Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran vừa công khai tuyên bố dây chuyền sản xuất tên lửa chống máy bay Qaem và tên lửa chống tăng Toofan-5.

Hôm 6.2, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi công khai tuyên bố dây chuyền sản xuất tên lửa chống máy bay Qaem và tên lửa chống tăng Toofan-5.
Theo Đài phát thanh Iran, Toofan-5 mang 2 đầu đạn tên lửa và có thể huỷ diệt xe tăng và xe bọc thép. Tuy nhiên, nguồn tin trên không tiết lộ vị trí sản xuất loại tên lửa này.
Trong khi đó, ông Vahidi mô tả Qaem là một loại tên lửa dẫn đường khá nặng “có thể hạ các mục tiêu trên không trung, đặc biệt là những trực thăng chiến đấu bọc thép. Tên lửa Qaem dẫn đường bằng tia laser có sức kháng cự trước cuộc chiến tranh điện tử của kẻ thù”.
Những tuyên bố về việc sản xuất tên lửa mới được đưa ra giữa thời điểm Iran kỷ niệm 31 năm cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, và chỉ 3 ngày sau khi nước này phóng thử thành công tên lửa chở vệ tinh Kavoshgar 3 – một động thái mà Washington cho là “hành động khiêu khích”.
Iran vẫn thường phô trương về sự phát triển tiềm lực quân sự của nước này bất chấp việc đang là trung tâm của những tranh cãi liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này.
Israel và Mỹ không loại trừ khả năng tấn công quân sự nếu những nỗ lực ngoại giao về vấn đề hạt nhân của Iran thất bại. Phía Iran cũng tuyên bố sẽ đáp trả nếu bị tấn công.
![]() |
Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad phát biểu trong buổi lễ giới thiệu hệ thống tên lửa đẩy Simorq tại Tehran hôm 3.2.2010. Ảnh: Reuters |
Trước đó, hôm 5.2, 6 cường quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức đã có cuộc họp thảo luận về những nỗ lực nhằm thuyết phục Iran ngừng chương trình làm giàu uranium.
Trong khi 5 nước đã bày tỏ sự ủng hộ về khả năng sẽ có thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran, thì Trung Quốc khẳng định nước này muốn tiếp tục đối thoại thay vì trừng phạt Tehran. Các cường quốc phương Tây đã bàn đến khả năng sẽ thông qua một nghị quyết trừng phạt thứ 4, nhằm đáp trả việc Iran từ chối ngừng làm giàu uranium theo yêu cầu của nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước có quan hệ thương mại thân thiết với Iran, đã chống lại điều này. Trung Quốc có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình, với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, để ngăn cản một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Iran.
TÙNG LÂM
(Theo Reuters)