BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khai thác tiềm năng, huy động nguồn lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững 

Cập nhật ngày: 16/10/2020 - 01:11

BTN - Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: “Ðến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ðến năm 20 30, trở thành địa phương phát triển khá của Vùng Ðông Nam Bộ và cả nước”.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trình bày Báo cáo chính trị tại Ðại hội. (Ảnh: Hồng Thắm)

Ðể thực hiện được mục tiêu này, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khoá X trình Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI đã có những định hướng và giải pháp cụ thể với khát vọng đưa Tây Ninh trung dũng, kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, tiềm năng, trách nhiệm, nghĩa tình trong xây dựng và phát triển đạt được những thành quả tốt đẹp hơn trong giai đoạn mới.

Bên lề Ðại hội, Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc.

Phóng viên (PV): Thưa Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh, theo đồng chí, trong giai đoạn tới, tỉnh Tây Ninh có những thuận lợi, khó khăn, thách thức gì?

Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc:

 Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh có đường biên giới dài 240km, giáp 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, với 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), 3 cửa khẩu chính, 11 cửa khẩu phụ và nhiều hệ thống đường mòn, lối mở; có đường Xuyên Á, là cửa ngõ quan trọng nối liền Thành phố Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế - văn hoá, khoa học kỹ thuật lớn nhất cả nước) với thủ đô Phnompenh (vương quốc Campuchia) và các nước ASEAN; là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng kinh tế năng động nhất cả nước), được hưởng lợi từ yếu tố kết nối lan toả kinh tế vùng, nhất là kết nối với các tỉnh, thành phố đầu tàu về kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Hiện tỉnh đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển với hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tây Ninh còn có hồ Dầu Tiếng (diện tích 27.000 ha) - công trình thuỷ nông nhân tạo lớn nhất Ðông Nam Á, phát triển đa mục tiêu, trong đó vùng bán ngập với diện tích trên 7.000 ha có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng điện mặt trời.

Tỉnh có 7 khu công nghiệp, trong đó có 2 khu kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát); hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được đầu tư tương đối đồng bộ; nhất là dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đang khẩn trương triển khai, hứa hẹn tạo cú hích cho kinh tế - xã hội Tây Ninh phát triển đột phá; đất đai đa dạng, phong phú, phù hợp phát triển cả về nông nghiệp và công nghiệp, nguồn lao động dồi dào.

Hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thể hiện quyết tâm chính trị, khát vọng vươn lên; cải cách hành chính, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, ghi đậm dấu ấn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về một Tây Ninh thân thiện, nghĩa tình và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Các yếu tố trên vừa là tiềm năng, cơ hội vừa là động lực lớn giúp Tây Ninh phát triển mạnh mẽ, nhất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế mang tính đột phá theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu gia tăng; dịch bệnh diễn biến khó lường; tình hình ngoại biên tiềm ẩn nhân tố phức tạp; thách thức an ninh phi truyền thống; những vấn đề nảy sinh liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng triển khai dự án; khiếu nại, tố cáo.

Những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của hệ thống chính trị, những “bất cập, điểm nghẽn” trong hoạt động quản lý nhà nước nếu không được khơi thông sẽ là lực cản trong quá trình phát triển đi lên của tỉnh.

PV: Ðồng chí có thể khái quát về phương hướng, giải pháp chủ yếu của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt là trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19?

Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc:

Về định hướng phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; duy trì nhịp độ tăng trưởng, gia tăng quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông; hình thành trục hành lang công nghiệp, đô thị dọc tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Nghiên cứu đề xuất động lực mới thúc đẩy Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Ðẩy mạnh cải cách hành chính gắn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, kéo giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Giữ vững quốc phòng, an ninh; tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ðổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ đảng; xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có phẩm chất, năng lực, năng động, trách nhiệm, khát khao phát triển.

Về giải pháp, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình đột phá: Về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; về phát triển du lịch; về phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chất lượng; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng.

Nghiên cứu tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

PV: Thưa đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh, Ðại hội XI đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm gì để lãnh đạo toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân Tây Ninh phấn đấu đạt được trong 5 năm tới?

Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc:

Về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên.

Tập trung tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch theo hướng “động, mở”, linh hoạt, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch. Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ðổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.

Tạo sự chuyển biến toàn diện về văn hoá, xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, trật tự, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp; chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại.

Trong công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị, xây dựng Ðảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và nâng cao chất lượng đảng viên. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Ðảng. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Tiếp tục quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Ðảng theo hướng thiết thực, đồng bộ, hiệu quả. Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Tây Ninh cuộc phỏng vấn này. Xin chúc Ðại hội thành công tốt đẹp!

Ðặng Hoàng Thái

(thực hiện)