Dương Kinh là kinh đô thứ hai sau khi giành được ngôi hoàng đế, nhường ngôi cho con, Mạc Đăng Dung xây dựng trên quê hương mình. Đây từng trở thành đô thị đầu tiên của Hải Phòng và là đô thị ven biển đầu tiên của người Việt.
Dương Kinh là kinh đô thứ hai sau khi giành được ngôi hoàng đế, nhường ngôi cho con, Mạc Đăng Dung xây dựng trên quê hương mình. Đây từng trở thành đô thị đầu tiên của Hải Phòng và là đô thị ven biển đầu tiên của người Việt.
Theo sử sách, nhằm thực hiện chính sách cải cách kinh tế nông nghiệp, mở mang công thương nghiệp, sản xuất hàng hoá, xây dựng nền kinh tế hướng ra biển, ngoài kinh thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung còn tạo dựng sự sầm uất ở Cổ Trai quê hương ông và Dương Kinh, kinh đô thứ hai có vị thế gần biển, sông với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long, Hội An nhộn nhịp.
Quy mô thực sự của thành Dương Kinh
Dương Kinh được xây dựng năm 1529. Tuy nhiên, quy mô thực sự của nó như thế nào vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Trong sách Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn nhắc đến Dương Kinh như sau: tháng này (tức tháng 6.1527), Đăng Dung vào kinh thành, ngự nơi chính điện, tế yết Nam Giao, đặt Hải Dương là Dương Kinh, lập cung điện ở Cổ Trai.... Căn cứ vào đây có thể thấy Dương Kinh khá rộng bao gồm toàn bộ xứ Hải Dương xưa (gồm cả Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một phần Thái Bình ngày nay).
Tuy nhiên, sau này, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: Nhà Mạc đặt Nghi Dương làm Dương Kinh, trích lấy phủ Thuận An thuộc trấn Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam cho lệ vào Dương Kinh... Cũng theo sách này, huyện Nghi Dương đã có từ thời Lê sơ, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) định bản đồ cả nước thì huyện Nghi Dương thuộc về phủ Kinh Môn, Hải Dương.
|
Khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc xây trên nền thành Dương Kinh hơn 500 năm trước. |
Trong khi đó, theo sử cũ, Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương. Mà làng này, xưa (thế kỷ 15, 16) có vị trí khá bằng phẳng, gần biển, gần sông nên rất thuận tiện giao thương đường thủy. Trước mặt làng có sông Đa Độ bắt nguồn từ cửa sông Văn Úc, xuôi về Thăng Long. Tương truyền, tại bến đò của làng có quán hàng nước của thân mẫu Mạc Đăng Dung (vị vua mở đầu triều Mạc). Bà sống hiền lành, cơ chỉ và không ham của cải, nên một thầy địa lý giỏi đã trả ơn bằng cách đặt mộ cha Mạc Đăng Dung ở Gò Gạo, là đất đế nghiệp... vì thế Mạc Đăng Dung mới có cơ trở thành đế vương sau này.
Như vậy, giả thuyết Dương Kinh xưa chính là huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương có tính thuyết phục hơn.
Kinh đô thứ hai của nhà Mạc
Cũng giống như các triều vua trước, mỗi khi lập được đế nghiệp thường hướng về quê hương nơi phát tích, nơi có nhà cửa, dòng họ và lăng mộ tổ tiên, nhà Mạc ngay khi mới lên cầm quyền đã hướng về Cổ Trai - Dương Kinh. Song, Dương Kinh không chỉ là quê hương, căn cứ địa, là nơi có lăng phần liệt thánh để tôn vinh dòng họ, mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Vương triều Mạc, nó nổi lên như một kinh đô thứ hai có ý nghĩa sống và mang tính chất như một đô thị ven sông, ven biển đầu tiên của Việt Nam. Chính vì vậy, quy mô và kiến trúc của thành cũng được đặc biệt chú ý.
Dương Kinh có hệ thống cung điện, lầu các có quy mô đồ sộ như: Các Dương Tự, điện Tường Quang, Phúc Huy, phủ Quốc Hưng, đồn binh, kho lương, và cả một trường Quốc học song song với Quốc Tử Giám tại Thăng Long. Ngoài ra, nhà Mạc còn cho xây dựng một số thương cảng trên bến, dưới thuyền, làm nơi giao lưu hàng hóa như phố Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha.
Ngoài những công trình kiến trúc chính, phục vụ sinh hoạt và thiết triều, các lăng mộ ở Cổ Trai cũng được chú trọng xây dựng, sửa chữa. Mạc Đăng Dung đã cho sửa mộ cha thành lăng, tôn thân phụ làm Chiêu Tổ Quang Lịêt Cơ Mệnh Hoàng đế, thân mẫu Đặng Thị làm Hoàng Thái hậu. Thân mẫu của Đăng Dung khi mất được mai táng ở Thuỵ Lăng, bản thân Mạc Đăng Dung khi mất được mai táng ở Long Sơn, gọi là An Lăng. Đến thời Lê Quý Đôn, khu lăng mộ nhà Mạc ở Cổ Trai được gọi là xứ Mả Lăng...
Tiếc rằng, đến năm 1592, sau khi đánh bại nhà Mạc, chúa Trịnh Tùng đã đem quân đốt phá, san phẳng các cung điện, bia đá tại Dương Kinh và thủ tiêu các di tích nhà Mạc khắp nơi, truy lùng tiêu diệt con cháu nhà Mạc. Dấu tích một kinh đô trước biển gần như bị xóa hết. Thật may, việc "tái hiện" kinh đô này đã được thực hiện nhằm chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Vì thế, tháng 12.2010, thành Dương Kinh phần nào phục dựng với các hạng mục gồm các nhà điện, cổng chào, lầu bát giác, cầu đá, hồ sen... và một cái tên mới: Khu tưởng niệm các vị vua nhà Mạc.
K.D (st)