Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vụ Trường tiểu học Nam Trung Yên: Bài học cay đắng
Thứ năm: 09:06 ngày 23/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vụ cháu bé bị gãy xương đùi do va vào chiếc taxi chở cô hiệu trưởng và hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cuối cùng cũng đã khép lại với quyết định kỷ luật hai vị lãnh đạo trường này.

Đó là một bài học cay đắng đối với cả người trong cuộc lẫn những người chịu trách nhiệm điều tra, xử lý sự việc.

Vụ tai nạn xuất phát từ sự bất cẩn của lái xe và hai cô giáo lẽ ra đã có thể xử lý đơn giản hơn. Nhưng những bước đi sai lầm kéo dài gần ba tháng qua của cô hiệu trưởng và hiệu phó đã khiến họ phải trả một cái giá đắt.

Em học sinh lớp 2 đã phải trải qua khoảng thời gian 3 tháng đau đớn trong bệnh viện và hiện vẫn chưa thể đến trường khi chỉ mới tập tễnh tập đi với chiếc nạng.

Cũng trong khoảng thời gian đó, cô hiệu trưởng và cô hiệu phó, những người đã chứng kiến em học sinh bị tai nạn, đã kịp làm quá nhiều việc phản cảm: từ chỗ lấy phiếu khảo sát làm bằng chứng cho mình vô can, bất chấp việc lừa dối tất cả giáo viên, học sinh của trường về động cơ, mục đích khảo sát, đến những báo cáo, giải trình dối trá nhằm bưng bít thông tin liên quan vụ việc.

Hành trình “chối bỏ trách nhiệm” của hai vị lãnh đạo Trường tiểu học Nam Trung Yên đã khiến cho niềm tin của giáo viên, học sinh và phụ huynh lung lay dữ dội.

Từng việc làm của họ khi bị báo chí vạch rõ đã gây nên một làn sóng giận dữ của cộng đồng xã hội. Đến độ, 18 giáo viên của trường đã phải viết thư gửi đến báo chí, vì bức xúc, xấu hổ và lòng tự trọng nghề nghiệp bị tổn thương.

Đây không còn là câu chuyện giải quyết hậu quả của một vụ tai nạn ngoài ý muốn nữa mà là vấn đề đạo đức nghề giáo, lương tâm con người, là niềm tin đang có nguy cơ suy giảm nếu như người có lỗi không được xử lý thích đáng.

Quyết định kỷ luật cô hiệu trưởng, hiệu phó giải tỏa được những bức xúc của dư luận xã hội. Nhưng nó đến quá muộn màng khiến cho dư âm của những việc làm phản giáo dục của người trong cuộc vẫn để lại dư chấn trong nhiều người, nhất là các giáo viên, phụ huynh học sinh.

Sau buổi công bố quyết định kỷ luật hai cô giáo, trường sẽ có lãnh đạo mới, rất nhiều bức ảnh của cô hiệu trưởng trong các khoảnh khắc đẹp đẽ cùng học sinh treo ngoài tường rào xung quanh trường có thể cũng sẽ bị dỡ đi.

Trở lại gần ba tháng trước, khi bức xúc gửi đơn kêu cứu cho báo chí, cha của cậu học sinh lớp 2 vẫn chia sẻ với Tuổi Trẻ:

“Tôi không muốn đối đầu với nhà trường, vì dù sao đó cũng là nơi con tôi học, là các cô giáo của con tôi. Vì thế tôi chờ xem cô Ngọc (hiệu trưởng) hành xử như thế nào. Nếu cô biết sai mà xin lỗi gia đình, tôi sẽ rút đơn”.

Nhưng cô hiệu trưởng và hiệu phó đã không cho vị phụ huynh này cơ hội được hành xử bao dung.

Nếu như các cô nghĩ đến sự đau đớn của học trò, dám dũng cảm nhận trách nhiệm, tích cực cùng gia đình khắc phục hậu quả thì sự việc đã đơn giản hơn rất nhiều và chắc chắn các cô cũng không phải gánh chịu kết cục nặng nề như bây giờ.

Mong rằng bài học cay đắng này thấm thía với nhiều người, nhất là những người đang làm trong môi trường giáo dục để không “sẩy một li, đi một dặm”.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục