Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam – Myanmar: Tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới
Thứ năm: 21:15 ngày 19/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 - 20/4/2018. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, Tiến sĩ Luận Thùy Dương, đã có bài trả lời phỏng vấn dành riêng cho Thế Giới & Việt Nam...

Kể từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đặt nền móng đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Myanmar luôn được nuôi dưỡng và phát triển, Đại sứ có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ hữu nghị truyền thống này?

Đại sứ Luận Thùy Dương: Hai nước Việt Nam và Myanmar có những điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á và đều hướng tới sự đoàn kết, thống nhất trong khu vực.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Aung San, người cha đáng kính của bà Aung San Suu Kyi, xác lập trên cơ sở những nét tương đồng đó đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị lâu đời.

Trong những năm qua, việc trao đổi các chuyến thăm ở tất cả các cấp, các kênh đã giúp củng cố tình hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, thúc đẩy hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Myanmar, tháng 8/2017.

Hợp tác kinh tế song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ: khối lượng thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 830 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà hai nước đã đặt ra.

Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar. Về đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 17 dự án và 2,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 2,8% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar.

Nổi bật nhất là dự án đầu tư của Viettel trong lĩnh vực viễn thông của Myanmar (tổng vốn đầu tư của liên doanh là 1,384 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần).

Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 196 sự hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam (thêm các doanh nghiệp điện, mạng internet, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cửa kính khung nhôm, thức ăn chăn nuôi…).

Mối quan hệ hợp tác này chứng tỏ rằng hai nền kinh tế bổ sung cho nhau và mang lại lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt khi chính phủ Myanmar đang tiến hành cải cách kinh tế rộng rãi, trong các lĩnh vực thương mại nông nghiệp, đầu tư, chế biến thủy sản, du lịch và dịch vụ.

Hai nước tiếp tục thúc đẩy, duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tiểu ban hỗn hợp về thương mại;, ký các Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa hai nước; rà soát lại các nội dung hợp tác trong thời gian qua; thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc và đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Tham khảo chính trị cũng đã tạo dựng được một số quan điểm chung giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai nước thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, luôn thể hiện là đối tác, là bạn bè tin cậy, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tiểu vùng như:

Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)... 

Những phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng - an ninh song phương cũng được đánh giá cao, cả trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương.

Trong năm 2017, hợp tác quốc phòng hai nước có rất nhiều thành tựu và điểm nhấn quan trọng, đáng kể là chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (29/9-3/10), chuyến thăm Việt Nam của Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing (5-8/3/2017) và việc Công ty liên doanh viễn thông Mytel chính thức đi vào hoạt động.

Trong 2017, hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh rõ rệt với 4 trọng tâm hợp tác: hợp tác quân y, công nghiệp Quốc phòng, viễn thông Quân đội và đào tạo sỹ quan. Việt Nam hoan nghênh các học viên Myanmar sang tham dự các khóa học về chữa bỏng và sản xuất chân tay giả ở Việt Nam.

Đại sứ Luận Thùy Dương bên bức chân dung bà Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tại Triển lãm Nghệ thuật "Việt Nam-Myanmar: Duyên dáng và Xinh đẹp", Yangon tháng 5/2017.

Điểm nổi bật về hợp tác văn hóa trong năm 2017 là hai nước đã ký được Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam – Myanmar giai đoạn 2017-2020 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tạo đà cho các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao giữa hai nước.

Việt Nam và Myanmar cũng đã ký được MOU hợp tác về giáo dục; hai bên đều bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh viên sang học ở mỗi nước, mong muốn tăng cường trao đổi, hợp tác, giao lưu giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.

Với đà phát triển thuận lợi cùng những kinh nghiệm phong phú của hơn 40 năm giao lưu hợp tác cộng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Myanmar sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới, to lớn hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại sứ?

Chuyến thăm của cựu Tổng thống Myanmar Htin Kyaw tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 10/2016 đã tạo thêm cơ sở để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Myanmar.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar tháng 8/2017 đã đánh dấu mốc quan trọng, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Hợp tác Toàn diện.

Chuyến thăm lần này của bà Aung San Suu Kyi không chỉ tiếp nối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà còn khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện về mọi mặt, và tạo thêm cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện ngày càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ có cuộc hội đàm và chứng kiến hai bên ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Hai nhà lãnh đạo sẽ xem xét sự phát triển của quan hệ và hợp tác song phương những năm qua, đặc biệt kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Hợp tác Toàn diện.

Để hiện thực hoá hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ bàn thêm các biện pháp thúc đẩy hợp tác không chỉ trong lĩnh vực chính trị, thương mại và đầu tư, quốc phòng, an ninh, mà cả trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, kết nối, năng lượng, viễn thông, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân. 

Hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực, nêu các biện pháp hợp tác trong các diễn đàn đa phương, vừa đảm bảo được lợi ích của hai dân tộc, vừa đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển của thế giới cũng như khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam và Myanmar đều là thành viên của ASEAN, nên hai nước sẽ thống nhất quan điểm về sự tham gia của hai thành viên có trách nhiệm trong Hiệp hội này, đóng góp tích cực vào sự đoàn kết và gắn kết của Cộng đồng ASEAN, cũng như vai trò của ASEAN ở các khu vực rộng lớn hơn.

Đại sứ nhận định thế nào về tiến trình hòa bình và dân chủ đang diễn ra tại Myanmar?

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, Chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và bản thân Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã và đang phải nỗ lực hết mình để có thể hàn gắn những chia rẽ và bất đồng còn tồn tại trong suốt 50 năm qua ở Myanmar, đồng thời thúc đẩy dân chủ ở đất nước vừa mới mở cửa và đang thực hiện cải cách, từng bước mở cửa hội nhập với thế giới.

Các cuộc đối thoại hoà bình Palong đã và đang đánh dấu những chuyển biến quan trọng về việc thiết lập hòa bình tại Myanmar. Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình của Myanmar, đồng thời tin tưởng vào quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc của Myanmar sẽ thành công trong thời gian tới. 

Bên cạnh tiến trình hoà bình, đất nước Myanmar đang thúc đẩy một tiến trình khác diễn ra song song: tiến trình xây dựng một Liên bang đoàn kết, dân chủ và phát triển thịnh vượng; xây dựng một xã hội tự do và phồn vinh ở đất nước 55 triệu dân này.

Chặng đường đổi mới này của Myanmar đang chứng kiến những thay đổi từng ngày, những thành tựu to lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn và trở ngại.

Việt Nam là một đất nước có lịch sử phát triển với nhiều điểm tương đồng với Myanmar, đã thực hiện cải cách và đổi mới, mở cửa và hội nhập với thế giới được hơn 40 năm, Việt Nam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và hỗ trợ chính phủ và nhân dân Myanmar thực hiện mục tiêu cao cả của mình.

Nhân dân Myanmar là những người yêu chuộng hoà bình, có tinh thần tự hào dân tộc và ý chí tự cường rất cao, sẽ thực hiện thành công việc đưa đất nước ra khỏi khó khăn, sẽ phát triển nhanh và mạnh, sẽ có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận về nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cũng như uy tín và tầm ảnh hưởng của Bà đối với đất nước và người dân Myanmar?

Bà Aung San Suu Kyi là người đóng vai trò rất quan trọng, vừa dẫn dắt vừa quyết định, trong cả hai tiến trình hoà bình và dân chủ hiện nay ở Myanmar.

Bà là người nổi tiếng nhất và cũng được yêu mến nhất ở Myanmar. Hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp chính trị, bà Aung San Suu Kyi đã trở thành một biểu tượng cho sự kiên cường, hết lòng vì Tổ quốc.

Bà được ví như “ngọn hải đăng của niềm hy vọng” cho người dân Myanmar. Chính phủ và nhân dân Việt Nam vui mừng đón bà sang thăm chính thức đất nước Việt Nam, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Myanmar.

Xin trân trọng cám ơn Đại sứ.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục