Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Kết thúc Giai đoạn 2 Đề án 30:Chưa có sự thay đổi mang tính đột phá trong CCHC
2010-07-10 10:57:00

 Tổ Đề án 30 tỉnh Tây Ninh cho biết, đến cuối năm nay, giai đoạn 3 của lộ trình thực hiện Đề án 30 sẽ kết thúc. Trước đó, đầu tháng 5.2010, giai đoạn 2 đã hoàn tất, còn giai đoạn 1 đã kết thúc cách nay vừa tròn 1 năm.

HTML clipboard

Tổ Đề án 30 tỉnh Tây Ninh cho biết, đến cuối năm nay, giai đoạn 3 (giai đoạn thực thi các kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính) của lộ trình thực hiện Đề án 30 sẽ kết thúc. Trước đó, đầu tháng 5.2010, giai đoạn 2 (giai đoạn rà soát, kiến nghị đơn giản hoá tất cả các TTHC) đã hoàn tất, còn giai đoạn 1 (giai đoạn thống kê tất cả các TTHC) đã kết thúc cách nay vừa tròn 1 năm (tháng 7.2009).

Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định công bố công khai các bộ TTHC thực hiện tại 3 cấp tỉnh, huyện và xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cấp tỉnh có 19 bộ TTHC ở 19 sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 1.143 TTHC. Cấp huyện đã thu gom 9 bộ TTHC của 9 huyện, Thị xã thành 1 bộ TTHC thống nhất với 207 TTHC. Tương tự, cấp xã hiện đang áp dụng thống nhất 1 bộ TTHC với 150 TTHC. Tổ Đề án 30 đã tiến hành rà soát 1.666 TTHC, qua đó xác định 1.110 TTHC cần kiến nghị đơn giản hoá (đề nghị sửa đổi, bổ sung 952 TTHC; bãi bỏ, huỷ bỏ 91 TTHC, kiến nghị thay thế 46 TTHC; kiến nghị phân cấp thực hiện 21 TTHC).

Thủ tục cấp giấy đăng ký xe đã được cải cách, rút gọn đáng kể trong thời gian qua

Tổ Đề án 30 nhận định: Việc thực hiện Đề án 30 đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức và cách tiếp cận với TTHC, với các bộ phận cấu thành nên TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ Nhà nước). Đây là lần đầu tiên đội ngũ cán bộ Nhà nước biết được cụ thể số lượng TTHC ở từng ngành, lĩnh vực, từng cấp với số liệu cụ thể, đáng tin cậy. Trước khi triển khai thực hiện Đề án 30, đa số cán bộ Nhà nước đều cho rằng việc thực hiện TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ đơn giản là áp dụng đúng các văn bản pháp luật, pháp quy vào các trường hợp cụ thể là “đạt yêu cầu”. Sau khi triển khai thực hiện Đề án 30, nhận thức trên đã dần được điều chỉnh. Đội ngũ cán bộ Nhà nước đã hiểu được rằng trong quá trình áp dụng các văn bản pháp luật và pháp quy (thực hiện các TTHC), họ là người chủ động, độc lập tham gia vào quá trình “bắt lỗi hệ thống văn bản pháp luật có quy định về TTHC” để tìm ra những quy định chồng chéo, rườm rà, không phù hợp thực tế, không cần thiết hoặc bất hợp pháp để sửa đổi, huỷ bỏ, bổ sung thay thế…

Mặt khác, việc thống kê, công bố đầy đủ các TTHC ở tất cả các cấp chính quyền; việc rà soát để loại bỏ bớt các thủ tục rườm rà, rắc rối, gây phiền toái… đã góp phần làm tăng kỹ năng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Nhà nước trong việc giải quyết các TTHC. Có thể nói, việc thực hiện Đề án 30 đã làm “mềm hoá” các quy trình giải quyết TTHC, làm cho đội ngũ cán bộ Nhà nước hiểu đúng hơn về TTHC.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến việc thực hiện còn là một quá trình. Đến nay, mặc dù đã kết thúc giai đoạn 2 của tiến trình thực hiện Đề án 30 nhưng chưa thực sự có sự thay đổi rõ nét, mang tính đột phá, tạo ra dấu ấn rõ rệt trong đội ngũ cán bộ Nhà nước về cách thức phục vụ, quá trình nhận hồ sơ, hướng dẫn thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp… Cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ hành chính Nhà nước chỉ mới dừng lại ở việc chấp hành kỷ luật hành chính, chưa truyền tải được những ý nghĩa thực tế, chưa cải cách mạnh mẽ trong khâu giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, một bộ phận không nhỏ công chức, cơ quan Nhà nước vẫn còn mang nặng “bệnh hình thức” trong quá trình cải cách hành chính, thực hiện TTHC. Tổ Đề án 30 cũng thẳng thắn nhìn nhận: Đáng nói là có trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chỉ xem việc giải quyết TTHC, cải cách hành chính là “chuyện nhỏ” nên chưa dành thời gian và sự quan tâm đúng mức cần thiết cho khâu này.

ĐÌNH CHUNG

Từ khóa:
Tin liên quan