Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xã Phước Chỉ: Xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp
Chủ nhật: 10:34 ngày 30/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xã Phước Chỉ đặt ra mục tiêu xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, rau, cây ăn trái nhiệt đới, nuôi trồng thủy sản, bò sữa, nhất là sản phẩm đã và đang có tiềm năng thị trường, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ...

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho cá ăn.

Lúa là cây trồng chủ lực của xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Năm 2020, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn khoảng 3.966 ha, sản lượng 23.796 tấn; trong khi đó, rau các loại có diện tích gieo trồng chỉ khoảng 20 ha, sản lượng 240 tấn.

Trong chăn nuôi, xã có các loại vật nuôi có quy mô lớn như: thủy cầm 19.300 con; đàn trâu bò 1.136 con, đàn heo 1.180 con. Với ngành thủy sản, đến năm 2020, toàn xã có 25 ha nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), sản lượng 925 tấn.

Nhìn chung, xã Phước Chỉ có tiềm năng NTTS khá lớn, tuy nhiên, trong những năm qua, quy mô NTTS tăng không nhiều. Nguyên nhân chính là phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường; nuôi lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông đã giảm đáng kể, để bảo vệ nguồn nước.

Phía địa phương cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã còn những hạn chế. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn chưa nhiều. Các mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng thấp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, xã chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mắm đồng Phước Chỉ.

Một phần nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao, do dó, sản phẩm có giá thành cao, khó cạnh tranh; mặt khác, thói quen canh tác của nông dân còn nhỏ lẻ, tự phát, làm hạn chế sự tiếp cận của khoa học kỹ thuật công nghệ cao và sự gắn kết trong sản xuất…

Định hướng trong thời gian tới, xã Phước Chỉ đặt ra mục tiêu xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, rau, cây ăn trái nhiệt đới, nuôi trồng thủy sản, bò sữa, nhất là sản phẩm đã và đang có tiềm năng thị trường, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ. bảo đảm các sản phẩm trong chuỗi giá trị có quy mô, chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Trương Tấn Đạt – Bí thư Đảng uỷ xã Phước Chỉ cho biết, trước mắt, giai đoạn 2020 – 2022, địa phương xây dựng ba chuỗi giá trị gồm: cây lúa, nuôi trồng thuỷ sản và bò sữa. “Đối với cây lúa, địa phương đã thực hiện trình diễn 8 ha với các giống ST 24, hương Cửu Long, OM 18. Nuôi trồng thuỷ sản sẽ tập trung vào con cá lóc, địa phương đang triển khai 10 điểm mô hình với 10 hộ tham gia. Sắp tới sẽ tiếp tục triển khai chuỗi giá trị bò sữa, bước đầu với 70 con, nông dân đã đăng ký tham gia. Hiện trên địa bàn đã có doanh nghiệp đầu tư để phát triển các chuỗi này”, ông Đạt cho biết thêm.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, xã Phước Chỉ, được thành lập vào năm 2018 với 30 thành viên, diện tích sản xuất 135 ha. Lĩnh vực hoạt động của HTX là sản xuất giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và là đầu mối bao tiêu nông sản cho nông dân.

Ông Cao Văn Thả - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, tham gia vào chuỗi giá trị của địa phương, vụ Hè Thu vừa qua, HTX trồng thí điểm 8 ha các giống lúa ST 24, OM 18, hương Cửu Long. Kết quả cho thấy các giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt bình quân khoảng 7 tấn/ha.

Đây sẽ là tiền đề để HTX phát triển các giống lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ. Mới đây, thành viên HTX còn tham gia nuôi cá lóc liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50% giống, 50% thức ăn; còn lại là vốn đối ứng của nông dân.

Theo ông Trương Tấn Đạt, giai đoạn 2023 – 2025, xã sẽ xây dựng thêm hai chuỗi giá trị về nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau trong nhà màng) và nấm rơm (từ việc tận dụng rơm trong sản xuất lúa). Ngoài ra, xã còn định hướng phát triển một số ngành nghề, trong đó, có những sản phẩm là đặc sản của địa phương như: các loại mắm; cà cuống; trái cà na; rau móp; chuối nước… song song đó phát triển rau rừng, rau sông.

Từ nay đến năm 2025, đối với cây lúa, hình thành 600 ha lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (ST24, ST25, hương cửu long, OM 18, nếp...) theo nhu cầu của thị trường; đáp ứng nguồn giống cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao; từng bước phát triển mô hình lúa hữu cơ. Cơ cấu lại diện tích sản xuất lúa theo hướng giảm vụ sản xuất, giảm diện tích gieo trồng gắn với luân canh cây trồng cạn, chuyển đổi cây trồng cạn, nhất là cây ăn trái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa.

Đối với cây rau, hình thành 25 ha chuyên canh rau, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn; kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản rau với công nghệ, thiết bị hiện đại.

Xã định hướng phát triển 50 ha cây ăn trái; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tưới, tiêu, điện cho các vùng định hướng chuyển đổi. Cơ cấu lại sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại, công nghệ thông tin trong canh tác, truy xuất nguồn gốc và bảo quản trái cây sau thu hoạch; bảo đảm sản phẩm đáp ứng các yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Bên cạnh đó, xây dựng bản đồ nông hoá thổ nhưỡng làm cơ sở định hướng mức độ thích nghi của từng loại cây trồng phù hợp với từng vùng đất.

Đối với chăn nuôi bò sữa, phát triển 200 con bò sữa theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP để kiểm soát an toàn dịch bệnh, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi và bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm. Cải thiện chất lượng và quản lý giống bò sữa; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, xử lý chất thải. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống thiết bị thông minh, cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa trang trại.

Mặt khác, Phước Chỉ có tiềm năng rất lớn phát triển vùng nguyên liệu cá lóc và các loại thủy sản khác. Đến năm 2025, dự kiến tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn xã đạt 25 ha, tổng sản lượng thủy sản nuôi 1.000 tấn. Quy mô và địa bàn NTTS phân bố chủ yếu ở các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông.

TRÚC LY

Tin liên quan