Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn tiếp tục tái diễn phức tạp, đã gây hậu quả trước mắt là bờ sông tiếp tục bị sạt lở và hậu quả lâu dài là môi trường tiếp tục bị suy thoái.
Nhiều năm trước đây, chuyện khai thác cát bừa bãi, tuỳ tiện trên sông Sài Gòn diễn ra hết sức phức tạp. Lúc đó, cả hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương đều có nhiều ghe khai thác cát trái phép hoạt động thường xuyên. Khi lực lượng liên ngành ở Tây Ninh tuần tra kiểm soát thì các ghe khai thác trái phép chạy trốn phía bờ bên Bình Dương và ngược lại. Do đó mà suốt thời gian dài chuyện khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn trở thành “vấn nạn”.
Ghe khai thác cát |
Cách nay khoảng hơn 5 năm, hai đơn vị là Doanh nghiệp tư nhân Minh Hưng và Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương lập hồ sơ xin phép thăm dò đánh giá trữ lượng cát trên sông Sài Gòn. Sau khi trữ lượng cát được phê duyệt, tỉnh Bình Dương cấp phép cho Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương khai thác cát đoạn đầu từ hồ Dầu Tiếng và đoạn cuối sông Sài Gòn, đồng thời tỉnh Tây Ninh cũng cấp phép cho Doanh nghiệp Minh Hưng khai thác cát đoạn giữa sông Sài Gòn. Giai đoạn đầu sau khi được cấp phép cả hai doanh nghiệp đều tổ chức quản lý khai thác chặt chẽ nên tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn bị hạn chế, bớt phức tạp. Thế nhưng giai đoạn sau chỉ có Doanh nghiệp Minh Hưng là vẫn tiếp tục tổ chức quản lý khai thác khá tốt, còn Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương dần dần không quản lý nổi và tình trạng khai thác cát trái phép trên đoạn sông giao cho Công ty này quản lý khai thác ngày càng phức tạp. Hậu quả của tình trạng này là nhiều khu vực bị khai thác bừa bãi, không đúng quy định, quy trình khiến cho nhiều nơi bị sạt lở. Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng do lở đất làm đơn khiếu nại đòi bồi thường. Chẳng biết là ghe của Công ty hay ghe của “sa tặc” khai thác làm lở đất của dân, nhưng vì là đơn vị được cấp phép khai thác trên đoạn sông bị sạt lở nên Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Cách nay hơn 1 năm, nhận thấy khó có thể tiếp tục hoạt động trong tình trạng không thể quản lý được nạn khai thác cát trái phép, Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương xin ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, đoạn đầu và đoạn cuối sông Sài Gòn mà trước đây giao cho Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương gần như trở thành “vô chủ”, “sa tặc” mặc tình khai thác lung tung. Việc khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn gia tăng đã khiến cho tình trạng sạt lở tiếp tục tái diễn. Trong thời gian gần đây, có hàng chục hộ dân sinh sống dọc sông Sài Gòn thuộc địa phận huyện Trảng Bàng tiếp tục làm đơn khiếu nại đòi bồi thường. Trước đây khi còn hoạt động thì Công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương chịu trách nhiệm bồi thường, nhưng hơn 1 năm nay Công ty đã ngưng hoạt động nên chưa biết ai sẽ bồi thường cho các hộ dân khiếu nại này.
Theo lãnh đạo huyện Trảng Bàng, dù biết tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn tái diễn phức tạp nhưng việc ngăn chặn là không đơn giản. Khó khăn trước tiên là địa phương cấp xã không có chức năng kiểm tra đường sông nên dù có biết cũng không thể tổ chức truy quét, bắt giữ các ghe khai thác cát trái phép được. Muốn làm được việc này phải tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành của huyện. Tuy nhiên khi tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành lại gặp khó khăn về nhiều thứ như: phương tiện thiếu, kinh phí kém, nhân lực hạn chế... Từ những khó khăn như vậy, huyện khó có thể tổ chức kiểm tra thường xuyên tình trạng khai thác cát trên sông Sài Gòn được. Khi tổ chức được đoàn kiểm tra liên ngành thì lại gặp phải khó khăn khác là những ghe khai thác trái phép trốn qua bờ bên Bình Dương không thể bắt xử lý được. Thậm chí khi đã bắt được ghe khai thác trái phép thì việc xử lý cũng gặp khó khăn, bởi khi tịch thu phương tiện vi phạm, theo luật là phát mãi nhưng chưa có quy định cụ thể trong đó phần được trích bù chi phí là bao nhiêu…
Một bãi cát bên bờ sông Sài Gòn |
Như vậy, thực tế hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn tiếp tục tái diễn phức tạp, đã gây hậu quả trước mắt là bờ sông tiếp tục bị sạt lở và hậu quả lâu dài là môi trường tiếp tục bị suy thoái. Ngoài ra, việc quản lý khai thác cát ở địa phương đối với những doanh nghiệp đã được cấp phép cũng không đơn giản. Bởi vì giấy phép khai thác cát là do tỉnh cấp, sản lượng khai thác địa phương không nắm được, mặt bằng khai thác chìm dưới lòng sông nên chính quyền địa phương không thể biết doanh nghiệp khai thác sản lượng thực tế là bao nhiêu, độ sâu mỏ đã vượt quá quy định hay chưa… Nếu như không nắm chắc chắn được những thông số này thì dù là đơn vị khai thác cát được cấp phép hẳn hoi nhưng việc khai thác vẫn phức tạp, đồng thời có thể Nhà nước mất đi khoản thuế tài nguyên không nhỏ.
Sơn TrẦn