Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Hướng phát triển bền vững
Thứ hai: 00:56 ngày 25/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển nông nghiệp đạt chuẩn VietGAHP không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mà còn là xu thế của nền chăn nuôi hiện đại.

Trang trại gà sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Một số dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa hoặc điều trị, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. Ðể phòng ngừa dịch bệnh và phát triển chăn nuôi bền vững, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Tuy nhiên, nhiều nơi, người dân vẫn duy trì chăn nuôi theo kiểu nông hộ nhỏ lẻ, phân tán; công tác vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường chưa được người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện, dẫn đến việc triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh với vật nuôi. Hiện nay, việc thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tối ưu để đẩy lùi dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững.

Năm 2019, ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh trải qua đợt khủng hoảng khi hàng chục ngàn con heo bị chết, buộc phải tiêu huỷ vì dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lâm cảnh trắng tay. Trong đợt dịch bùng phát vào năm 2020, nhờ làm tốt công tác kiểm soát, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, huyện Dương Minh Châu bảo toàn được đàn heo của địa phương.

Với quy mô chăn nuôi hàng ngàn con heo, ông Trần Ðình Lân, chủ trang trại cùng tên tại khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu đã đầu tư, xây dựng hệ thống trang trại kiên cố, khép kín, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ đó, đến nay, đàn heo của gia đình ông phát triển tốt, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng ngàn con heo thịt.

Theo ông Lân, trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh (không chỉ riêng dịch tả heo châu Phi), gia đình ông tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học như: xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi khép kín, hiện đại; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi 2 lần/tuần; rải vôi sát trùng hơn 500m đường dẫn vào trại; xây dựng hệ thống khử trùng các phương tiện và người ra vào trại; lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn heo, hạn chế người ra vào.

Ông Lân cho biết thêm, trang trại gia đình ông có 1.700 con heo, nuôi gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Ðể đáp ứng yêu cầu của đối tác, trang trại phải tuân thủ những quy định chăn nuôi an toàn sinh học nghiêm ngặt.

Tham gia dự án xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle trên gà, để hướng tới xuất khẩu (gọi tắt là dự án) của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai từ năm 2018 đến nay, ông Vũ Xuân Tiến (ngụ tổ 8, khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu) cho biết, ông đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên không còn xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi của mình. Hiện ông có trang trại gà quy mô khoảng 2.000 con và trại heo gần 300 con, gồm cả heo nái và heo thịt.

Ông Tiến còn áp dụng song song thực hành chăn nuôi tốt theo hướng VietGAHP trong quy trình chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc. Việc tham gia dự án giúp ông nhiều lợi ích trong việc quản lý, chăm sóc vật nuôi hiệu quả, hạn chế tối đa mầm bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, sản phẩm dễ bán, có thị trường ổn định.

Hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện trên toàn tỉnh có 54 trang trại, cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, Dương Minh Châu là huyện duy nhất được công nhận là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle đối với gà trên 11 xã, thị trấn của huyện. Ngoài ra, có 3 xã: Long Khánh, Long Giang và Long Chữ của huyện Bến Cầu đang xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò. Trong năm 2021, ngành Thú y tiếp tục triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các xã Long Thuận, Tiên Thuận và Lợi Thuận của huyện Bến Cầu. Bên cạnh đó, mục tiêu đến cuối năm 2021, sẽ có thêm 3 xã của huyện Gò Dầu - gồm Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch được công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Ông Dương Quốc Hoàng - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu cho biết, trên địa bàn huyện có 138 trang trại (gồm 24 trang trại quy mô lớn, 40 trang trại quy mô vừa và 74 trang trại quy mô nhỏ) với khoảng 574 con trâu, 6.070 con bò, 65.127 con heo, 961.628 con gà, vịt và trên 1.500 con chim cút. Trong đó, 20 cơ sở chăn nuôi và 11 xã, thị trấn được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và bệnh Newcastle, 34 cơ sở được chứng nhận là cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP.

Cũng theo ông Hoàng, để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trước tiên cần khuyến khích người dân chuyển đổi từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, trang trại khép kín; áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, kiểm soát việc vận chuyển và giết mổ...

Trang trại áp dụng mô hình nuôi heo trên sàn.

Phải nỗ lực nhiều hơn

Ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay. Ðể làm được điều này, cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Trong đó, yếu tố quan trọng là phải loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, thay thế bằng chăn nuôi theo hướng tập trung có khả năng bảo đảm được các quy trình kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y.

Ngoài việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở phải tiêm đầy đủ vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tăng cường giám sát khu, trại thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi với phương châm phòng là chính, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Ðây là những việc rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, để từ đó hình thành nhiều hơn các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển nông nghiệp đạt chuẩn VietGAHP không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mà còn là xu thế của nền chăn nuôi hiện đại.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục