Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 12.3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chủ trì buổi lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia bằng hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Ngày 12.7.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28 quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.
Hiện nay, 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để xây dựng, ban hành Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, an toàn hiệu quả, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử của ASEAN, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng lộ trình nêu trong Quyết định số 28, trước hết là ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Khắc phục tình trạng một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy tờ nhưng không nhận được văn bản điện tử, đẫn đến việc phải đợi văn bản điện tử để tiếp nhận, xử lý.
Các địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để trong giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên Trục liên thông quốc gia.
Vũ Nguyệt