Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vượt qua bóng tối cuộc đời
Thứ ba: 23:32 ngày 14/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến xã Tân Phú, huyện Tân Châu, chúng tôi được người dân ở đây kể nhiều về một người khuyết tật suốt ngày tất bật với đủ thứ nghề để kiếm sống... Đó là câu chuyện về anh Thái Thanh Hải (sinh năm 1983)- người có cảnh ngộ không may nhưng đầy nghị lực vươn lên.

Phương tiện đi bán vé số hằng ngày của anh Hải và người bạn của mình.

Hồi anh mới 3 tuổi, giữa lúc gia đình gặp muôn vàn khó khăn, thì anh Hải và cô em gái cùng mắc căn bệnh sốt ban. Bệnh được phát hiện khá trễ nên bác sĩ đành từ chối anh Hải, chỉ nhận chữa khỏi cho cô em gái. Nhưng cứ như số phận  thích trêu chọc con người, bởi cô em gái được cho là sẽ hồi phục thì lại không qua khỏi, còn anh Hải dù đã được “mặc định” rằng sẽ phải từ giã cõi đời thì lại dần... bình phục.

Điều đáng buồn là tuy căn bệnh sốt ban cuối cùng cũng được chữa khỏi nhưng nó vẫn kịp làm cho anh Hải trở thành người khiếm thị suốt đời. Hơn 30 năm sống trong bóng tối, anh vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống như một cách chứng minh với mọi người rằng: anh mù đôi mắt chứ không hề mù ý chí.

Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, Hải đã nuôi quyết tâm học tập, tìm kiếm công việc cho bản thân, để khỏi thành gánh nặng của bất kỳ ai. Sau khi tìm hiểu và được mọi người giới thiệu, người thanh niên quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm đến chùa Kỳ Quang 2 ở TP. Hồ Chí Minh để xin học lớp dạy massage (xoa bóp, bấm huyệt…) theo phương pháp Việt Nam, Nhật Bản dành cho người khiếm thị. May mắn thay, các cơ sở đào tạo nghề mà anh Hải theo học đều có mở lớp dạy miễn phí cho người mù, nhờ đó cũng giảm bớt gánh nặng chuyện tiền nong.

 Cũng chính trong quá trình học nghề, anh Hải đã quen biết chị Phạm Thị Hồng Nhung (sinh năm 1983)- một học viên khiếm thị quê ở Tây Ninh. Cô gái trẻ khi ấy cũng nuôi trong mình ý chí quyết vượt qua nghịch cảnh. Chị Nhung bị mù từ lúc mới sinh ra do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha của mình. Sự cảm thông đã kết nối hai anh chị với nhau, hai người quyết định nắm tay nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.

Cả hai tốt nghiệp khoá học massage với tấm bằng loại giỏi của anh và loại khá của chị, họ cùng ấp ủ ước mơ sẽ mở một cơ sở massage do chính mình làm chủ. Nhưng điều kiện thực tế không cho phép hai người có thể thực hiện ước mơ đó một cách dễ dàng. Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp, anh chị tìm đến các cơ sở massage dành cho người khiếm thị ở quận Gò Vấp, TP. HCM để xin việc, vừa học hỏi, tích góp thêm kinh nghiệm vừa có thể dành dụm chút tiền làm vốn.

Sau vài năm bôn ba ở đất Sài Gòn, năm 2011, vợ chồng anh Hải, chị Nhung được xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh xem xét, xây tặng nhà tình thương nên anh chị quyết định trở về Tây Ninh sinh sống. Sau một thời gian làm quen với hoàn cảnh mới, anh chị vay mượn bạn bè, người thân với số tiền hơn 40 triệu đồng để mở cơ sở massage khiếm thị, với hy vọng tạo được thu nhập đủ nuôi sống gia đình.

Ban đầu, cơ sở massage của anh Hải, chị Nhung cũng được một số người biết đến và thường xuyên ghé qua. Nhưng hiện nay, lượng khách hàng rất ít, có khi 2-3 ngày mới có một người ghé vào. Theo chị Nhung, do trước đây phòng massage bị xuống cấp nhưng vợ chồng chị không có đủ tiền để sửa chữa nên đành phải đóng cửa một thời gian khá lâu, đến khoảng 3 tháng gần đây mới tiếp tục hoạt động trở lại.

Người dân ở đây đa phần là dân lao động, cũng ít người có nhu cầu tìm đến cơ sở massage. Khách hàng của anh Hải, chị Nhung đa phần là khách ở khu vực khác hoặc người quen. Mặc dù việc kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh Hải quyết tâm cố gắng duy trì cơ sở massage. Bởi anh nghĩ đó chính là mơ ước, là hoài bão của bản thân, không nên từ bỏ một cách dễ dàng. Chỉ cần biết kiên trì, cố gắng làm việc, dần dần sẽ có khách lại thôi, anh tin như thế.

Hiện nay, để duy trì hoạt động của cơ sở massage, kiếm thêm đồng ra, đồng vô cho gia đình, cứ vào khoảng 3 giờ sáng mỗi ngày, anh Hải theo bạn bè rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đến mọi quán xá trên địa bàn tỉnh để bán vé số, có hôm anh phải xuống tận Gò Dầu, Hoà Thành. Việc buôn bán vất vả, lời lãi chẳng được bao nhiêu, nhiều lúc anh Hải còn bị kẻ xấu lừa gạt, làm hao hụt, thua lỗ. Anh tự an ủi mình bằng câu nói đùa: “Mình đang học tập theo ông cha- lấy ngắn để nuôi dài, tích luỹ kinh nghiệm để sau này làm việc lớn”.

Gia đình anh Hải, chị Nhung.

Có những lúc phải đối mặt với quá nhiều áp lực trong cuộc sống, anh Hải cảm thấy mình thật vô dụng, muốn buông bỏ tất cả, mặc kệ số phận nhưng rồi nghĩ tới vợ cùng hai đứa con thơ dại đang trông chờ mình, anh lại có thêm nguồn động lực để vươn lên mà sống tiếp. Anh thương nhất bé Hân- đứa con gái nhỏ cứ bập bẹ nói: “Mai mốt con cũng làm “mát-xa” như ba mẹ, kiếm thiệt nhiều tiền, để ba không phải dầm mưa đi bán vé số nữa”.

Cách đây khoảng 3 tháng, trong một lần đi công việc cùng người anh vợ, tình cờ anh Hải học hỏi được cái nghề đan giỏ bằng cỏ tranh. Vốn là người khéo tay, chỉ sau một lúc mày mò anh đã có thể đan được thành thạo. Từ đó, anh nhận làm công việc này tại nhà vào những lúc rảnh rỗi. Bà con xung quanh ai có nhu cầu muốn học nghề, anh Hải đều chỉ dạy tận tình.

Bên trong người đàn ông khiếm thị ấy còn cả một tâm hồn nghệ sĩ, anh rất yêu thích đàn organ. Anh dùng âm nhạc để tạo thêm màu sắc tươi sáng cho cuộc đời. Nó cũng giúp anh cải thiện phần nào cuộc sống gia đình, thỉnh thoảng khi được yêu cầu anh cũng đi đánh đàn phục vụ cho các đám tiệc. Hiện tại, mỗi tháng vợ chồng anh Hải thu nhập gần 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, còn có khoản trợ cấp xã hội do địa phương cấp hơn 500.000 đồng. Với bằng ấy số tiền, anh chị phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới có thể trang trải cuộc sống qua ngày. Cảnh nghèo khó không làm đôi vợ chồng khiếm thị sờn lòng, nản chí mà chỉ khiến họ càng quyết tâm nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu mạnh mẽ hơn để vươn lên thoát nghèo.

Khi được hỏi về ước muốn hiện tại của mình, anh Hải hy vọng gia đình có thể tích góp được một số tiền để trả hết nợ nần và có thể chăm lo cho các con ăn học thành tài. Trong tương lai, nếu có điều kiện, anh mong muốn được tiếp tục phát huy tay nghề chơi đàn của mình, có thể thành lập một ban nhạc dành riêng cho những người  khuyết tật. Nó sẽ giúp những người như anh có thể tự tin, thoả sức bộc lộ niềm đam mê và khát vọng của bản thân.

PHƯƠNG THẢO - ĐÀO NHƯ

 

Tin cùng chuyên mục