BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kết hôn, sinh con trước tuổi 30 là định hướng 'tinh tế' 

Cập nhật ngày: 06/05/2020 - 09:25

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chính sách khuyến khích, tăng tỷ lệ sinh là một bước đi kịp thời nhất là trong thời điểm già hóa dân số và Việt Nam đang đi qua giai đoạn "dân số vàng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Ngoài ra, chính sách này còn hướng đến việc đảm bảo chất lượng dân số, nguồn nhân lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng đây là một chính sách "tinh tế" và kịp thời. Ông cho rằng đây là các bước đi mới, chuẩn bị cho kết thúc vòng đời của các chính sách dân số đã không còn phù hợp.

Giữ dân số vàng

Trong quyết định này, Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên. Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

Nhận định về chương trình này, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đây là bước chuyển đổi chính sách kịp thời.

"Mỗi chính sách có một vòng đời nhất định, phù hợp với thời điểm nó được ban hành. Trước các tình hình mới, đòi hỏi Thủ tướng, Chính phủ cần phải có những động thái phù hợp", ông nói.

Theo ông, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm đặc biệt ở các thành phố lớn.

"Chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng giai đoạn này rất ngắn. Thực trạng ở Việt Nam hiện tại già hóa dân số sẽ rất nhanh, thậm chí có thể nhanh hơn thế giới", ông nói và nhấn mạnh đòi hỏi phải có nguồn nhân lực mới. Bên cạnh đó, trong cấu thành của dân cư mà chủ yếu là người già thì các vấn đề an sinh xã hội sẽ rất nặng nề.

Với việc khuyến khích người dân kết hôn, đẻ trước 30 tuổi và đẻ 2 con, thì số lượng trẻ sinh ra gia nhập lực lượng lao động ít nhất cũng mất 20 năm tính từ bây giờ. Vậy nên chính sách này bắt buộc phải được đưa ra từ bây giờ, chậm hơn sẽ là muộn.

Định hướng "tinh tế và nhạy cảm"

Thủ tướng yêu cầu bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích các yếu tố. Hay việc khuyến khích cán bộ, đảng viên sinh đủ 2 con; các địa phương có mức sinh cao thì cố gắng không để sinh con thứ 3.

Qua đó, Chính phủ thực hiện mục tiêu đến năm 2030 tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Tỷ lệ sinh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn còn thấp. Ảnh: Liêu Lãm.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận định hướng này của Thủ tướng vừa "tinh tế" mà lại "nhạy cảm" phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và nguồn lao động bởi 2 lý do.

Thứ nhất, chính sách đặc thù được áp dụng với từng vùng với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khác nhau.

"Những nơi khó khăn, việc chăm sóc, đào tạo cho con trở thành nhân lực chất lượng cao tương đối khó. Nên khuyến khích đẻ ở những vùng này thì dân số có thể tăng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa chắc đã tăng", ông nhận định.

Đối với địa phương có tỷ lệ sinh thấp như Hà Nội, TP.HCM lại là các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, xã hội. Đây là những môi trường đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai, nên việc khuyến khích, tăng tỷ lệ sinh là phù hợp.

Thứ hai, việc khuyến khích người dân kết hôn, sinh con trước tuổi 30 sẽ giúp con cái được khỏe mạnh nhất về thể chất và trí tuệ. Phụ nữ mang thai độ tuổi này cũng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe. "Đẻ con ở độ tuổi muộn hơn có thể khiến sức khỏe phụ nữ bị giảm sút, dẫn đến chất lượng nguồn lao động bị ảnh hưởng", ông Dũng nói.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ

Ông Dũng cho rằng sẽ mất thời gian để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân. Bởi một khi việc sinh ít đã thành thói quen của xã hội thì rất khó thay đổi.

"Như dân ở các đô thị lớn để thay đổi quan niệm của họ sẽ mất nhiều thời gian. Khi có chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình mình giảm được, nhưng bây giờ để tăng lại thì sẽ khó hơn", tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho hay.

Để chính sách mới thực sự hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn thì cần phải kèm theo các chính sách hỗ trợ cụ thể. Bên cạnh đó, nó cũng phụ thuộc nhiều vào hành vi của người dân. "Người dân thấu hiểu, chia sẻ thì họ sẽ nhận ra ngay tính đúng đắn của chính sách", ông nói.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của chính sách này, vị tiến sĩ đơn cử chính sách 1 con của Trung Quốc.

Tuy là chính sách đúng đắn thời điểm bùng nổ dân số, nhưng nước này lại không theo dõi, giám sát để kết thúc vòng đời của chính sách lỗi thời. Để kéo quá dài, nó gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Đến lúc Trung Quốc già hóa dân số quá nhanh mới thay đổi thì đã bị chậm.

Theo nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần sớm đưa ra các chính sách hỗ trợ, kế hoạch phát triển dân số. Đặc biệt là hỗ trợ các gia đình ở địa phương như Hà Nội, TP.HCM sinh và nuôi dạy con cái.

Bên cạnh đó, các chính sách được đưa ra phải có chiến lược truyền thông tốt, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Theo ông, đây là điều quan trọng bởi thước đo hiệu quả của chính sách đến từ sự đón nhận, hưởng ứng của người dân. Từ đó mới đi đến các hành vi cụ thể.

Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 19/12/2019, dân số Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, cứ 1 người phụ thuộc có 2 người đi làm nhưng tốc độ già hóa đang tăng nhanh. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên ở mức cao, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 2 lần so với năm 1999. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất.

Nguồn Zing