Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Iran tuyên bố phóng thành công tên lửa đẩy Kavoshgar-3 (Người thám hiểm 3) vào quỹ đạo mang theo một thiết bị thí nghiệm dạng khoang chứa một số sinh vật sống, gồm chuột, rùa và côn trùng.

Iran hôm 3.2 tuyên bố, họ đã phóng thành công tên lửa đẩy Kavoshgar-3 (Người thám hiểm 3) vào quỹ đạo mang theo một thiết bị thí nghiệm dạng khoang chứa một số sinh vật sống, gồm chuột, rùa và côn trùng. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhận định rằng, Iran có thể đánh bại phương Tây trong cuộc chiến về công nghệ.
Thiết bị này có khả năng chuyển thông tin về Trái Đất. Đài truyền hình nhà nước Iran Al-Alam phát hình ảnh tên lửa đẩy Kavoshgar 3 rời bệ phóng, thiết bị thí nghiệm tách khỏi tên lửa và quay trong quỹ đạo.
Các hãng thông tấn của Iran cho biết tên lửa đẩy Kavoshgar-3 với chiều dài hơn 3 mét do nước này tự chế được đưa vào trong không gian với mục đích nghiên cứu.
![]() |
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (giữa) công bố một mẫu của tên lửa đẩy mới Simorgh được sản xuất trong nước. Ảnh: AP |
Đây là một phiên bản nâng cấp từ những loại tên lửa đời trước như tên lửa Kavoshgar 1, được phóng vào không trung hồi tháng 2.2008, tên lửa đẩy Kavoshgar 2 mang theo một phòng thí nghiệm trên không gian và một hệ thống phục hồi đã được Iran phóng vào quỹ đạo tháng 11.2008.
Cũng trong ngày 3.2, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng đã công bố một loại tên lửa đẩy khác mang tên Simorgh cũng do nước này tự chế tạo. Tên lửa này có hình dáng một chai sữa, sơn màu xanh da trời với dòng chữ "Tên lửa đẩy vệ tinh Simorgh”. Tên lửa này có thể mang được vệ tinh với trọng lượng 100 kg lên tới độ cao 500 km so với mặt đất.
Ngoài ra tại buổi lễ này, Iran cũng công bố 3 vệ tinh viễn thông mới do nước này nghiên cứu chế tạo, gồm các vệ tinh Tolou, Mesbah2 và Navid.
Các sự kiện trên là một phần trong các hoạt động của Iran kỉ niệm 31 năm ngày tiến hành cuộc cách mạng Hồi giáo.
Vệ tinh đầu tiên do Iran chế tạo mang tên Omid (Hy vọng) được phóng vào tháng 2.009, đã khiến các nước phương Tây lo ngại Iran ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ các mục đích quân sự. Vệ tinh này đã kết thúc sứ mệnh nghiên cứu của mình vào ngày 25.4.2009.
TRINH DƯƠNG
(Theo Ria Novosti, AP)