Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
WHO: Các nước nên học phương châm 4 tại chỗ của Việt Nam
Thứ tư: 08:44 ngày 15/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng nên học hỏi phương châm 4 tại chỗ - “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” - để chống Covid-19.

Các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài liên tục có những bình luận khen ngợi nỗ lực của Việt Nam trong việc kiềm chế sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, cho rằng thế giới có thể học tập kinh nghiệm phòng chống dịch của Việt Nam.

Biện pháp nghiêm ngặt ngay từ đầu

Ngày 14/4, trang East Asia Forum (Diễn đàn Đông Á) đăng bài viết nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á thành công nhất trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo bài viết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, ngay từ khi dịch Covid-19 vẫn giới hạn trong phạm vi Trung Quốc đại lục.

Bằng cách huy động các nguồn lực sẵn có để tiến hành cách ly các trường hợp nghi nhiễm và truy tìm các đối tượng tiếp xúc với mầm bệnh, Việt Nam hy vọng sẽ sớm chế ngự được đại dịch, như đã làm với dịch SARS và H5N1, đồng thời ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế vốn còn thiếu thốn trang thiết bị.

Một chung cư ở TP.HCM bị phong tỏa vì có người nhiễm Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội trong suốt 2 tháng trước thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

Tăng trưởng GDP trong quý 1/2020 chỉ đạt 3,82% - mức thấp nhất trong 11 năm qua. Trong khi đó, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng Đông Á đang gây ra tình trạng thiếu hụt đầu vào trong ngành sản xuất.

Ngành xuất khẩu Việt Nam cũng gặp khó khăn trong bối cảnh các nước đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ do lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới.

Sự đình trệ trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cũng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế sôi động của Việt Nam.

Việt Nam có thể nhận ít thiệt hại hơn

Mặc dù vậy, bài viết nhận định Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với mức độ thiệt hại ít hơn các nước khác.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự kiến giảm xuống 4,9% song Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương và có lẽ trên thế giới, vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng tích cực. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định Việt Nam vẫn là nền kinh tế “đặc biệt mạnh mẽ” trong vùng.

Trong khi đó, việc Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các lợi thế truyền thống là lao động giá rẻ, chính trị ổn định và vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc.

Giãn cách xã hội cũng đang giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi đất nước sang nền kinh tế kỹ thuật số, được chính phủ coi là trụ cột của tăng trưởng bền vững.

Từ giữa tháng 2, rất nhiều cơ sở kinh doanh đã đóng cửa. Ảnh: Chí Hùng, Lan Anh.

Trước đó một ngày, hãng truyền thông Deutsche Presse-Agentur (DPA) của Đức cũng có bài viết ca ngợi hoạt động chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, cho rằng dù có chung biên giới với Trung Quốc nhưng Việt Nam nhờ sự kết hợp của hành động quyết đoán, xét nghiệm sâu rộng, kiểm dịch triệt để và đoàn kết xã hội đã tránh được những thiệt hại lớn hơn và kiểm soát số ca mắc Covid-19 ở mức vài trăm, không có ca nào tử vong.

Hãng tin Đức cho rằng “phần lớn thành công của Việt Nam” trong việc ứng phó với dịch Covid-19 nhờ vào “sự đoàn kết xã hội.”

Trong ngày 12/4, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chúc mừng sự thành công của Việt Nam và ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, với hơn khoảng 50% số bệnh nhân nhiễm đã bình phục hoàn toàn.

Đại diện UNDP cũng tặng 20.000 khẩu trang ngoại khoa chất lượng cao cho Bộ Y tế Việt Nam nhằm giúp bảo vệ các nhân viên y tế - những người đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Phương châm 4 tại chỗ

Trước đó, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng các nước nên học hỏi phương châm 4 tại chỗ của Việt Nam: “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.”

Ông phân tích 3 lý do vì sao Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng, gồm đầu tiên là việc Việt Nam sớm kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch ngay khi Trung Quốc mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên của bệnh viêm phổi lạ vào cuối tháng 12/2019.

Việt Nam đã sớm lên kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch lây lan từ nước ngoài và lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Thứ hai là cách tiếp cận toàn dân của Chính phủ Việt Nam và người dân có sự đồng thuận và niềm tin vào quyết sách của Chính phủ.

Người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: TTXVN.

Thứ ba, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để nâng cấp năng lực của ngành y tế, hệ thống phòng thí nghiệm, khả năng phản ứng trước các tình huống cụ thể của các bệnh viện.

Trong khi đó, ông Christoph Dölitzsch, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuyên sâu của Viện nghiên cứu Dalia Research, cho biết: “Việt Nam có khả năng khống chế sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm, trái ngược hoàn toàn với tình hình ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đáng chú ý, tuy Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được điều này với những biện pháp quyết liệt nhưng không làm nhiều người bỏ cuộc”.

Về phần mình, Viện khảo sát Dalia cũng nhận định rằng Việt Nam “khống chế có hiệu quả” số ca nhiễm Covid-19, và người dân tin tưởng vào các biện pháp mạnh của Chính phủ.

Vào cuối tháng 3, viện này cho biết có tới 62% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 “phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo”.

Nguồn Zing

Tin liên quan