Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Đại chiến” taxi là hậu quả của “vỡ trận” quy hoạch taxi, “vỡ trận” thí điểm, suy cho cùng là sự hụt hơi trong quản lý. Đã lỡ thả gà ra đuổi, khi sắp xếp lại sẽ phải trả giá. Nhưng chậm còn hơn không.
Theo một số tài xế, tại sân bay Tân Sơn Nhất, do nhiều người sử dụng Uber, Grab nên lượng khách đi taxi giảm 50%, trong khi để được đón khách, tài xế taxi phải xếp hàng từ 1,5 đến 2 giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình cảnh của tài xế taxi, Uber và Grab chẳng khác gì người nuôi heo, cùng tạm thời đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Một bên nuôi quá nhiều heo không bán được, bên kia sắm quá nhiều xe nên vắng khách. Có khác là người chăn nuôi được cộng đồng chia sẻ đưa tay giải cứu, còn giới tài xế thì không.
Cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động taxi được người tiêu dùng hoan nghênh vì giá cước giảm, chất lượng phục vụ của taxi đã và sẽ còn thay đổi. Lẽ ra trong cạnh tranh có người thắng - kẻ thua, tiếc rằng khi “đại chiến” chưa kết thúc, đến thời điểm này chịu thiệt hại là giới tài xế taxi và người chạy Uber, Grab và vẫn chưa dừng ở đó.
Thêm một ngành kinh doanh rơi vào khó khăn. Cả ngàn tỉ đồng gồm tiết kiệm của bao gia đình và vay mượn của người thân, ngân hàng đổ vào chiếc ôtô kiếm sống nay không đủ sở hụi, phải khất nợ, ngân hàng thêm nợ xấu, còn xã hội chịu gánh nặng kẹt xe.
Chưa hết, giá cước rẻ đi một phần nhờ cắt giảm khoản thuế phải nộp cho Nhà nước (với taxi công nghệ) và cắt giảm quyền lợi của giới tài xế. Tài xế taxi công nghệ không có bảo hiểm, nay đến lượt tài xế taxi cũng chênh vênh khi giới chủ chuyển qua cho thuê, khoán xe để không còn trách nhiệm đóng bảo hiểm.
Đây là thiệt thòi cho người lao động và về lâu dài là gánh nặng cho xã hội khi có thêm cả chục ngàn người bỗng dưng mất bảo hiểm.
Tại sao có tình trạng này? Đầu tiên là cơ quan chức năng đã để “vỡ trận” taxi khi số xe được phép lưu hành tăng vọt so với quy hoạch. Tiếp đó là cho thí điểm taxi công nghệ, tức mở cửa thị trường taxi nhưng cũng để “vỡ trận”.
Lẽ ra thí điểm thì phải làm có kiểm soát để rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Nhưng không, tất cả đều dễ như nuôi heo nên không kiểm soát được lượng xe tham gia kinh doanh taxi công nghệ.
Cả hai loại hình taxi cùng phát triển mất kiểm soát dẫn đến “vỡ trận” gây quá tải đường sá, làm đảo lộn giá cước, gây thiệt hại cho chính ngành kinh doanh này.
Trong khi đó, có hãng công nghệ còn tung ra lời quảng cáo có cánh với thu nhập vài chục triệu/tháng đã kéo người dân đua nhau sắm xe, làm tài xế taxi công nghệ, rồi thị trường cho thuê xe chạy Uber, Grab... bùng nổ.
Lượng vốn khổng lồ đổ vào ngành kinh doanh chưa rõ ràng cả về phương thức kinh doanh, nghĩa vụ thuế, mâu thuẫn giữa cũ - mới gần như chưa có hướng giải quyết. Việc thí điểm lại được cho thực hiện ở hai thị trường lớn và năng động nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM nhưng mất kiểm soát nên hậu quả gây ra là khó tránh khỏi.
“Đại chiến” taxi là hậu quả của “vỡ trận” quy hoạch taxi, “vỡ trận” thí điểm, suy cho cùng là sự hụt hơi trong quản lý.
Cho đến nay vẫn chưa rõ cơ quan chức năng đã thu hoạch được gì sau thời gian thí điểm taxi công nghệ.
Chúng ta đã lỡ thả gà ra đuổi, khi sắp xếp lại sẽ có người phải trả giá. Nhưng chậm còn hơn không, bởi nếu chậm vạch ra những đường hướng để thị trường taxi phát triển bài bản, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần tham gia, không chỉ giới kinh doanh taxi, tài xế mà cả xã hội cũng phải trả giá, trước mắt là nạn kẹt xe, thua lỗ và không loại trừ sau này nảy sinh nạn độc quyền, kể cả thao túng về giá cước.
Nguồn TTO