BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Khát nhân lực”, trở ngại lớn trên đường công nghiệp hoá

Cập nhật ngày: 02/04/2010 - 05:54

Sau Tết Canh Dần hàng loạt công ty ở Khu Công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất & công nghiệp Linh Trung III treo băng -rôn tuyển dụng lao động như… treo cờ hội. Dạo một vòng, đọc các thông báo tuyển dụng, ta dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về lao động có kinh nghiệm, có tay nghề và có trình độ ở nhiều vị trí tuyển dụng như: công nhân may có tay nghề, nhân viên kỹ thuật bậc 2/6 – 2/7, nhân viên bảo trì và vận hành máy, nhân viên quản lý sản xuất, nhân viên văn phòng, nhân viên xuất nhập khẩu… Thực sự thị trường lao động tại các Khu Công nghiệp Tây Ninh đang trong cơn “khát”, phải chăng là dấu hiệu báo động cho một cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

“Khát” nhân lực những tháng đầu năm

Thông báo tuyển dụng treo khắp tường rào khu công nghiệp

Để thu hút được lao động, các bảng thông báo tuyển dụng của nhiều công ty đập vào mắt người xem những thông tin hứa hẹn hấp dẫn như: lương thưởng cao, phúc lợi tốt, nhiều chế độ… Không những thế, một số công ty còn công bố thẳng mức lương trên bảng thông báo để tăng sức thu hút. Công ty TNHH Hansae TN có trụ sở tại Khu chế xuất & công nghiệp Linh Trung III đăng tuyển 1.000 công nhân may với mức lương 2,1 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông, mức 2,35 triệu đồng/tháng cho lao động có tay nghề và mỗi năm tăng một bậc lương, hưởng thâm niên từ năm thứ 2 với 100 ngàn đồng/tháng và cứ mỗi năm tăng thêm 25 ngàn đồng/tháng. Thậm chí công ty này phải đàm phán với các công nhân ở 1 chuyền may của công ty mẹ (công ty Hansae VN) trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi lên Tây Ninh làm việc với chế độ tăng sớm một bậc lương và bảo lưu toàn bộ quyền lợi đang được hưởng tại công ty cũ. Tuy nhiên, kết quả đàm phán cũng không đạt như kỳ vọng của họ. Theo lời ông Hùng -Trưởng phòng Nhân sự của Công ty Hansae TN, sở dĩ công nhân không chịu đến đây làm việc vì họ cho rằng Tây Ninh không đảm bảo được nhu cầu ăn ở và sinh sống lâu dài.

Đáng chú ý là có sự xuất hiện “tín hiệu cạnh tranh nhân lực” với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp do các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Các doanh nghiệp này cũng có nhiều “tuyệt chiêu” để thu hút nguồn lao động có tay nghề về phía mình. Trong số các băng rôn tuyển dụng treo trước cổng Khu công nghiệp Trảng Bàng có một công ty ở cụm công nghiệp Thanh Điền với những lời quảng cáo khá hấp dẫn. Do vậy, ngoài áp lực phải tuyển đủ nhân sự để hoạt động, các công ty trong các Khu công nghiệp còn phải “dồn sức” cho việc giữ lại nguồn nhân lực có tay nghề hiện có của mình.

Khả năng sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực

Hiện tượng “khát” nhân lực đầu năm chỉ mới là sự biểu hiện ban đầu của một cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực, và nó sẽ trở thành cái “phanh” kiềm hãm sự phát triển kinh tế của tỉnh trong hiện tại và cả trong tương lai.

Theo thông tin từ Ban quản lý các Khu công nghiệp Tây Ninh (TANIZA), dự kiến trong năm 2010 có khoảng 10 dự án đi vào hoạt động với nhu cầu nhân sự lên đến hàng ngàn lao động. Bên cạnh đó, tại 2 Khu Công nghiệp Trảng Bàng và Linh Trung III còn có khoảng 7 dự án đang xây dựng và 21 dự án đang tiến hành hoàn thành các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, 2 Khu công nghiệp mới của tỉnh ở An Hoà (Trảng Bàng) và Phước Đông (Gò Dầu) cũng đang chuyển động rất nhanh,  tổng diện tích 2 khu này có quy mô gấp 10 lần so với 2 khu sẵn có ở An Tịnh – Trảng Bàng. Khu Công nghiệp Bourbon - An Hoà đã tiếp nhận được 4 dự án theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011, Khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời cũng đang lên kế hoạch tiếp nhận dự án trong năm nay. Đó là chưa kể đến các công ty nằm rải rác trên khắp địa bàn tỉnh và các công ty đầu tư trong các cụm công nghiệp.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đều dành một lượng lớn diện tích đất để đầu tư phát triển Khu công nghiệp, nhưng hiện trong tình trạng tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Với vị trí địa lý hiện tại, Tây Ninh đang đối diện với sức ép cạnh tranh nguồn lao động từ phía các địa phương khác như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… do mức thu nhập trung bình ở các địa phương ấy tương đối cao hơn và các điều kiện sinh hoạt khác tốt hơn ở Tây Ninh. Bên cạnh đó còn có mức suy giảm nguồn lao động do lao động có xu hướng chuyển về làm việc gần nhà ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung... Rõ ràng bài toán nhân lực đối với hướng phát triển công nghiệp hoá của Tây Ninh đang trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Ngày nay, ưu thế về thu hút đầu tư của một địa phương không còn đặt nặng lên các yếu tố cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, dịch vụ hậu đầu tư… vì khoảng cách của các yếu tố đó giữa các địa phương đã thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây.

Sự tương quan giữa số doanh nghiệp đăng ký mới- doanh nghiệp đi vào hoạt động và nhu cầu lao động

Theo kết quả tổng hợp tại 2 Khu Công nghiệp Trảng Bàng và Linh Trung III, số lượng nhân viên từ cấp bậc quản lý và vận hành trở lên, phần lớn có mức thu nhập tương đối đa số là từ TP.HCM hoặc từ địa phương khác đến Tây Ninh. Vì vậy nhiều công ty phải tốn thêm chi phí đưa đón nhân viên lên Tây Ninh làm việc, không những thế nhiều doanh nghiệp còn cho biết đối với những vị trí như thông dịch, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên bảo trì và vận hành máy… thì tuyển dụng hết sức khó.

Bài toán nguồn nhân lực của Tây Ninh là giải quyết sự mất cân đối giữa việc thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu lao động có tay nghề, có trình độ? Trình tự giải bài toán này phải chăng nên bắt đầu từ việc tập trung cho công tác thu hút cho được một lượng lớn sinh viên đã và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận trở về tỉnh nhà làm việc. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư phát triển mới các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo nghề đang hoạt động để tạo ra sức mạnh tổng lực nhằm xây dựng một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn đủ sức phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà trong thời gian tới.

Thanh Nhân

 


Liên kết hữu ích