Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khen hay chê cũng không thể nói bừa
Thứ tư: 15:53 ngày 19/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách nay hơn mười ngày, trên trang cá nhân của một người từng hoạt động trong lĩnh vực báo chí đưa lên bức ảnh chụp đề kiểm tra môn Ðịa lý (không rõ của trường phổ thông nào). Trong đó, người này có những nhận xét nặng lời dành cho người ra đề kiểm tra kia.

Theo người này, việc trong một đề kiểm tra (môn Ðịa lý) ra 100% hỏi về nước Trung Quốc là có ý không tốt. Chủ tài khoản còn mạnh mẽ tuyên bố sẽ viết một loạt bài đăng trên báo chính thống! Bài viết thu hút hàng trăm bình luận phụ hoạ theo với nhiều sắc thái khác nhau nhưng chung một điểm: chửi giáo viên, lăng mạ ngành Giáo dục vì đến cái đề kiểm tra cũng không biết làm.

Sau đó ít ngày, một tài khoản Facebook khác mà nếu theo dõi thường xuyên thì có thể gọi đây là người “bảo vệ chế độ, bênh vực lẽ phải” đã lên tiếng về cái đề kiểm tra. Trên trang cá nhân, người này “phát hiện” rằng, cái đề kiểm tra này là hàng giả. Người này phân tích, nếu là đề kiểm tra thật, phía trên, góc trái của tờ giấy in đề sẽ có tên của Sở GD-ÐT, còn bên phải thì có dòng tiêu ngữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Người này còn nhận định, vì môn Ðịa lý chưa bao giờ thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên, tại sao trong đề kiểm tra lại ghi “ban tự nhiên”. Ðiều cốt lõi mà người này muốn nói là, những kẻ xấu đã cố ý tung ra món hàng “giả cầy” này để kích động dân chúng…

Câu chuyện nêu trên nói lên điều gì? Với sự thận trọng cần thiết, chúng tôi mạnh dạn khẳng định rằng, cả hai tài khoản này thiếu hiểu biết về giáo dục. Người đầu tiên nhận định, việc đề kiểm tra ra 100% câu hỏi về Trung Quốc thể hiện một thái độ, ý thức dân tộc không đúng đắn, không bình thường.

Thật ra, chính anh ta mới là người không bình thường, bởi vì bằng sự suy diễn vô căn cứ, người này đã quan trọng hoá, nâng quan điểm một cách không đúng với bản chất câu chuyện. Nguyên nhân do đâu? Có thể có nhiều yếu tố nhưng chắc chắn có một điều phải tính đến, đó là người này không nắm được chương trình giáo dục phổ thông! Trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Ðịa lý lớp 11, học sinh được học về các nền kinh tế lớn và những quốc gia phát triển trên toàn thế giới.

Tất nhiên, do khuôn khổ của chương trình, trong sách giáo khoa phần lớn trình bày về các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản,Trung Quốc, Nga, các quốc gia mới nổi trong khu vực Ðông Nam Á. Mỗi bài học thường được chia là 2 hoặc 3 tiết, tuỳ theo phân phối chương trình. Nói cho ngắn gọn, với thời lượng từ 2 đến 3 tiết học thì đó là một bài lớn, dài, khối lượng kiến thức nhiều.

Do vậy, nếu như có một giáo viên nào đó ra đề kiểm tra (trắc nghiệm) mà chỉ hỏi về một quốc gia, một nền kinh tế là hoàn toàn bình thường. Nếu muốn hệ thống câu hỏi phong phú hơn, tránh học sinh học tủ, người ra đề có thể đặt câu hỏi về nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong một đề kiểm tra. Nhưng việc giáo viên chỉ ra đề về một quốc gia cho học sinh làm bài cũng không sai, xét về nguyên tắc ra đề.

Cũng có trường hợp, một giáo viên dạy nhiều lớp, vì môn học này ít tiết nên trong một trường thường chỉ có hai giáo viên, do vậy, ở lớp này họ ra đề kiểm tra về Trung Quốc, sang lớp khác lại ra đề về Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga… là điều hoàn toàn bình thường. Vì thế, việc cho rằng, giáo viên “thiếu ý thức chính trị” là sự quy chụp vô căn cứ.

Trường hợp thứ hai, người nhân danh “bảo vệ chế độ và lẽ phải” cho rằng đề kiểm tra là hàng giả lại càng thiếu tri thức về giáo dục. Không phải cái đề kiểm tra nào cũng phải trình bày đầy đủ các thành phần theo thể thức. Ngoại trừ đề thi, đề kiểm tra do các cơ quan quản lý như sở giáo dục, phòng giáo dục ra thì sẽ in đầy đủ, đúng thể thức. Trường hợp nhà trường ra đề chung cho học sinh toàn trường làm thì hình thức văn bản cũng tương tự như trên.

Riêng đề kiểm tra định kỳ, nếu giáo viên ra đề, họ không nhất thiết phải làm rườm rà, chỉ cần xây dựng câu hỏi có chất lượng rồi in ra cho học sinh làm. Trên tờ giấy in đề do giáo viên ra rất hiếm người nào bỏ công đánh máy mấy dòng tiêu ngữ hay “cơ quan chủ quản”, vì nó không cần thiết. Những ai đã và đang làm nghề dạy học đều biết điều đơn giản đó.

Một điều quan trọng nữa, bằng câu hỏi “Ðịa lý là môn khoa học tự nhiên từ bao giờ” chứng tỏ anh ta không hề biết gì về chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình THPT hiện hành. Chương trình hiện hành là chương trình phân ban, trong đó có ban A, tức ban khoa học tự nhiên. Ðề kiểm tra môn Ðịa lý dùng cho ban này là từ sách giáo khoa cơ bản, không phải sách nâng cao. Nói rõ hơn, sách giáo khoa môn Ðịa lý được dùng cho ban A để phân biệt với sách (nâng cao) dành cho ban C, tức ban khoa học xã hội. Như vậy, môn Ðịa lý không phải là môn khoa học tự nhiên như “người bảo vệ” ngộ nhận.

Ðến đây, chuyện cái đề kiểm tra kia thật hay giả không còn quan trọng. Ðáng nói, bất kỳ ai, thành phần nào cũng có quyền tự do ngôn luận, có quyền và nghĩa vụ đóng góp ý kiến cho đất nước nói chung, một ngành nghề nào đó nói riêng. Nhưng sự đóng góp, trao đổi (từ sính dùng hiện nay là phản biện) phải trên cơ sở khoa học, đúng sự thật và điều quan trọng là am hiểu về lĩnh vực, chủ đề mình đang viết. Nếu không biết thì hỏi. Nghề báo là nghề đi hỏi. Người làm báo, làm thông tin, về cơ bản, chỉ là người đưa tin, không phải chuyên gia về một lĩnh vực nào đó, vì thế, không nên và không thể phán xét bừa bãi.

Ð.V.T

Tin cùng chuyên mục