Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Uỷ ban Tư pháp Quốc hội:
Khảo sát tình hình chấp hành pháp luật tại Tây Ninh
Thứ tư: 05:55 ngày 16/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đoàn khảo sát đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong vấn đề triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, chống vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước một cách toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Luật- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 15.8, đoàn khảo sát của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội do ông Nguyễn Văn Luật- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an… đến làm việc tại Tây Ninh. Đoàn đã khảo sát tình hình chấp hành pháp luật trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang- Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến; ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp, Đoàn Luật sư, Uỷ ban MTTQVN tỉnh.

Báo cáo với đoàn khảo sát của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Đại tá Lý Hồng Sinh- Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, công tác điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu… còn gặp nhiều khó khăn, do có công văn của Toà án nhân dân tối cao cho rằng pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu được Luật Thương mại xác định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên không truy cứu trách nhiệm hình sự; công tác lập hồ sơ đưa đi cai nghiện đối với các đối tượng nghiện ma tuý còn chồng chéo do vướng các quy định, dẫn đến việc các đối tượng nghiện có hành vi càn quấy, quậy phá gây rối trật tự công cộng, đây thực sự là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tội phạm.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, CLB, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng ma tuý trong khu vực, phương tiện mình quản lý chỉ bị phạt hành chính; hình thức phạt bổ sung không đủ sức răn đe.

Đối với những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dù đã tăng mức xử phạt nhưng so với tình hình thực tế hiện nay, các biện pháp chế tài còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, địa phương rất khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Ông Lê Văn Lành- Viện trưởng Viện KSND tỉnh nêu lên những khó khăn, vướng mắc của ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: Một số quy định của pháp luật chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời, nên còn có nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tư pháp; việc áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội chậm được hướng dẫn thực hiện, gây khó khăn trong nhận thức và áp dụng.

Bên cạnh đó, tình hình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng góp hụi đang diễn biến phức tạp, giá trị chiếm đoạt ngày càng cao, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chưa thống nhất quan điểm trong việc xác định hành vi, số tiền chiếm đoạt, trách nhiệm dân sự…

Công tác nhân sự quy định chồng chéo khiến cho vấn đề thực hiện nhiệm vụ ngày càng khó khăn được Chánh án TAND tỉnh Bùi Đức Xuân nêu: thực hiện theo chỉ tiêu trên giao, toà án hai cấp của tỉnh được phân bổ 294 biên chế, hiện còn thiếu 12 biên chế.

Trong khi đó, TAND tối cao lại có kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của ngành từ nay đến năm 2021, theo kế hoạch ngành toà án tỉnh phải tinh giản 10% (khoảng 29 người). Trong tình cảnh “thiếu trước hụt sau” về con người do phải giảm bớt số lượng thẩm phán thụ lý khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành toà án ngày càng khó khăn, vất vả hơn.

Một vấn đề nữa là toà tỉnh phải “biệt phái” cán bộ thẩm phán để nghiên cứu hồ sơ phụ Toà án cấp cao cũng được đặt ra để chỉ rõ những bất cập hiện nay của ngành mình.

Ông Lê Văn Tiễn- Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh cho biết, lượng án phải thực hiện rất lớn nhưng nhân sự không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều vụ án phức tạp, có trường hợp nhiều đương sự lợi dụng quyền khiếu kiện nhằm kéo dài việc thi hành án. Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của cơ quan THADS hiện rất cũ kỹ, nhiều nơi không có phòng tiếp công dân, kho bảo quản vật chứng…

Trong một ngày làm việc, đoàn khảo sát còn nghe nhiều ý kiến của đại diện Đoàn Luật sư tỉnh, Sở Tư pháp, Uỷ ban MTTQVN tỉnh về các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Luật chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan chức năng Tây Ninh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đoàn khảo sát ghi nhận kiến nghị của các cơ quan để chuyển đến Trung ương, Quốc hội nhằm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn để địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đoàn khảo sát đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong vấn đề triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, chống vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước một cách toàn diện.

Công tác phòng, chống tham nhũng được đoàn khảo sát ghi nhận đã đạt nhiều kết quả tích cực. Riêng công tác thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn do tồn tại nhiều vấn đề từ những năm trước, tuy nhiên, đoàn tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh tập trung vào những mặt hạn chế, có những giải pháp để xử lý rốt ráo, hy vọng công tác thi hành án sẽ đạt được những kết quả khả quan.

Đức An

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục