Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khảo cổ Bến Đình
Thứ năm: 21:21 ngày 02/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cho đến nay, gò Bến Ðình đã trở lại bình thường như chưa từng có cuộc khai quật khảo cổ trên gò từ giữa tháng 10 đến tuần đầu tháng 12.2019. Chân gò vẫn xao xác tầm vông. Ðỉnh gò vẫn hiên ngang những cây dầu vững chắc, tán lá mướt xanh cao vút giữa lưng trời.

Trước mặt gò, bên kia cây cầu hiện đại trắng loá màu bê tông vẫn dâng lên lừng lững khối chóp nón xanh lam của núi Bà Ðen. Là bởi sau khi đã “khui ra” kho báu dưới lòng gò, những người làm công tác khảo cổ đã đo đạc, vẽ ghi tỉ mỉ lại từng vị trí, chi tiết kiến trúc các công trình vừa phát lộ, rồi thận trọng lấp di tích trở lại với môi trường cũ. Mà cái việc “lấp lại” này cũng phải tuân thủ một quy trình khe khắt.

Thoạt tiên phải quét dọn sạch sẽ, nhặt từng chiếc lá rơi hay cọng rác, để không cho lẫn vào một vật thể mới nào của ngày nay. Xong, lấp phủ bao kín các di vật bằng vải Ðịa kỹ thuật, vừa bảo vệ bề mặt, vừa dễ dàng thẩm thấu nước và không khí trong môi trường tự nhiên như trước. Sau đó mới lấp lại bằng đất của chính các hố được đào lên, nhằm để di tích tiếp tục nối dài đời sống âm thầm trong lòng đất đã quá một thiên niên kỷ.

Gò miếu Bà Bến Đình.

Tất cả đã lại như xưa. Trầm mặc bóng rừng chở che ngôi miếu cổ, để xuân sang tết đến người dân trong ngoài huyện Bến Cầu đến miếu cúng Bà. Miếu bây giờ cũng đã có chút ít khác xưa. Bên trong đã có thêm tượng bà Linh Sơn bên cạnh bà Chúa xứ; bên ngoài có thêm tượng bà Quan Âm với cặp voi chầu.

Như xưa! Nhưng đã không còn cảm giác như xưa khi đi lại trên gò. Ðấy là với những người đã trực tiếp tham gia cuộc khai quật quy mô vừa qua, và cả với những người đã được xem các di chỉ người xưa để lại trong các hố đào vừa lấp lại.

Vâng, với chỉ 6 hố đào trên diện tích 325m2, mà như có cả một nền văn minh vừa thức dậy. Từng viên gạch vẫn hồng hào sắc lửa. Từng chi tiết chạm khắc hoa văn sáng rỡ long lanh như hoa nở dưới mặt trời. Vậy mà trên cả ngàn năm rồi chúng cứ âm thầm sống trong lòng đất. Ðể rồi khi hé lộ, lại tươi ròng như thể mới sinh ra.

Chỉ 6 hố đào thôi, mà hố nào cũng là cả một kho tàng mồ hôi nước mắt, cả tài hoa và tinh anh sáng tạo của người xưa. Hố lớn nhất vuông mỗi chiều 10 mét là nguyên vẹn một móng nền tháp cổ. Cũng giống như các đền tháp Tây Ninh đã có ở Chót Mạt (Tân Biên), Cổ Lâm (Châu Thành) và Bình Thạnh (Trảng Bàng). Tháp toàn bằng gạch, những viên gạch nung còn rắn chắc, óng ánh hai sắc đỏ, vàng hoặc đã trầm nâu như đất chưa nung.

Kể cả các bậc thềm tam cấp cũng được xây, chạm khắc hình ngọn lá bồ đề. Và chân trụ cửa vẫn xoáy tròn, mà cánh cửa đã đi đâu mất. Nếu là gỗ thì chắc đã tiêu tan cả rồi! Chỉ còn lại những vết tròn chân trụ cửa hoặc chân cột xoáy tròn vào lòng các khối xây bằng gạch cổ. Ðây đó cũng còn cả đá. Có tấm vuông cả mét mỗi chiều, như còn xanh màu đá núi Bà.

Có tấm ngạch cửa lại được mài bóng như là sa thạch, loáng ướt một màu xanh lơ như mặt nước hồ thu. Còn lại đâu đâu cũng là gạch cổ. Gạch xây nhiều kích cỡ không đều, lớn hoặc nhỏ hơn kích cỡ trung bình là 30x16x6cm. Ðiều đặc biệt nhất là cấu trúc viên gạch, hầu như tất cả đều làm theo kiểu “bánh chưng”. Bên trong phần nhân đều đã cháy đen, còn phần vỏ bánh vẫn là đất nung màu vàng nhạt hay còn tươi đỏ.

Tại một vách hố được xắn thẳng qua một vỉa gạch đổ nghiêng, hàng trăm viên gạch được cắt ngang đều giữ trong lòng một màu đen huyền hoặc ấy. Liệu đây có phải là bí quyết giữ cho đời sống dài lâu của viên gạch cổ tới ngàn năm?

Vẽ lại từng di tích. Ảnh: Hồng Thắm

Gạch và gạch, dù lành hay vỡ. Ðã có hàng ngàn viên được moi lên từ các hố đào, nhưng đấy chỉ là phần các công trình xưa đã đổ vỡ. Còn biết bao gạch nữa vẫn nằm trong các hố khai quật còn nguyên vẹn hình thù các khối xây. Có cảm giác như nơi đây là cả một kho gạch cổ.

Bởi người dân ấp B, xã Tiên Thuận và chung quanh còn cho biết, họ đã từng đào để xây nhà cửa; thậm chí có ông chủ lò đường còn “khai thác” để xây lò trong những năm sau 1975, đất nước còn nhiều gian khó. Mà đây chính là loại gạch huyền thoại xưa mà dân gian từng quen gọi là “gạch Chăm”. Vì từ chúng, người xưa đã xây nên các ngôi tháp cổ, đứng vững chãi trên mặt đất cả ngàn năm cho tới bây giờ, ở Bình Thạnh hay Chót Mạt.

Xây mà không cần mạch vữa. Chỉ như chồng xếp khít lên nhau rồi gắn kết vào nhau. Ðiều kỳ diệu ấy vẫn còn hiện diện ở đây trên khắp mặt gò. Ngoài nguyên vẹn một nền móng tháp thì có nơi còn lại nguyên những bức tường dài, dày gần 1 mét; chỗ thì lộ diện những chân móng cột gạch xây, mỗi bề rộng dài trên 1 mét, cách đều nhau như những cột đình. Có hố lại phát lộ cả một góc phần tư ngôi tháp, với đủ các chi tiết kiến trúc lõm vào hoặc nhô ra trên từng khối xây đỏ au.

Ðặc biệt nhất là ở hố đào thứ 6, nguyên một góc tường tháp dày đặc những mảng phù điêu tuyệt tác. Ở đây dấu vết bàn tay các nghệ sĩ tài hoa còn để lại trên từng viên gạch. Ðấy là những đường gờ, chỉ; những hoa văn có chỗ lượn cong theo dáng hình lá bồ đề, chỗ lại dích dắc những đường kỷ hà ngang, dọc. Có chỗ từng viên gạch vuông được điêu khắc thành hình chiếc lá và hoa cúc. Tất cả đều sống động, xôn xao như vừa thức dậy sau giấc ngủ dài tới 1.000 năm…

Nhiều nhà khảo cổ đã có mặt ở đây - như PGS TS Bùi Chí Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, TS Nguyễn Khánh Trung Kiên- Giám đốc Trung tâm khảo cổ thuộc Viện KHXH vùng Nam bộ; hay Thạc sĩ Lê Hoàng Phong, cán bộ Trung tâm, được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc khai quật tại Bến Ðình…

Dù họ đã từng có mặt tại nhiều di chỉ ở Bắc, Trung, Nam nhưng vẫn thống nhất cho rằng đây là phát hiện khảo cổ học lớn nhất ở Tây Ninh từ trước tới nay. Theo nhận định ban đầu, đây là cả một quần thể đền tháp Hin-du giáo, và có lẽ cả dấu tích của Phật giáo. Trong ấy, có thể có một nhà dài kích thước 6x22m. Loại nhà này chưa từng xuất hiện trong các di chỉ khảo cổ học khác ở Tây Ninh, là nơi các tín đồ soạn sửa đồ lễ dâng lên cúng các vị thần linh.

Ngoài ra, phát lộ một công trình, tạm gọi là “tiền sảnh” của toàn bộ quần thể. So với kiến trúc dân gian, có thể nó gần với loại kiến trúc võ ca của miếu, đình Nam bộ. Các điều trên cho thấy, gò Miếu Bà Bến Ðình tàng trữ một di sản hiếm có chưa thể nhận diện được đầy đủ. Do vậy, vẫn cần một nghiên cứu quy mô tiếp theo. Vì, ngay cả ở bên kia con đường dẫn từ cầu đến thị trấn Bến Cầu, gạch cổ vẫn còn phát lộ, ngay dưới móng nền của một nhà dân- theo hướng từ gò ra tới bến sông.

Vẫn còn quá sớm để nói về “niên đại” của khu khai quật cuối năm 2019 tại Bến Ðình. Ðây là sự thận trọng cần thiết. Quyết định số 3320 ngày 30.9.2019 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Bến Ðình cũng ghi rõ: “Sau khi kết thúc đợt khai quật chậm nhất 3 (ba) tháng, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh và Trung tâm Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam bộ phải có báo cáo sơ bộ, và sau 1 năm (mới) phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản Văn hoá”.

Vậy bài báo này mới chỉ là những điều “mắt thấy, tai nghe” tại di tích Bến Ðình.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục