Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế, nâng giá trị ngành chăn nuôi
Thứ hai: 08:52 ngày 15/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp phải nghiên cứu và thực hiện kỹ quy định của OIE, cần đặt mục tiêu về thời gian, chất lượng và yêu cầu kết quả cần đạt được.

Công nhân của Công ty TNHH QL Việt Nam thực hiện các bước sơ chế và đóng gói trứng gà.

Phát biểu tại hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) tổ chức tại Tây Ninh ngày 11.5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để tăng cường xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi gia cầm, các tỉnh, thành và doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chuỗi, chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng, hiện nay, khâu kiểm soát dịch bệnh gia cầm trong nước đang thực hiện khá tốt nhưng không thể chủ quan vì dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Ngay cả với 2.300 cơ sở ATDB cũng cần rà soát lại.

Kiểm soát dịch bệnh tiến tới xây dựng vùng ATDB chuẩn quốc tế

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (thuộc Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn (2018-2022), đàn gia cầm của nước ta tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân 6,3%/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều mặt hàng đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi quá cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 9.604 con. Các ổ dịch phân bố rải rác tại các tỉnh Đông Bắc và miền Trung, chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine CGC. So với cùng kỳ năm 2022, diện và mức độ dịch đều giảm.

Ông Nguyễn Văn Long- Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tình hình dịch bệnh đàn vật nuôi trên địa bàn cả nước đang được kiểm soát rất tốt, chỉ có một vài ổ dịch nhỏ lẻ, còn tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn trên 550 triệu con gia cầm là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh.

Cả nước hiện có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB), trong đó có các cơ sở, vùng ATDB đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh, bao gồm 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Theo ông Long, hiện nay, động vật và các sản phẩm động vật của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt trên hơn 400 triệu USD. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín, xuất khẩu được sang gần 10 nước gồm: Nhật Bản, Liên bang Nga, HongKong (Trung Quốc) và một số nước thuộc Liên minh châu Âu. Ngoài ra, phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá các sản phẩm gia cầm của Việt Nam, dự kiến trong thời gian tới chúng ta có thể xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành chăn nuôi trong nước cần phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên diện rộng, nhất là ở những vùng đã công nhận ATDB. Đồng thời, các địa phương cần phải nâng cấp vùng ATDB cấp quốc gia hiện có lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH). Các doanh nghiệp và địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi; nhất là phát triển sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm.

Tây Ninh tiếp tục xây dựng thêm nhiều vùng ATDB đới với gia cầm trong thời gian tới.

Tây Ninh sẽ liên kết với các tỉnh liền kề để tạo ra vùng xanh với dịch bệnh

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, những năm qua, Tây Ninh thu hút nhiều dự án chăn nuôi. Phần lớn là các trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học và khép kín, trong đó 70% là các dự án chăn nuôi heo, còn lại là gà và bò.

Nổi bật là những dự án có quy mô lớn, hiện đại, đóng góp vào ngành chăn nuôi tại địa phương như: Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh (xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) quy mô 8.000 con bò, bê; nhà máy Bel gà ở Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng), áp dụng nhiều cải tiến trong thiết kế xây dựng và đạt tiêu chuẩn châu Âu; ấp trứng gia cầm công nghệ cao, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đang đầu tư 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, công suất 250.000 tấn/năm; 9 dự án nuôi 27.400 heo nái, 134.000 heo thịt và đang tìm vị trí đất phù hợp để xây dựng cơ sở giết mổ - chế biến trên địa bàn tỉnh… Nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa, heo, gà thịt theo công nghệ hiện đại đã kích thích, tạo ra động lực mới góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng hàng hoá, gắn với thị trường tiêu thụ, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2022 đạt 5.195 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp 19,5%.

Những năm gần đây, Tây Ninh đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm ATDB, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tỉnh có tổng đàn gia cầm 9 triệu con, 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại chăn nuôi gà và 31 trang trại chăn nuôi vịt).

Theo ông Xuân, tại tỉnh Tây Ninh, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được xác định là nội dung rất quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, sau 2 năm thực hiện, đến nay, tỉnh có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).

Trong đó có 1 huyện (huyện Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, và 6 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã (huyện Gò Dầu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle (dịch tả) trên gia cầm; huyện Bến Cầu có 9 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trên trâu bò.

Đây là một dấu hiệu đáng mừng với Tây Ninh. Tuy nhiên, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh, nhất là chăn nuôi gia cầm đặt ra những yêu cầu lớn về môi trường và các vấn đề an toàn dịch bệnh. Nếu không kiểm soát tốt, để dịch bệnh bùng phát thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Cũng theo ông Xuân, khó khăn ở Tây Ninh hiện nay là chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Các mầm bệnh truyền nhiễm vẫn còn lưu hành trong môi trường nuôi, nguy cơ xảy ra dịch vẫn còn rất lớn.

Vì thế, thông qua hội nghị lần này, Tây Ninh mong muốn Bộ NN&PTNT và các cơ quan thuộc Bộ như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở và vùng ATDB nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ... hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.

Đồng thời, Tây Ninh sẽ liên kết với các tỉnh liền kề như Bình Dương, Bình Phước... để tạo ra vùng xanh với dịch bệnh. “Vùng xanh càng lớn thì hiệu quả bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh càng cao”- ông Xuân nhấn mạnh.

Xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn quốc tế

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về cơ bản, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát tốt. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn, do công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh vẫn còn hạn chế, chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương tham gia hội nghị căn cứ các chương trình, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các văn bản chỉ đạo của Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai. Trong đó, các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp phải nghiên cứu và thực hiện kỹ quy định của OIE, cần đặt mục tiêu về thời gian, chất lượng và yêu cầu kết quả cần đạt được. Theo đó, đến năm 2025 sẽ đạt ít nhất 4 huyện và đến năm 2030 có 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Để làm được điều đó, các tỉnh, thành phố cần quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản gắn với xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB hướng đến xuất khẩu.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục