Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khách sạn, nhà nghỉ có được giữ căn cước công dân của khách thuê?
Chủ nhật: 09:17 ngày 30/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bạn đọc hỏi khách sạn, nhà nghỉ có được tạm giữ căn cước công dân của khách đến thuê phòng khi đi du lịch trong dịp lễ này?

Dịp lễ này, gia đình tôi đi chơi và nghỉ qua đêm tại một nhà nghỉ. Chủ nhà nghỉ yêu cầu mỗi người xuất trình căn cước công dân (CCCD) và sau đó họ giữ lại CCCD. Tôi thắc mắc thì họ bảo khi nào trả phòng sẽ được nhận lại CCCD. Tôi lo ngại tình trạng lộ lọt thông tin từ CCCD của mình.

Xin cho hỏi, nhà nghỉ, khách sạn có được tạm giữ CCCD của khách? Ai/đơn vị nào được tạm giữ CCCD của công dân?

Bạn đọc Phạm Hưng (Lâm Đồng), hỏi

Để quản lý khách đến thuê phòng, cơ sở lưu trú chỉ kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú như CMND hoặc CCCD, ghi thông tin của khách vào sổ quản lý chứ không được giữ CCCD của khách. Ảnh: Phi Hùng

Luật sư Nguyễn Hoàng Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Theo Luật Căn cước công dân 2014, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.

Theo quy định hiện hành (Điều 44 Nghị định 96/2016) thì khi khách đến nghỉ ngơi, nhà nghỉ, khách sạn (gọi tắt là cơ sở lưu trú) có trách nhiệm như sau: Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú như CMND hoặc CCCD…; Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.

Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách nghĩa là yêu cầu khách xuất trình giấy tờ tùy thân (CCCD chẳng hạn). Từ đó, cơ sở lưu trú ghi đầy đủ thông tin của khách vào sổ lưu trú của nhà nghỉ để khi cần có thể đối chiếu, kiểm tra. Cơ sở lưu trú không được giữ CCCD của khách.

Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch đều không có quy định liên quan đến CCCD. Bộ VH-TT &DL cũng không ban hành hay phê duyệt quy chế quản lý hay nội quy cụ thể của từng khách sạn, không can thiệp vào thỏa thuận dân sự giữa khách và cơ sở lưu trú du lịch. Do đó, mọi hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch, khách du lịch, khách nghỉ tại cơ sở lưu trú du lịch cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Câu hỏi thứ hai của bạn là ai/đơn vị nào được tạm giữ CCCD của công dân? Điều 28 Luật CCCD 2014 đã quy định rõ cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền tạm giữ thẻ CCCD.

Thẻ CCCD bị tạm giữ trong các trường hợp sau đây: Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian bị tạm giữ thẻ CCCD, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ CCCD cho phép sử dụng thẻ CCCD của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Công dân được trả lại thẻ CCCD khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nguồn PLO

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục