Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Thứ tư: 06:57 ngày 15/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, mạng diện rộng của tỉnh kết nối tất cả các sở, ngành tỉnh tới UBND cấp huyện, cấp xã qua đường truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, bảo đảm an toàn, bảo mật khi truy cập các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Vườn khóm ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng.

Giai đoạn 2011-2015, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Tây Ninh nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về chương trình đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là hạ tầng giao thông; các chương trình, dự án trọng điểm, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình Xây dựng và phát triển thị xã, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện một cách đồng bộ.

Tỉnh triển khai đầu tư hạ tầng bảo đảm kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; đấu nối với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để nâng cao năng lực vận tải, giao thông được thông suốt, an toàn; tiếp tục phát triển giao thông nông thôn; xây dựng các cảng, bến thuỷ nội địa theo quy hoạch.

Tỉnh đã đưa vào sử dụng 352km đường nhựa, 1.350km đường sỏi và 3 cầu; hệ thống thuỷ lợi tăng thêm khả năng tưới khoảng 74.692 ha… Đây là năng lực tăng thêm đã góp phần rất lớn đến thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới và phát triển thị xã, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư phát triển tương đối đồng bộ, từng bước mang lại diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Kết quả, năm 2012, thị xã Tây Ninh được công nhận đô thị loại III và đến tháng 12.2013, Thị xã được công nhận là thành phố thuộc tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện chương trình hành động phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông đã phát huy hiệu quả của đầu tư công, nâng cao năng lực và chất lượng hạ tầng KT-XH một cách rõ nét.

Hoàn thành 100% công tác phát triển đô thị cho 9 đô thị hiện hữu trên địa bàn tỉnh, gồm thành phố Tây Ninh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, đô thị Trảng Bàng, Hoà Thành được công nhận là đô thị loại IV và trở thành Thị xã và 6 đô thị loại V là các thị trấn thuộc các huyện: Gò Dầu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu.

Hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư theo hướng đa mục tiêu, công tác duy tu, sửa chữa được kịp thời, bảo đảm khả năng tiêu thoát khi xảy ra thiên tai, mưa bão. Dự án tưới tiêu cho khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ và hệ thống kênh tiêu, kênh tưới, đê bao phục vụ cho nông nghiệp được đầu tư mở rộng vùng tưới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng, phát triển các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương đạt 67,95% (1.075km/1.582km).

Ngành điện nỗ lực đầu tư, cải tạo lưới điện và trạm hạ thế, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Hạ tầng viễn thông được đầu tư, nâng cấp, áp dụng công nghệ mới, bảo đảm đường truyền có chất lượng tốt. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,71%. Trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt là 3 MW, 1 nhà máy điện sinh khối với công suất lắp đặt 37 MW và 10 nhà máy điện năng lượng mặt trời với tổng công suất vận hành 808 MW.

Tỉnh đã kêu gọi được một số dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại - dịch vụ và du lịch. Các dự án đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện đáng kể công tác chăm sóc sức khoẻ và chất lượng giáo dục đào tạo.

Các dự án nhà ở xã hội cho công nhân và chuyên gia được quan tâm đầu tư xây dựng; mặc dù còn ít so với nhu cầu thực tế, nhưng đây là cơ sở ban đầu để tiếp tục vận động các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng nơi ở tiện nghi, an toàn cho công nhân nhằm bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự tại địa phương.

Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, mạng diện rộng của tỉnh kết nối tất cả các sở, ngành tỉnh tới UBND cấp huyện, cấp xã qua đường truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, bảo đảm an toàn, bảo mật khi truy cập các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, xây dựng, bảo đảm cung cấp tài nguyên triển khai các hệ thống thông tin của tỉnh.

Tỉnh triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung như: Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống văn bản quản lý, điều hành eGov, hệ thống báo cáo kinh tế xã hội...

Triển khai trục liên thông dữ liệu cấp tỉnh và kết nối với trục liên thông quốc gia, kết nối liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin quốc gia, theo đó sẽ tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu các hệ thống thông tin, hệ thống sơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, tài nguyên môi trường, tài chính, thuế, hải quan, bảo hiểm, an sinh xã hội… theo lộ trình xây dựng, hoàn thành các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành, lĩnh vực.

Những năm gần đây, chỉ số ICT index ở Tây Ninh đã có những cải thiện vượt bậc, thể hiện sự quyết tâm đổi mới của chính quyền và sự tiến bộ về mặt công nghệ. Trong vòng 10 năm, xếp hạng ICT index của Tây Ninh đã cải thiện từ thứ hạng 34 lọt vào top 10 của cả nước, trong đó, hạ tầng nhân lực của cơ quan nhà nước xếp thứ 6, và ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ đứng thứ 7 trên toàn quốc.

Tỉnh định hướng, đến năm 2030, hạ tầng thông tin và truyền thông cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định và thịnh vượng, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, đáp ứng phương thức sống, phương thức làm việc mới trong một môi trường số an toàn, rộng khắp.

Tỉnh xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu đóng vai trò chiến lược và là động lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của tỉnh, các ngành trọng điểm của địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đóng góp của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế ở mức 30% - 35%.

Trong đó, phát huy nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được xem là trụ cột quan trọng để phát triển nền kinh tế thông qua việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, các sáng chế, sáng kiến, tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Giang Hà

Tin cùng chuyên mục