BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khai mạc ĐH Hội cựu TNXP tỉnh Tây Ninh lần thứ II: Đại hội của những người một thời cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc

Cập nhật ngày: 23/12/2010 - 11:02

Hôm nay 24.12.2010, Đại hội Đại biểu Hội cựu TNXP tỉnh Tây Ninh lần thứ II (nhiệm kỳ 2010-2015) chính thức khai mạc. Đây là Đại hội của tổ chức những người tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập cách nay đã 60 năm. Cùng với cả dân tộc, TNXP đã hiến dâng biết bao xương máu, mồ hôi, công sức trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, xâm lược của ngoại bang qua hai cuộc kháng chiến cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau ngày đại thắng 30.4.1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TNXP lại tiếp tục lên đường khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chúc mừng lãnh đạo Hội Cựu TNXP nhân dịp Cựu TNXP đi thăm miền Bắc viếng Lăng Bác Hồ

Riêng tại quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường, các thế hệ TNXP cũng đã có nhiều thành tích cống hiến rất đáng tự hào. Trong những năm ác liệt của cuộc chiến tranh cục bộ, khi đế quốc Mỹ bắt đầu trực tiếp đổ quân vào Việt Nam từ năm 1965, mở những cuộc hành quân quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hòng tìm diệt cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng là Trung ương Cục miền Nam đứng chân tại Tây Ninh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Đoàn, lớp lớp thanh niên Tây Ninh đã gia nhập lực lượng TNXP trong hai đơn vị mang tên người anh hùng Hoàng Lê Kha. Đội Hoàng Lê Kha 1, (tức C2311 – Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam) lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ, phối thuộc các Sư đoàn quân chủ lực Miền. Đội Hoàng Lê Kha 2 công tác trên địa bàn tỉnh, phối thuộc các tiểu đoàn 14, 16, 18 của Tỉnh đội nay là Bộ CHQS tỉnh, chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Tây Ninh. Trong giai đoạn này TNXP Tây Ninh đã nêu những tấm gương yêu nước, chiến đấu dũng cảm, như anh Trịnh Duy Hoàng, trung đội trưởng, chị Võ Thị Rậm, đội viên TNXP thuộc đơn vị C2311, đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Lộc Ninh (Bình Phước), ngày 7.6.1966, vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam trong năm nay.

Sau ngày 30.4.1975 khi cả nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, riêng Tây Ninh vẫn chưa được hưởng hoà bình trọn vẹn. Trên vùng biên giới Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc, bọn diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Sary phát động cuộc chiến tranh phá hoại, chúng hèn hạ xua quân tràn sang biên giới bắn giết đồng bào ta ở các xã thuộc hai huyện Tân Biên và Bến Cầu, mà thảm khốc nhất là cuộc tàn sát tại xã Tân Lập (Tân Biên) vào đêm 25.9.1977 có tới hơn 500 người bị bọn Pôn Pốt giết hại bằng nhiều cách rất dã man. Ngay sau ngày đau thương này, tỉnh huy động 2 đại đội dân công hoả tuyến đến Tân Biên và Bến Cầu tìm thi thể đồng bào bị giết để mai táng, giúp đỡ một số hộ dân dựng tạm chỗ ở vì nhà cửa đã bị giặc phóng hoả thiêu rụi, đưa phần lớn đồng bào về định cư sâu trong nội địa. Sau đợt công tác này hai đại đội dân công hoả tuyến trở thành những đơn vị đầu tiên để xây dựng và phát triển thành Tổng đội TNXP Tây Ninh, mà lúc giai đoạn cao điểm cuối năm 1978 – đầu năm 1979 đã có tới 4 liên đội, 22 đại đội với quân số lên đến 4.000 đội viên. Đồng thời cũng trong giai đoạn này, một số huyện trong tỉnh thành lập Liên đội TNXP tập trung để phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện và sẵn sàng phục vụ khi cấp tỉnh cần huy động. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, một số cán bộ, đội viên TNXP được đi học ở nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trong, ngoài tỉnh và trở thành cán bộ, công chức các ngành tỉnh cho đến ngày nay; một số ở lại làm cán bộ khung Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế (Công ty TNHH-MTV Thanh niên xung phong ngày nay). Trong giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trên quê hương Tây Ninh, còn có một số cựu TNXP các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng CNXH ở miền Bắc cùng gia đình đến sinh cơ lập nghiệp tại Tây Ninh.

