Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một trong những “lá chưa lành” được chương trình giới thiệu ở Tây Ninh là em Bùi Văn Phú, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Câu chuyện của Phú khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Chị Ngoành và con.
Vừa qua, chương trình “Cặp lá yêu thương” do Trung tâm Tin tức VTV24, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức đã đến với Tây Ninh. “Cặp lá yêu thương” được thực hiện lần lượt tại các tỉnh, thành trong cả nước, qua đó nhằm huy động sự giúp đỡ (trực tiếp) của các nhà hảo tâm (được gọi là “lá lành”) đến với các trường hợp khó khăn (được gọi là “lá chưa lành”).
Một trong những “lá chưa lành” được chương trình giới thiệu ở Tây Ninh là em Bùi Văn Phú, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Câu chuyện của Phú khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Em Phú sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mới hơn 1 tuổi đầu, em đã mắc bệnh máu trắng- căn bệnh hiểm nghèo buộc em phải sống nhờ vào máu của người khác và phải nếm trải nhiều đau đớn. Để duy trì sự sống, mỗi tháng Phú phải được thay máu hai lần.
Nhìn cậu bé dáng vẻ gầy gò, xanh xao, bụng to như cái trống vì di chứng bệnh tật ai cũng thật ái ngại. Bị bệnh tật hành hạ, cậu bé vẫn từng ngày cố gắng chống chọi với nó để giành lấy sự sống cho mình. Phú còn khiến nhiều người yêu mến ở tinh thần ham học.
Nhiều năm qua, dù bệnh tật đeo mang, từng nhịp thở cũng nặng nề, khó nhọc nhưng Phú vẫn chăm chỉ đến trường. Cậu bé hồn nhiên nói: “Đi học rất vui, ở nhà buồn lắm. Em mong sớm khỏi bệnh, để ngày nào cũng được đến lớp”. Ba mẹ Phú đầu tắt mặt tối làm lụng, kiếm từng đồng bạc để chạy chữa bệnh tình cho con trai.
Ba em làm phụ hồ, mẹ em buôn bán rau. Công việc bấp bênh, vất vả, kiếm được bao nhiều tiền lại đổ hết vào việc chữa trị bệnh. Cuộc sống gia đình Phú vì thế cứ quanh quẩn với cái nghèo. Nhưng ba mẹ Phú chưa bao giờ từ bỏ hy vọng cứu lấy tính mạng con trai.
Chị Thuỷ- mẹ Phú chia sẻ: “Dù thế nào đi nữa, tôi cũng cố gắng điều trị bệnh cho con, tôi tin rằng chỉ cần không bỏ cuộc, một ngày không xa, con tôi sẽ khoẻ mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác”.
Theo lời chị Thuỷ, sức khoẻ của Phú ngày càng tiến triển khả quan hơn và em cần được tiếp tục điều trị. Một chút hy vọng mong manh cũng tiếp thêm động lực cho cả gia đình trong cuộc hành trình giành lại sự sống cho đứa con bé nhỏ, mặc dù con đường phía trước còn gian nan, khó khăn lắm.
Có lẽ nhờ tình yêu thương của cha mẹ và nghị lực của bản thân, đứa trẻ mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo rồi cũng lớn lên từng ngày.
Em Phú và mẹ chuẩn bị rau đi bán.
Một câu chuyện khác cũng để lại nhiều thương cảm cho mọi người, đó là chuyện về gia đình chị Phan Thị Kim Ngoành, 35 tuổi, ngụ tại ấp Trại Bí, xã Tân Phong, huyện Tân Biên.
Chồng bỏ đi, chị Ngoành một mình nuôi bốn đứa con nhỏ dại bằng cái nghề mua bán ve chai, thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng. Ba đứa con đến tuổi học hành, dù cố hết sức chị cũng chỉ có thể lo cho hai đứa đến trường.
Cô con gái lớn học xong lớp 1 là phải nghỉ ở nhà trông em cho mẹ đi mua ve chai. Năm mẹ con sống nhờ bên nhà ngoại- một căn nhà xập xệ, dột nát. Mỗi khi mưa to gió lớn, cả nhà chen chúc nhau vào một góc để tránh mưa. Hoàn cảnh khó khăn, chật vật như thế nhưng mấy mẹ con chị Ngoành chưa bao giờ buông xuôi.
Các con của chị đều ham học mặc dù học không giỏi. Đi học là ước mơ, là niềm vui của các em. Thương con, chị Ngoành luôn cố gắng hết sức mình để làm chỗ dựa cho các con. Chị chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn nên tôi phải liệu cơm gắp mắm.
Cố làm lụng, tiết kiệm để lo cho các con. Tôi không biết chữ nên chịu đủ mọi thiệt thòi. Vì thế, dù có khổ cực thế nào, tôi cũng luôn muốn lo cho các con được đến trường để sau này không phải khổ vì dốt như mẹ mình”. May mắn đã đến với chị Ngoành, từ chương trình “Cặp lá yêu thương”, gia đình chị được nhà hảo tâm nhận tài trợ xây tặng một căn nhà mới cho mấy mẹ con chị có chỗ trú ngụ đàng hoàng.
Qua chương trình “Cặp lá yêu thương”, mỗi trường hợp “lá chưa lành” ở Tây Ninh được trợ giúp tối thiểu 200.000 đồng/tháng- như một sự tiếp sức để các đối tượng được trợ giúp có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
THẾ ANH