Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Thứ tư: 18:34 ngày 19/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 19.8, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương trực tuyến toàn quốc Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Tây Ninh, có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, sau hơn 8 tháng khẩn trương triển khai xây dựng, đến thời điểm này, hệ thống thông tin này đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, ứng dụng, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống dữ liệu, thông tin được thu thập, đã qua tổng hợp, xử lý từ Hệ thống thông tin báo cáo và Trung tâm điều hành của các bộ, ngành, địa phương, sẽ được lựa chọn tích hợp, kết nối và hiển thị trực quan tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, minh bạch, chính xác, bảo mật, làm căn cứ tin cậy để Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Thông qua những con số "biết nói" này, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo lẫn nhau, tạo một kênh đo lường, giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; giúp lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống.

Những hệ thống này góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số. Bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp, trong đó Cổng Dịch vụ công quốc gia là một kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. “Chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một Việt Nam số” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các bộ, các địa phương, cơ quan phải tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số gắn quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng, thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. Thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ.

Riêng với Cổng Dịch vụ công quốc gia, phải hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Thủ tướng yêu cầu các công ty công nghệ thông tin, đặc biệt là các Tập đoàn VNPT, Viettel tiếp tục cố gắng vươn lên, đồng hành, góp phần giúp các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp trong xây dựng Chính phủ số, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, an toàn, an ninh nhất, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ của các hệ thống.

Các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích. Thông tin dữ liệu cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất; đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trúc  Ly

Tính đến ngày 18.8.2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; trên 58 triệu lượt truy cập; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trên trạng thái cổng, hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng. Trung bình mỗi ngày, cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến, hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống thanh toán trực tuyến mới đưa vào vận hành từ tháng 3.2020 nhưng cũng đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó, số lượng giao dịch từ tháng 7 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch. Đặc biệt, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (ngày 9.12.2019), đến nay là thời điểm đánh dấu mốc 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tin cùng chuyên mục