BAOTAYNINH.VN trên Google News

"Kẽ hở" trong giao dịch tiền gửi ngân hàng 

Cập nhật ngày: 16/05/2017 - 09:10

Mới đây, vụ việc gần mười khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) do tin lời của một cá nhân, đã đưa hàng chục tỷ đồng cho người đó đi gửi ngân hàng và nhận lại các sổ tiết kiệm có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa… một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự "cả tin", cũng như những "kẽ hở" trong quá trình giao dịch tiền gửi ngân hàng.

Ngày 24-4 vừa qua, tại Agribank chi nhánh Cam Ðường (Lào Cai) có một số khách hàng đến rút tiền nhưng số tiền trên sổ tiết kiệm do khách hàng mang đến lại nhiều hơn rất nhiều so với số tiền gửi tại ngân hàng (có giấy gửi tiền). Cụ thể, giấy gửi tiền có chữ ký của khách hàng chỉ có 1 triệu đồng nhưng trên sổ tiết kiệm khách hàng mang đến lại là 10 tỷ, 15 tỷ, 20 tỷ và 25 tỷ đồng. Cảm quan bằng mắt thường, các sổ tiết kiệm này đều có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa số tiền bằng số và bằng chữ. Ðiểm đặc biệt là, các khách hàng nêu trên cùng nhờ một cá nhân gửi tiền hộ với lời hứa "sẽ được hưởng lãi suất cao hơn". Người này đã nhiều lần giao dịch tại ngân hàng cho nên được coi là khách quen, thường xuyên của chi nhánh (hay còn gọi là khách hàng VIP). Hiện, cá nhân nêu trên đã đi khỏi nơi cư trú, không có mặt tại địa phương và vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng cho nên chưa có câu trả lời chính xác ai đúng, ai sai và ai phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này. Nhưng qua đây, có thể thấy rằng: Vẫn có những "kẽ hở" rất lớn trong nhận thức của người dân khi tham gia gửi tiền, cũng như vẫn tồn tại đâu đó "kẽ hở" trong quy trình giao dịch tại ngân hàng. Về phía khách hàng, họ đã quá dễ dãi khi giao một số tiền rất lớn cho người khác gửi hộ. Rồi cũng vì chủ quan, họ đã thiếu sự kiểm soát khi nhận lại những sổ tiết kiệm mà không đối chiếu, kiểm tra để đến khi rút tiền, qua kiểm tra kỹ mới phát hiện đã bị tẩy xóa, sửa chữa. Về phía ngân hàng, theo quy định, ngân hàng không nhận gửi hộ tiết kiệm trừ trường hợp đặc biệt có ủy quyền của người gửi tiền. Tuy nhiên, trường hợp cá nhân gửi tiền nêu trên do thường xuyên giao dịch tại chi nhánh cho nên đã được nhân viên ngân hàng "ưu ái", đồng ý cho gửi hộ mà không cần ủy quyền. Rõ ràng, đây chính là "kẽ hở" trong quy trình giao dịch với khách hàng thân thiết, khách hàng VIP của ngân hàng. Và "kẽ hở" này dù nhỏ nhưng đã bị các đối tượng lợi dụng và rủi ro đã xảy ra.

Quy trình mở tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm,… luôn được các ngân hàng niêm yết, thông báo rõ ràng và được yêu cầu tuân thủ thực hiện theo từng bước quy trình nghiêm ngặt. Nhưng qua các vụ việc xảy ra giữa ngân hàng và khách hàng diễn ra từ nhiều năm qua, đều thấy một điểm chung là rủi ro luôn đến với hầu hết các trường hợp cố tình "bỏ qua" một hoặc một vài bước quy trình. Nếu cả khách hàng và nhân viên ngân hàng đều tuân thủ nghiêm các quy trình trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, thì có lẽ những rủi ro trong giao dịch khó có cơ hội xảy ra. Do vậy, việc bít các "kẽ hở", hay nói cách khác là thực hiện nghiêm quy trình, quy định là việc làm hết sức quan trọng để giữ an toàn trong hoạt động giao dịch ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước mới đây tiếp tục phải ra Văn bản số 3360/NHNN-TTGSNH ngày 11-5-2017 gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch. Cùng với đó, yêu cầu các ngân hàng thường xuyên rà soát quy trình, quy định nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan công tác kho quỹ, các hoạt động giao dịch,… bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối về người và tài sản trong các khâu giao dịch, két quỹ, kho tiền. Ðặc biệt, việc nâng cao ý thức cảnh giác, đạo đức nghề nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định, quy trình… cũng được cơ quan quản lý lưu ý tới các ngân hàng thương mại.

Nguồn Báo Nhân dân