Từ hoàn cảnh lịch sử đó, tại Tây Ninh hiện có khoảng 5.000 cựu TNXP đang sinh sống ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên thực tế từ khi họ được huy động tham gia, cho đến khi rời đơn vị, số người có được giấy tờ chứng nhận trong tay không nhiều, trong khi do điều kiện, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, tất cả đều phải lo toan cuộc sống, nên ít có điều kiện liên lạc, hội ngộ với nhau. Do vậy cho đến khi vận động thành lập Hội cựu TNXP Tây Ninh, Ban liên lạc TNXP của tỉnh chỉ nắm chắc được số lượng 160 cựu TNXP kháng chiến chống Mỹ và một số ít cựu TNXP biên giới Tây Nam. Đến khi Hội đi vào hoạt động được nửa nhiệm kỳ, Hội cựu TNXP Tây Ninh phối hợp tiến hành cuộc điều tra khảo sát tình hình cựu TNXP do Trung ương Hội phát động với sự phối hợp, tham gia của các ngành liên quan, kết quả khảo sát điều tra được trên 2.500 cựu TNXP, và đã vận động tham gia vào Hội được 1.600 hội viên. Như thế cho đến nay, sau một nhiệm kỳ hoạt động Hội cựu TNXP Tây Ninh đã vận động, tập hợp vào hội được khoảng 1/3 tổng số cựu TNXP đang sinh sống trong tỉnh. Số liệu này tuy là kết quả nỗ lực rất lớn của các cấp Hội trong công tác điều tra khảo sát, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế về sự chủ động của tổ chức Hội ở cơ sở, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành ở địa phương; đồng thời còn phản ánh một thực tế là không ít cựu TNXP có tâm trạng mặc cảm bị lãng quên, không muốn nhắc lại quá khứ. Tuy vậy, kết quả điều tra thực tế cũng cho thấy tất cả cựu TNXP đều có niềm tự hào chính đáng, dù thời gian tham gia hoạt động cách mạng không dài, không liên tục nhưng các anh chị cũng thể hiện nhận thức đúng đắn và hoà vào truyền thống của thanh niên Việt Nam, luôn tràn đầy lòng yêu nước, ý chí xung phong vượt khó khăn, không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào. Chính từ truyền thống này mà hầu hết cựu TNXP ở Tây Ninh luôn là những công dân tốt ở địa phương, không bị tha hoá, biến chất, không vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo Hội TNXP trình bày với Chủ tịch UBND tỉnh tâm tư nguyện vọng của Cựu TNXP

Nhiều năm sau các cuộc chiến tranh, những cán bộ, đội viên TNXP năm xưa, nay đều đã cao tuổi. Thế hệ cựu TNXP chống Pháp, chống Mỹ đã hơn 60, 70 tuổi, thế hệ cựu TNXP biên giới Tây Nam trẻ nhất cũng đã qua tuổi 50. Trong đó có không ít người hiện gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mặc dù anh em không đòi hỏi gì, nhưng xã hội không thể quên lãng họ, và cần thiết phải có sự đãi ngộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì vậy cùng với việc Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp đối với việc đãi ngộ cựu TNXP, Hội cựu TNXP cần phải có những động thái tích cực, vận động xã hội, tăng cường đoàn kết nội bộ để có thể vừa làm tốt nhiệm vụ “nhân chứng lịch sử” tham mưu cho Đảng, Nhà nước có biện pháp phù hợp, khả thi nhằm giải quyết chính sách cho cựu TNXP, vừa huy động nguồn lực xã hội hoá nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực cho các đồng đội đang gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Được biết, trong năm nay, ngày 21.4.2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, trong đó có quy định cụ thể về các Hội có tính chất đặc thù, và gần đây trong Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1.11.2010 đã quy định Hội cựu TNXP là một trong số các Hội có tính đặc thù đang hoạt động trên toàn quốc. Đây chính là hành lang pháp lý, luật hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các tổ chức Hội có tính đặc thù nói chung, Hội cựu TNXP nói riêng. Trên cơ sở quy định của Nghị định 45, Quyết định 68, trong nhiệm kỳ 2010-2015, tin tưởng rằng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp, các ngành sẽ nghiên cứu, vận dụng nhằm tạo thuận lợi cho Hội cựu TNXP hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội.

Duy Nhã