Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vướng mắc khi dạy học qua Internet và truyền hình
Thứ năm: 15:21 ngày 26/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết gặp khó khăn khi dạy qua Internet, truyền hình do thiếu thiết bị, đài địa phương không thể phát sóng các môn từ lớp 1 đến 12.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với đại diện 63 tỉnh, thành, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch dạy học qua Internet, gửi link bài giảng E-learning để học sinh tự học. Các trường chủ động lựa chọn công cụ phù hợp để dạy, đảm bảo 100% học sinh được ôn luyện kiến thức.

Sở cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam tổ chức phát nội dung bài giảng các môn học lớp 12 phục vụ thi THPT quốc gia với thời lượng hai tiếng mỗi ngày, yêu cầu hiệu trưởng giao cho giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, động viên học sinh học tập. "Tuy nhiên, chúng tôi chưa có phương án đánh giá việc học tập qua truyền hình và Internet như khi học ở trường", ông Quốc nói.

Cô giáo dạy trên truyền hình Hà Nội tối 25/3. Ảnh: Dương Tâm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định Cao Xuân Hùng cho rằng việc dạy qua truyền hình được nhiều địa phương và cả đài truyền hình trung ương thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng chỉ để ôn tập, tham khảo chứ chưa bao giờ đặt ra là kênh chính thức để thay chương trình dạy chính khóa ở trường.

"Đến nay, khi Covid-19 diễn biến khó lường, học sinh nghỉ học kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các tỉnh, thành dạy bài mới trên truyền hình. Tôi không biết các tỉnh khác thế nào, nhưng với Nam Định là không khả thi", ông Hùng nói và lý giải cả tỉnh chỉ có một kênh truyền hình, không thể nào dạy đủ bài mới ở tất cả môn học cho 12 khối lớp.

Hiện, địa phương này mới tổ chức các bài giảng qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12. Những khối lớp khác, giáo viên dạy học qua ứng dụng Zoom (học trực tuyến) và Google Classroom (giao bài tập và chấm bài kiểm tra). Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện học qua Internet nên Nam Định chưa thể triển khai dạy chương trình mới.

Ông Hùng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo để xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan dành ra một số kênh truyền hình để dạy cho tất cả lớp từ 1 đến 12. Địa phương sẵn sàng cử giáo viên tham gia giảng dạy. Trung ương phát bài giảng trên nhiều kênh sóng để học sinh ở khối lớp nào có thể học ở kênh đó.

TP HCM cũng có vướng mắc tương tự khi đài truyền hình địa phương không thể hỗ trợ phát sóng bài học mới tất cả môn từ lớp 1 đến 12. Hiện chỉ học sinh lớp 9 và 12 được học bài mới qua truyền hình theo từng chủ đề kiến thức.

Với việc học qua Internet, 100% trường đã triển khai nhưng số học sinh tham gia chỉ đạt 70-80%. Với các trường ngoại thành, tỷ lệ học sinh tham gia còn thấp hơn, khoảng 60%. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng sau khi học sinh đi học trở lại, các trường vẫn phải dành khoảng thời gian nhất định để ôn tập, rà soát kiến thức cho các em.

Nhằm hướng tới tăng cường dạy học qua Internet, truyền hình, ông Hiếu kiến nghị Bộ ban hành thông tư quy định điều kiện dạy học trên Internet, điều kiện công nhận kết quả dạy học trực tuyến vì cơ sở vật chất hiện nay chưa đảm bảo, đường truyền chưa ổn định. Thông tư cần bổ sung thiết bị tối thiểu để đảm bảo triển khai học trực tuyến, hay việc quy đổi chế độ cho giáo viên khi dạy từ xa.

Trước chia sẻ của các địa phương, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định với học trên Internet, việc học tập của học sinh vùng có điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kết nối hạn chế, có thể không đảm bảo. Trong khi đó, học trên truyền hình với khung giờ phát sóng cố định cũng gây khó cho học sinh.

Tuy nhiên, trong tình huống không thể dạy trực tiếp như hiện nay, giải pháp tình thế này cần được áp dụng rộng rãi, phát huy tối đa ưu điểm để đảm bảo việc học tập của học sinh và hoàn thành chương trình. "Đây cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học", ông Độ nói.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp ngày 25/3. Ảnh: MOET.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, Bộ sẽ phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh, thời lượng phát sóng chương trình dạy học. Các bài giảng sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác để học sinh học lại.

Theo Thứ trưởng, việc dạy học trên truyền hình phải kết hợp với hỗ trợ trực tiếp để kiểm soát được việc học tập cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của học sinh. Theo đó, giáo viên thông báo lịch phát sóng cho các em, phối hợp với gia đình theo dõi. Các thầy cô xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh học theo bài, biên soạn bài tập, giao nhiệm vụ sau giờ học trên truyền hình.

"Quá trình các em theo học, giáo viên cũng cần có biện pháp để tương tác, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc. Khi học sinh đi học trở lại, tất cả nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình nhằm đảm bảo mọi học sinh đều lĩnh hội được đầy đủ nội dung cốt lõi theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình", ông Độ nói.

Do khối lượng bài giảng cho các môn học của các khối lớp là rất lớn (120 môn) Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị các Sở cung cấp bài giảng trên truyền hình ở địa phương để Bộ tổng hợp, lựa chọn phát sóng miễn phí cho học sinh. Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, để đảm bảo công bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại.

Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.

Nguồn VNE

Tin liên quan