Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày làm việc thứ 18, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV
Xem xét việc tăng giờ làm thêm
Thứ năm: 15:01 ngày 13/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 12-6, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận về hai dự án luật và biểu quyết thông qua một nghị quyết.

Đại biểu QH tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Đơn giản thủ tục xuất, nhập cảnh

Buổi sáng, QH làm việc ở hội trường nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao. Sau khi nghe báo cáo, QH thành lập ban kiểm phiếu. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch QH về dự kiến danh sách thành viên ban kiểm phiếu. QH biểu quyết thông qua danh sách thành viên ban kiểm phiếu bằng biểu quyết điện tử. Trưởng Ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu. QH phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng một số đại biểu có ý kiến, đối với nội dung quy định người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế, người đang nợ thuế không được xuất cảnh, cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bởi trong thực tế, có nhiều trường hợp người nộp thuế không muốn vi phạm, không biết mình vi phạm, không biết mình đang nợ thuế, đến khi làm thủ tục xuất cảnh mới biết mình nợ thuế nhưng số tiền nợ thuế thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, dự thảo luật phải quy định cụ thể theo hướng “thoáng hơn”, có các mức xác định nợ thuế để người dân không bị hoãn khi xuất cảnh.

Quy định hoãn xuất cảnh với lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm, lây lan, truyền nhiễm... cũng cần xem xét, nghiên cứu vì có những trường hợp ta xác định là lây lan, truyền nhiễm nhưng nước ngoài lại không xác định như vậy. Có trường hợp người bị bệnh sang nước ngoài để điều trị nhưng ta cho rằng có thể gây truyền nhiễm, không cho đi nhưng ở nước ngoài lại có thể chữa khỏi bệnh... Đây là trường hợp cần xem xét lại để bảo đảm quyền công dân, quyền con người.

Các đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cùng một số đại biểu băn khoăn quy định các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh, gồm người có nghĩa vụ trong vụ án dân sự, kinh tế, hành chính... vừa chưa chính xác về mặt ngôn ngữ với pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, vừa chưa bảo đảm tính khả thi. Bởi trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chỉ có nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng chứ không có người “có nghĩa vụ” trong vụ án. Nếu quy định như dự thảo luật, người làm chứng trong các vụ án kinh tế, dân sự, hành chính... cũng thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, quy định như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân...

Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm

Buổi chiều, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban kiểm phiếu Trần Văn Túy báo cáo kết quả kiểm phiếu. Phó Tổng Thư ký QH Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao. Sau đó, QH thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết này.

Tiếp đó, QH thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu đều tán thành sự cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Cho ý kiến về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, một số đại biểu tán thành quy định tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm không tán thành, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu đề nghị cho rằng, quy định này dường như đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội, đó là “tăng lương, giảm giờ làm”, hơn nữa có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội, ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần của người lao động.

Để phù hợp tính chất của một số ngành nghề và đáp ứng nhu cầu tăng thêm thu nhập của người lao động, có thể xem xét quy định cụ thể việc trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm. Nhiều ý kiến đề xuất chính sách này cần tiếp tục được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện, bảo đảm phù hợp giữa các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, năng suất lao động, an toàn lao động, tác động xã hội…

Chung quanh nội dung tuổi nghỉ hưu, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang), Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) và nhiều ý kiến tán thành đề xuất của Chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ để phù hợp quá trình già hóa dân số, tuổi thọ dân số tăng, khả năng của người lao động trong tình hình mới và bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với đó là việc thể chế hóa Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, quy định tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động, sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của những nhóm lao động khác nhau để quy định người lao động “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”.

Một số ý kiến nhất trí việc bổ sung một ngày nghỉ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, không nên đổi tên gọi là Ngày tri ân vì không rõ đối tượng, qua đó có thể sẽ làm cho công tác tri ân thương binh, liệt sĩ bị nhạt nhòa, thậm chí dễ bị các đối tượng lợi dụng để tổ chức các hoạt động sai mục đích. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách…

Mục đích phát hành hộ chiếu điện tử nhằm tăng tính xác thực hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả. Thực tế hiện nay, các nước trên thế giới đối mặt với tình trạng gia tăng sử dụng hộ chiếu và các loại giấy tờ xuất, nhập cảnh giả để hoạt động vi phạm pháp luật, như: buôn lậu, di cư bất hợp pháp. Do đó, việc phát hành hộ chiếu điện tử là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường và bảo đảm an ninh, an toàn. Mặt khác, chíp điện tử trong hộ chiếu tích hợp đầy đủ các dữ liệu về nhân thân và đặc điểm sinh trắc học của người sử dụng, có thể thay thế giấy tờ tùy thân.

Đại biểu HÀ THỊ LAN (Bắc Giang)

 

Tôi tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, vì thực tế tại nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn làm thêm giờ. Tuy nhiên, để hạn chế một số ngành nghề chỉ tập trung tăng giờ làm thêm vào một số tháng trong năm, gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động, Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần nghiên cứu bổ sung cụ thể quy định về tổng số giờ làm thêm trong một tháng.

Đại biểu TRẦN VĂN TIẾN (Vĩnh Phúc)

Nguồn nhandan

Tin cùng chuyên mục