ta đang chờ đợi một điều gì đó xảy ra, thời gian có thể bị kéo giãn ra và thực sự cảm thấy nó lâu hơn rất nhiều", tiến sĩ Irish nói.

Và thời gian thậm chí có thể trôi chậm hơn nếu bạn thuộc tuýp người bốc đồng, bồn chồn hoặc tức giận khi không đạt được điều mình muốn ngay lập tức.

Còn trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học người Đức Marc Wittmann, những người bị buộc phải ngồi trong phòng mà không được làm gì trong 7,5 phút sẽ cảm thấy thời gian trôi qua khác nhau, tùy thuộc vào họ là người như thế nào.

Một số cho biết thời gian chỉ là 2,5 phút, trong khi đối với những người bốc đồng nhất thì có cảm giác như 20 phút đã trôi qua.

Vì vậy, không chỉ các yếu tố bên ngoài, mà tâm lý, tính cách, tâm trạng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của con người về thời gian.

Cách bộ não cảm nhận về thời gian

Tiến sĩ Wittman, người đến từ Viện Tâm lý và Sức khỏe Tâm thần ở Freiburg, cho biết không có sự đồng thuận thực sự về vị trí và cách thức xử lý thời gian trong não bộ con người.

Tuy nhiên, ông nói rằng có bằng chứng cho thấy các vùng vận động của não chúng ta rất quan trọng ở các khoảng thời gian liên quan đến những hoạt động như nói chuyện, chơi nhạc, lái xe hoặc chơi thể thao, tối đa là vài giây.

Khi nói đến thời gian dài hơn 5 giây, các thí nghiệm của tiến sĩ Wittmann cho thấy phán đoán thời gian của con người thường không chính xác.


Cảm nhận thời gian trôi qua nhanh hay chậm phụ thuộc vào tâm trí của từng người. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Mức độ chênh lệch giữa thời gian thực và thời gian cảm nhận có liên quan đến cách xử lý của não bộ.

Trong một loạt thí nghiệm khác do tiến sĩ Wittman thực hiện, những người trong máy quét fMRI được yêu cầu đánh giá khoảng thời gian kéo dài 18 giây.

Ông nhận thấy những người có nhiều hoạt động hơn trong một phần của bộ não gọi là vỏ não đảo ( insular cortex) đưa ra những phán đoán chính xác hơn.

Tiến sĩ Wittmann cho biết khu vực này của não chịu trách nhiệm tích hợp các tín hiệu từ khắp nơi trên cơ thể và cho phép chúng ta "cảm nhận được bản thân" và thời gian trôi qua.

"Thông qua cảm giác về cơ thể của chúng ta theo thời gian, chúng ta cảm nhận được thời lượng".

Khi không làm gì cả, chúng ta ít bị phân tâm hơn và nhạy cảm hơn với cảm giác của mình cũng như thời gian trôi qua.

"Khi buồn chán, bởi vì chúng ta đang cảm nhận quá mức cảm giác cơ thể của chính mình, thời gian sẽ kéo dài ra rất nhiều".

Ngược lại, thời gian có thể trôi qua nhanh hơn khi con người bận rộn và vui vẻ.

Tiến sĩ Irish cho biết điều này là do chúng ta chỉ có một sự chú ý hữu hạn dành cho thế giới.

Vì vậy, nếu chúng ta đang tập trung vào điều gì đó thú vị, thì sẽ ít chú ý đến thời gian trôi qua hơn và nó dường như trôi nhanh hơn.

"Nếu chúng ta làm nhiều việc cùng một lúc và vô cùng bận rộn, thì chúng ta cảm thấy một ngày trôi qua rất nhanh và không thể biết được tất cả những giờ phút đó đã trôi qua lúc nào", tiến sĩ Irish nói.

Thời gian trôi nhanh khi chúng ta vui

Năm 2021, các nhà nghiên cứu của Đại học Ohio (Mỹ) đã thực hiện một thí nghiệm để chứng minh câu thành ngữ "time flies when you’re having fun" (tạm dịch: thời gian trôi qua nhanh khi bạn vui vẻ).

Đồng tác giả nghiên cứu Selin Malkoc đã xem xét cách mọi người cảm nhận thời gian khi họ dự đoán một sự kiện tích cực hoặc tiêu cực sẽ đến.

Đối với những sự kiện tích cực, chẳng hạn như một kỳ nghỉ sắp tới, các nhà nghiên cứu cho biết mọi người đánh giá những hoạt động này xa vời hơn thực tế. Chẳng hạn, chuyến đi đến Hawaii có thể còn một tuần nữa, nhưng đối với những người háo hức, nó giống như một tháng.

Những lúc vui vẻ, bận rộn, con người có thể thấy thời gian trôi nhanh hơn. Ảnh minh họa: Brian Snyder/Reuters.

Hơn nữa, mọi người cũng cảm thấy như thể những sự kiện vui vẻ như một kỳ nghỉ kéo dài trong thời gian ngắn hơn nhiều so với những sự kiện không mấy hào hứng.

"Sự chờ đợi dường như vô tận cho đến khi kỳ nghỉ bắt đầu kết hợp với cảm giác rằng kỳ nghỉ sẽ trôi qua khiến mọi người cảm thấy thời điểm bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ của họ cũng xa như hiện tại. Nói cách khác, trong suy nghĩ của họ, kỳ nghỉ sẽ kết thúc ngay khi nó vừa bắt đầu", Malkoc nói.

Thời gian trôi nhanh khi chúng ta già đi

Những năm 1800, triết gia người Pháp Paul Janet lập luận rằng khả năng nhận thức thời gian tỷ lệ thuận với khoảng thời gian chúng ta còn sống.

Vì vậy, một năm trong cuộc đời của một đứa trẻ 5 tuổi dường như dài hơn một năm trong cuộc đời của một người 80 tuổi.

Nhưng tiến sĩ Ailen cho biết các lý thuyết hiện tại cho thấy nhận thức của chúng ta về thời gian tăng tốc khi chúng ta hồi tưởng lại các sự kiện hoàn toàn chỉ là một mánh khóe của trí nhớ.

"Trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta cảm nhận thời gian. Ký ức được tạo ra khi chúng ta có những trải nghiệm mới và cảm xúc liên quan đến trải nghiệm đó càng mạnh mẽ thì ký ức càng lâu dài", bà nói.


Càng lớn tuổi, con người càng thấy thời gian trôi nhanh. Ảnh minh họa: iStock.

Tiến sĩ Ailen cho biết cho dù đó là một tai nạn đau thương hay nụ hôn đầu thú vị, những ký ức xác định là một phần của con người chúng ta.

"Những thứ này rất quan trọng đối với danh tính đến nỗi chúng ta thực sự ghi nhớ chúng rất chi tiết".

Điều quan trọng là những ký ức này hoạt động giống như những biển chỉ dẫn, đánh dấu các khoảng thời gian trong cuộc sống của chúng ta và mang lại cho nó cảm giác về thời gian.

Khi còn trẻ, chúng ta có nhiều trải nghiệm rõ ràng hơn - buổi hẹn hò đầu tiên, kết hôn, đứa con đầu lòng - nhưng khi già đi, chúng ta thường rơi vào thói quen và có ít trải nghiệm mới hơn.

"Khi già đi, chúng ta có thể cảm thấy như mình đã rời xa khoảng thời gian xác định đó rất nhiều và thời gian cũng trôi nhanh hơn rất nhiều", tiến sĩ nhận định.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục