Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khắc ghi lời Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”
Thứ sáu: 05:35 ngày 19/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá”.

Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực được tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường để giải quyết những vấn đề nổi cộm của đất nước lúc bấy giờ, đó là: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người thấm sâu, trở thành nguồn sức mạnh nội lực toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Thi đua ái quốc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, vận mệnh đất nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27.3.1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về phát động phong trào thi đua ái quốc. Tiếp đó, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc.

Toàn văn lời kêu gọi thi đua ái quốc mang đậm phong cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu và đi vào lòng người. Người nêu rõ mục đích thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; cách làm “dựa vào lực lượng của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Từ đó nêu trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân Việt Nam “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều.

Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá”. Đồng thời nêu rõ ràng kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc và đưa ra lời hiệu triệu: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự Nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng. Người luôn đề cao tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Từ đó để làm cho mọi tầng lớp nhân dân từ già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giàu, nghèo, dân tộc, tôn giáo đều hướng về mục đích chung đó là phụng sự đất nước.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc và các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, các hội nghị thi đua của các ngành, các giới, các đoàn thể, địa phương, lực lượng là hệ thống quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua.

Ngày 4.3.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hằng năm là ngày truyền thống thi đua yêu nước; tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước hiện nay.

CBVC Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh tham gia hội thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng. Ảnh: Đại Dương

Phong trào thi đua hướng về cơ sở, thực chất và hiệu quả

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh phát động với nội dung thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, phù hợp với từng thời điểm.

Nếu như năm 2021, các phong trào thi đua gắn với công tác phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; thì năm 2022, các phong trào thi đua tập trung vào khôi phục kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các phong trào thi đua hướng về cơ sở, hướng về lao động, sản xuất, chiến đấu, cụ thể như phong trào “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức Tây Ninh thi đua thực hiện văn hoá công sở”, “Doanh nghiệp Tây Ninh hội nhập, phát triển”…

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng mô hình, điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành, địa phương theo Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 23.11.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được các đơn vị triển khai, duy trì như “Hội chợ đồ cũ”, “Chuyến xe tuổi trẻ, san sẻ yêu thương”, “Cán bộ, đảng viên thực hành tiết kiệm theo gương Bác”…

Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, các đơn vị, địa phương đều chọn nội dung đột phá, cụ thể gắn với chuyên môn, nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và chương trình hành động của tỉnh cũng như tình hình thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể của từng lĩnh vực.

Đồng thời chú trọng những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những việc khó, kể cả những khâu yếu kém, những mặt tồn tại, hạn chế để xây dựng nội dung thi đua, tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã  hội. Năm 2022, Tây Ninh đạt và vượt 100% chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội mà nghị quyết Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đề ra, trong đó 9/9 chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch.

Năm 2023, công tác thi đua khen thưởng được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành.

Qua đó để công tác thi đua khen thưởng của tỉnh ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, phát động phong trào thi đua, chống bệnh hình thức trong phong trào thi đua, các chỉ tiêu thi đua phải phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động và thực hiện đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - ngày truyền thống thi đua yêu nước (11.6.1948 - 11.6.2023).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước ở từng cơ quan, đơn vị để phong trào thi đua thực sự là động lực, đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời động viên tinh thần những cá nhân, tập thể ưu tú.

Đối với phong trào thi đua yêu nước, cần triển khai thiết thực, xác định rõ mục tiêu, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là những nhiệm vụ mang tính cấp bách, đột phá để quyết tâm thực hiện. Đa dạng hoá hình thức các phong trào thi đua ngày càng phong phú hơn, phù hợp với từng nhóm đối tượng, có sức lôi cuốn, thu hút đông đảo các thành phần tham gia. Đối với công tác khen thưởng, cần bảo đảm xem xét, đánh giá kịp thời, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, lựa chọn đúng cá nhân, tập thể tiêu biểu để khen thưởng, góp phần lan toả phong trào thi đua yêu nước.

Tuệ Lâm

Tin cùng chuyên mục