Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi đến Kà Tum đã nhiều lần, nhưng vì nhiều lý do mà chưa lần nào ghé qua Kà Ốt. Những ngày giáp tết khí trời lành lạnh, sương mù trải dài trên những thảm cỏ xuân dễ gây cho lòng người những cảm giác tươi lạ. Thế là tôi quyết định thăm ấp Kà Ốt và viếng ngôi chùa Khmer duy nhất ở huyện Tân Châu.
Chùa Kiri Sattray Menchey.
Nếu tính từ thị trấn Tân Châu đến ấp Kà Ốt thì cũng không xa lắm. Cứ đi theo trục lộ 785 đến chợ Kà Tum rẽ vào chừng hơn hai cây số nữa là đến nơi. Tân Đông là một xã biên giới của huyện Tân Châu, nơi đây có nhiều đồng bào người Khmer sinh sống lâu đời, mà tập trung nhất là ở ba ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm.
Nhưng về sinh hoạt văn hoá thì Kà Ốt nổi trội hơn cả vì nơi đây có ngôi chùa khá lớn. Trong ấp có tổng cộng 164 hộ dân sinh sống. Con đường trong ấp được trải nhựa bằng phẳng và rất sạch sẽ.
Bà con ở đây vẫn còn giữ sinh hoạt theo nếp cũ, những ngôi nhà sàn rộng rãi, vững chãi vẫn còn đó phô nét kiến trúc nhà ở đặc trưng của người Khmer. Trong ấp cũng có nhiều quán tiệm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con.
Rải rác có những tiệm may, tiệm đồ cưới theo phong cách Khmer rất riêng và đẹp. Cũng như ở hai ấp Suối Dầm và Tầm Phô, đời sống của bà con Khmer ở Kà Ốt được nâng lên rõ rệt nhờ vào việc đổi mới canh tác, khai thác mía, mì, cao su. Nhưng để có cuộc sống hôm nay thì bà con nơi đây cũng trải qua không ít gian khổ.
Theo lời anh Sây- trưởng ấp kể lại, năm xưa chiến tranh xảy ra ở nơi này rất ác liệt, bom đạn dội xuống như vãi thóc. Nhà cửa bị đốt phá hết, bà con phải bồng trống nhau và ôm cốt Phật chạy qua bên kia biên giới Campuchia để tránh đạn. Mãi đến năm 1979 họ mới lần lượt trở về để sinh sống, làm ăn cho đến ngày hôm nay.
Lang thang trong xóm ấp Kà Ốt sẽ có một cảm giác rất thanh bình. Vẳng xa là những tiếng gà trưa như cắt cái không gian im ắng, theo những sợi nắng mà xuyên qua lá cành, rơi xuống lòng nghe thanh thản làm sao.
Trẻ con ở đây thường tụ tập dưới những bóng râm chơi đùa rất vô tư, với những trò chơi mà ở những nơi khác chúng đã dần dần biến mất, thay vào đó là những trò chơi điện tử! Bà con Khmer ở Kà Ốt đều theo đạo Phật. Chính vì vậy mà ngôi chùa là trung tâm văn hoá, tâm linh của họ.
Theo con đường từ phía chợ chạy vào, vừa qua khỏi ấp Đông Tiến là gặp ngay cổng chào của ấp văn hoá Kà Ốt. Chạy qua khỏi cổng chừng trăm mét là đến ngay ngôi chùa. Chùa này theo tôi được biết là bắt đầu xây dựng từ 1980, mãi đến năm 1996 mới hoàn thành.
Chùa có tên ban đầu là Kiri Sattray Menchey Kà Ốp, có nghĩa là “danh thơm của người phụ nữ chiến thắng ở gần núi”, sau này thì bỏ đi phần sau chỉ còn lại là Kiri Sattray Menchey như hiện nay. Nhưng người dân ít gọi đúng tên chùa mà quen gọi là chùa Kà Ốt.
Thật ra cách gọi tên Kà Ốt là vô nghĩa mà phải Kà Ốp mới đúng. Vì Kà Ốp có nghĩa là hương thơm. Nếu Kà Tum có nghĩa là trái cây chín, hay tên một loại bánh nếp đậu hấp thì Kà Ốt là hương thơm của hai loại ấy. Tính chất lãng mạn trong cách đặt tên của người xưa là vậy.
Trong toàn tỉnh Tây Ninh có tổng cộng 6 ngôi chùa Nam tông Khmer, riêng huyện Tân Châu có một ngôi duy nhất. Quần thể kiến trúc chùa, tượng toạ lạc trên một khu đất khá rộng, có cả rừng cây và tre rất đẹp. Ngôi chánh điện được xây trên một nền cao vuông vức, có bậc thang đi lên ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Nhưng hướng chính của ngôi chánh điện vẫn là hướng Đông, theo triết lý Phật ở phương Tây, ngồi nhìn qua hướng Đông và hướng Đông là hướng của Phật vậy. Ngôi chánh điện xây theo phong cách các chùa Khmer truyền thống, tuy không có nhiều tầng mái nhưng vẫn là mái nhọn, lợp ngói, trên có trang trí các đầu rồng trông rất tao nhã.
Phía trước sảnh của chánh điện vẽ một bức tranh trong tích đức Phật đang chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như trông rất sống động. Bên trong chánh điện bài trí các đồ thờ và các tư thế của tượng Thích Ca Mâu Ni một cách trang nghiêm, đúng theo triết lý văn hoá Phật.
Mặt phía sau chánh điện là bức tranh năm vị Phật, trong đó có bốn vị đã thành quả Phật theo thời gian, một vị chưa đắc quả là Di Lặc (còn mặc thần phục). Bên trái của ngôi chánh điện là ngôi tháp thờ cốt của các nhà sư đã viên tịch và cốt của phật tử. Có một điều đặc biệt, người Khmer ở đây không thực hiện nghi lễ hoả táng người chết như người Khmer ở Tây Nam bộ mà chôn như người Kinh, rồi sau đó mới lấy cốt đưa vào chùa.
Sau ngôi chánh điện là khu bài trí các pho tượng. Nổi bật nhất là pho tượng Phật Thích Ca to lớn trong tư thế kết ấn xúc địa trên một bệ cao.
Phía bên trên là bánh xe pháp luân có tám nhánh căm tượng trưng cho bát chánh đạo. Hai bên tôn tượng là hai kỳ lân được chạm trổ khá công phu, tượng trưng cho sức mạnh của trí tuệ tầng trên. Phía sau là tượng Chằn cầm chày vồ canh giữ như thần hộ pháp, xua đuổi cái ác, cái xấu ra khỏi nơi chánh đạo.
Đâu lưng với tôn tượng Thích Ca là tượng một người phụ nữ trong trang phục truyền thống Khmer, đó là tượng Bà Mẹ Đất, vị thần chứng giám cho sự thành đạo của đức Phật. Sau cùng là bàn thờ chư thiên. Ngôi sala xây lệch ra góc trái phía sau chùa trông rất đẹp và sạch sẽ. Nơi đây để sư trụ trì và ban quản trị làm việc có liên quan đến phật sự của nhà chùa.
Chùa Kiri Sattray Menchey là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của bà con người Khmer 3 ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm. Chùa có ban quản trị, nhưng người quan trọng nhất ở đây vẫn là sư cả Sơn Bình Định. Sư cả không chỉ là người tu hành mà còn là một nghệ nhân.
Vì nguồn quỹ của chùa hạn hẹp, nên hầu như các công việc trang trí, sửa chữa các hoa văn kiến trúc đều một mình sư làm. Ngoài công việc phật sự thường nhật và việc dạy chữ, dạy kinh kệ cho các sadi vốn là con em trong ấp đến chùa tu học, sư còn dành thời gian cho việc sửa sang lại các hạng mục của chùa để phục vụ bà con phật tử.
Có một lần vào buổi trưa nắng, tôi ghé thăm chùa, thấy sư đang bắc giàn, vẽ hoa văn cho tượng phật. Sư vừa làm, vừa tiếp chuyện khách rất cởi mở. Sư giải thích cho tôi rất cặn kẽ ý nghĩa của từng biểu tượng gắn với kiến trúc chùa tháp.
Hằng năm, ngôi chùa là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hoá đậm màu sắc của bà con Khmer như lễ tắm Phật, lễ Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sen Dolta… rất đông vui, hoành tráng. Lễ tắm Phật là nghi thức quan trọng và độc đáo trong dịp tết Chol Chnam Thmay của người Khmer.
Nghi lễ này thể hiện đức tin của người Khmer về Phật pháp, đồng thời cầu mong sự bình an cho bản thân và gia đình trong dịp đầu năm mới. Sau ba hồi trống báo hiệu, các pho tượng Phật trong chùa được thỉnh ra đặt trên bàn giữa một khoảng sân để thực hiện nghi thức tắm Phật.
Người Khmer đến chùa với những bình nước tẩm hoa thơm trên tay, thể hiện sự tôn kính của mình với các pho tượng Phật. Đầu tiên là sư trụ trì thực hiện nghi lễ tắm Phật, sau đó đến các vị tỳ kheo, sau cùng là các sadi. Sau đó, mọi người sẽ tập trung về chánh điện để tụng kinh cầu an.
Nghi lễ này đối với người Khmer rất thiêng liêng và quan trọng. Chol Chnam Thmay là lễ lớn nhất của người Khmer. Lễ được tiến hành vào những ngày 14, 15 và 16 của tháng 4 dương lịch. Lễ Dolta hay còn gọi là lễ cúng ông bà, tức lễ xá tội vong nhân diễn ra vào các ngày 27, 28, 29 và 30 tháng 8 âm lịch hằng năm.
Trong dịp này, người Khmer cũng tổ chức lễ cúng tại nhà vào ban ngày và đến chùa cúng vào ban đêm. Sau các lễ cúng, mọi người quây quần trước chùa múa Lâm Thôn, ca hát theo tiếng nhạc truyền thống. Lễ Ok Om Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, mọi người tổ chức lễ cúng trăng tại chùa.
Sau đó, có tục đút cốm dẹp cho trẻ con để bói hậu sự và múa hát trước sân chùa. Ngoài ra, còn có lễ dâng y, diễn ra trong thời điểm hai tháng 10 và 11 âm lịch. Bên cạnh việc dâng áo cà sa tại chùa là các hoạt động vui chơi, ca hát diễn ở sân chùa…
Người dân ấp Kà Ốt cúng dường cho các sư sãi trong lễ Sen dolta.
Có thể nói, tại khu vực trung tâm Kà Tum ồn ào náo nhiệt bao nhiêu, thì ở xóm ấp Kà Ốt lại yên bình bấy nhiêu. Nơi đây con người sống gần như tách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài. Những ngôi nhà nấp dưới những tán cây vươn mình trong nắng đầy tiếng chim ca. Rừng trong khuôn viên chùa mát rượi, gió thổi rì rào như phảng phất lời kinh, tiếng kệ.
Trẻ con trong ấp vào chùa chơi với các sadi nhỏ tuổi, áo đời áo đạo hoà lẫn vào nhau trông rất hồn nhiên như một bức tranh đa chiều của sự sống. Đời và đạo như không có gì là ranh giới mà hầu như nó được gói tròn trong sự mong cầu hạnh phúc ấm no.
ĐÀO THÁI SƠN