Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khéo tính để thoát nghèo
Thứ sáu: 10:27 ngày 13/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không có đất sản xuất, sức khoẻ hạn chế do tuổi tác nên không thể tính chuyện làm ăn lớn nhưng họ vẫn tự tìm cho mình một phương cách phù hợp, vừa sức để cải thiện kinh tế gia đình.

Không có đất sản xuất, sức khoẻ hạn chế do tuổi tác nên không thể tính chuyện làm ăn lớn nhưng họ vẫn tự tìm cho mình một phương cách phù hợp, vừa sức để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ biết tính toán, lại chịu khó, không ít người đã thành công với sự chọn lựa ấy.

Ông Trần Ngọc Đệ, ngụ ấp 6, xã Suối Dây (Tân Châu) là một trường hợp như vậy. Đến nay công việc nuôi gà ấp trứng đã giúp cho cuộc sống gia đình ông ổn định hơn trước nhiều.

Ông Đệ bên lò ấp trứng

Là người gốc An Giang, ông Đệ lên Tây Ninh đã hơn 30 năm và cũng ngần ấy năm ông gắn bó với công việc chăn nuôi gà như một cái nghiệp. Lúc trước ông chuyên nuôi gà thịt, đàn gà lên tới hàng trăm con. Nhiều năm trước, ông Đệ cũng phải trải qua những cơn “khủng hoảng” vì dịch bệnh, vì bị lừa gạt mua nhầm gà kém chất lượng. Hai lần dịch bệnh đã ngốn của ông hết hai đàn gà gần đến kỳ tiêu thụ, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Ông mất trắng nhưng qua những lần thất bại đó ông đã rút ra được những bài học bổ ích cho mình. Thấy rằng nuôi gà thịt có phần “hiu” với một người ít vốn như mình, ông Đệ quyết định chuyển sang nuôi gà mái đẻ trứng, bán gà con. Công việc đang ngày càng tỏ ra có hiệu quả.

Hiện tại, mỗi ngày đàn gà mái 70 con của ông Đệ cho 25 quả trứng. Ông sắm hẳn 2 máy ấp trứng rồi vừa bán gà con vừa ấp trứng gia công. Trung bình 6 ngày, ông cho xuất 100 gà con với giá 12.000 đồng/con. Khách hàng chủ yếu là những nhà vườn quanh xóm. Gà của ông thuộc giống đẹp, to con lại được chủng ngừa đầy đủ, tỷ lệ hao hụt thấp nên được bà con ưa chuộng. Vì thế, gà xuất ra không đủ bán. Ngoài gà giống, trong lò nhà ông Đệ còn ấp và nuôi cút. 69 tuổi nhưng ông Đệ vẫn còn khoẻ khoắn, làm việc như không biết mệt mỏi là gì. Từ 4 giờ sáng ông đã thức cùng đàn gà cho đến tận tối.

Giống như gia đình ông Đệ, gia đình cô Nguyễn Thị Dạ, 57 tuổi, ngụ ấp 4, xã Suối Dây cũng không có đất sản xuất. Trước cô chỉ đi làm thuê cho người khác, thu nhập không được mấy. Hơn hai năm nay, cô tận dụng đất nhà và nguồn vốn ít ỏi để nuôi thỏ. Lúc đầu cô cũng chỉ định nuôi cho vui. Từ 6 con thỏ ban đầu dần dần cô Dạ đã phát triển đàn thỏ lên ngày một đông đúc. Hiện tại, trại thỏ của gia đình cô Dạ đã có gần 600 con, trong đó 500 con nuôi lấy thịt. Theo cô Dạ, nuôi thỏ công việc cũng nhẹ nhàng, phù hợp, kể cả với phụ nữ, vốn đầu tư cũng nhẹ. Thỏ sinh sản nhanh và liên tục trong nhiều năm. Thỏ lại ít bệnh vặt như những loại thú nuôi khác. Thỏ thịt nuôi trong vòng ba tháng là có thể xuất chuồng với trọng lượng 5 – 6kg. Thức ăn cho thỏ có thể tận dụng được từ những thứ dễ tìm ở địa phương như các loại rau, củ, cỏ. Mùa khô bổ sung thêm cám thức ăn. Xây cất chuồng trại cũng có thể tận dụng những thứ có sẵn ở địa phương như gỗ vụn, tre, tầm vông với giá thành vừa phải.

Cô Dạ và đàn thỏ nhà mình

Hiện tại, đầu ra cho thỏ thịt của gia đình cô Dạ là một nhà hàng ở Kà Tum. Cứ 10 ngày cô bán 10kg thịt làm sẵn với giá 100.000 đồng/kg. Ngoài ra cũng có lái ở xa đến đặt hàng. Thỏ hơi có thể bán cho các quán ăn, hộ gia đình với giá 70.000 đồng/kg. Thỏ giống khoảng 20 ngày tuổi được bán với giá 80.000 đồng/cặp. Với thu nhập từ thỏ, cuộc sống gia đình cô Dạ nay đã ổn định hơn trước rất nhiều.

NGÔ TUYẾT

 

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục