Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi các quyết sách chống dịch được người dân đồng thuận
Thứ năm: 12:49 ngày 30/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từng là “tâm dịch” của tỉnh, đến nay huyện Dương Minh Châu đã “xanh hoá” dần địa bàn. Có được kết quả đáng khích lệ này, nhờ vào sự đồng thuận của người dân trước những quyết sách của Đảng bộ, chính quyền huyện trong hơn 2 tháng “gồng mình” vượt khó.

Hiện tại, người dân huyện Dương Minh Châu đã bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống “bình thường mới”. Trên mỗi gương mặt, nụ cười đã trở lại sau những ngày căng thẳng, mọi sinh hoạt hằng ngày hoàn toàn bị xáo trộn. Đại dịch như một trận “lũ quét” tràn qua, gây không ít đau thương, mất mát.

Thời khắc “nước sôi, lửa bỏng”

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Có lẽ, ít có người dân nào ở địa phương từng là căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến quên được những gì đã diễn ra trong ngày 13.7.2021 - thời khắc “chấn động” khi ngành Y tế phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2, là một người phụ nữ bán bánh mì gần trung tâm huyện, không rõ nguồn lây.

Dù trước đó, ngày 9.7.2021, huyện Dương Minh Châu đã phát hiện ca F0 tại xã Lộc Ninh, nhưng ca F0 phát hiện ngoài cộng đồng ngày 13.7.2021 có tốc độ lây nhiễm khá nhanh, gây không ít lúng túng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Những ngày sau đó, ngành Y tế liên tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm cộng đồng. Huyện uỷ Dương Minh Châu xác định, một cuộc chiến mới đã bắt đầu - cuộc chiến chống kẻ thù vô hình Covid-19.

Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại, khi nhận được thông tin về ca nhiễm là người người phụ nữ bán bánh mì ở trung tâm huyện, ông đang dự họp về công tác phòng, chống dịch do tỉnh tổ chức.

Rà soát toàn bộ quá trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân bán đồ ăn sáng này, ông đánh giá tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Ngay sau đó, ông triệu tập Ban Thường vụ Huyện uỷ, chủ trì phiên họp đột xuất để nghe các ngành, đơn vị báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch của mình.

Trên tinh thần khẩn trương, huyện xác định quan điểm nhất quán “Chống dịch như chống giặc”, chủ động, sáng tạo, thực hiện phương châm “bình tĩnh, không chủ quan, không hoang mang, không kỳ thị”, nhất là phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đặc biệt, các Uỷ viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp đến địa bàn phụ trách nắm tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phòng, chống dịch.

Để bắt đầu “một cuộc chiến” mới, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, sàng lọc, truy vết, toàn huyện áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ 15.7.2021 - hai ngày sau khi phát hiện ca F0 là người phụ nữ bán bánh mì. Dương Minh Châu cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 với quyết tâm cao nhất, để dập dịch.

Theo bà Hà Thị Huế Nhung - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Suối Đá, khi đó, huyện được xác định là “tâm dịch” của tỉnh, xã được xem là “tâm dịch” của huyện khi số ca F0 tăng lên từng ngày, truy vết đến đâu phát hiện ca nhiễm đến đó, tăng hàng chục ca mỗi ngày. Đơn cử như ngày 17.7 và 18.7, xã Suối Đá phát hiện hơn 40 ca nhiễm/ngày, gần như 7/8 ấp của xã đều có ca F0 cộng đồng.

Lo lắng, nhưng cấp uỷ, chính quyền địa phương xác định, lộ trình, hướng đi đều thực hiện đúng theo chỉ đạo. Mỗi khi có thông báo về một ca F0, Đảng uỷ, chính quyền xã hội ý nhanh để phân tích lý lịch, mối quan hệ, công việc hằng ngày nhằm đánh giá mức độ lây lan, tiếp xúc của đối tượng, từ đó xác định hướng truy vết, xét nghiệm nhanh. Gần như từng trường hợp nhiễm bệnh đều được rà soát kỹ càng và quyết định nhanh sẽ xử lý theo hướng nào, phong toả ở đâu, bao nhiêu người.

Phát huy vài trò nòng cốt của đảng viên, của người đứng đầu, Đảng uỷ xã phân công cụ thể công việc của từng thành viên, đặc biệt các đảng viên phải là người đi đầu, “xắn tay” vào công việc cụ thể một cách tích cực nhất.

Lực lượng y tế mỏng, nhân sự thiếu, việc truy vết đòi hỏi nhanh, thần tốc nên hầu như tất cả lãnh đạo xã đều phải ở tuyến đầu. Cùng với sự giúp sức của các tổ chức trong và ngoài địa bàn huyện, công tác truy vết, xét nghiệm được đẩy nhanh tốc độ hết mức có thể. Lãnh đạo chủ chốt cũng dẫn đầu các đội truy vết, phong toả thực hiện việc xét nghiệm nhanh tại các địa bàn nóng, trọng điểm.

Hơn 2/3 cán bộ, đảng viên và nhân viên của xã tình nguyện ở lại trụ sở hơn 2 tháng để tham gia phòng, chống dịch. “Hơn 60 ngày gần như không ngủ, công tác truy vết từ sáng sớm đến 2,3 giờ sáng hôm sau, bộ máy hoạt động hết công suất, từ Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư đến các đảng viên, người lao động, các Trưởng ấp làm việc 200% sức lực của mình” - Phó Bí thư Đảng uỷ Hà Thị Huế Nhung cho biết thêm.

Ngoài truy vết nhanh, công tác chăm lo cho người dân khó khăn cũng được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các tổ chức-chính trị xã hội được huy động, Đoàn thanh niên tham gia các đội truy vết, phong toả; Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc… vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế, tham gia nấu ăn hằng ngày cho các chốt kiểm dịch, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch của xã.

Đó là khoảng thời gian đầy cam go, khó khăn vất vả nhưng luôn được sự chung tay của từng cá nhân, thống nhất một ý chí, hành động. Đôi lúc có sự lúng túng với công việc chưa có tiền lệ này nhưng Đảng uỷ xã Suối Đá đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt công việc chống dịch, trả lại sự bình yên vốn có cho nhân dân.

Đảng viên trẻ trên mặt trận chống dịch

Bí thư Đảng uỷ xã Phước Ninh Kim Thị Minh (bìa trái) tặng quà Trung thu cho thiếu nhi địa phương.

Cùng như các địa phương khác, xã Phước Ninh thể hiện quyết tâm cao nhất trong thời điểm toàn huyện bước vào cuộc chiến không ít đau thương, mất mát này. Bí thư Đảng uỷ xã Kim Thị Minh cho rằng, để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, việc đầu tiên là phải bảo đảm cuộc sống của người dân, quyết định cho sự thành công trong việc thực hiện yêu cầu “ai ở đâu ở yên đấy” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đảng uỷ xã phân công các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội, mỗi đơn vị phụ trách một ấp để chăm lo người dân. Các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã cũng được quán triệt, giao nhiệm vụ theo dõi việc chấp hành các quy định về cách ly của người dân trên địa bàn mình phụ trách, tìm hiểu những hộ gia đình khó khăn để kịp thời hỗ trợ.

Với tinh thần này, hàng loạt các mô hình hoạt động của đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội như: Mặt trận Tổ quốc với “chuyến xe nghĩa tình”; Xã đoàn với “chuyến xe xanh”; Hội phụ nữ với “chuyến xe 0 đồng”… đã ra đời, kịp thời chăm lo cuộc sống cho người dân vùng phong toả.

Nữ Bí thư thế hệ 8X chia sẻ thêm, hằng ngày khi xác định truy vết, phong toả khu vực nào, việc đầu tiên là các đoàn thể chuyển nhu yếu phẩm xuống cho người dân trước, sau đó mới bắt đầu truy vết. Việc cung cấp nhu yếu phẩm có sự kiểm tra, giám sát của các Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ xã được phân công theo dõi trước đó. Số nhu yếu phẩm sẽ được bổ sung kịp thời để không sót trường hợp nào, đảm bảo toàn bộ người dân vùng phong toả, xét nghiệm có đủ lương thực, thực phẩm.

“Khi phát hiện còn sót hộ nào khó khăn, không có lương thực, đảng viên phụ trách nơi đó sẽ chịu trách nhiệm nếu không báo cáo. Do việc xét nghiệm phải chờ kết quả nên ít nhất người dân phải đủ lương thực, thực phẩm dùng trong 3 ngày, để người dân yên tâm, hợp tác cùng chính quyền” – Bí thư Đảng uỷ xã Kim Thị Minh khẳng định.

Cứ thế, dù việc phong toả, truy vết sẽ ít nhiều gây sự xáo trộn, khó khăn nhưng người dân ở địa phương này luôn đồng thuận rất cao.

Hơn 2 tháng chống dịch, lượng hàng hoá, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế được địa phương vận động ước hơn 3 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của huyện, đảm bảo 100% người dân của xã không bị thiếu ăn trong những ngày giãn cách xã hội. Đặc biệt, sự chung tay, giúp sức của nhiều người dân trong xã đã phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

Bí thư Đảng uỷ xã Phước Ninh đúc kết, sự đồng lòng từ hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân khi được giải thích, lắng nghe và chăm lo đầy đủ, kịp thời đã giúp công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả khả quan.

Đoàn viên thanh niên tình nguyện huyện Dương Minh Châu tham gia công tác truy vết

Với Trần Thạch Cương - Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện, đợt phòng, chống dịch cao điểm vừa qua là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Là một đảng viên trẻ, xác định rõ vị trí, vai trò của mình, anh đã cùng đoàn viên, thanh niên bám trụ tại Huyện đoàn; ứng trực tại các điểm chốt phòng chống dịch của huyện, tham gia đội xét nghiệm, truy vết, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân khu phong toả, cách ly, đặc biệt là các em học sinh, mô hình “áo xanh đi chợ”… Đoàn viên, thanh niên huyện luôn có mặt trên mọi mặt trận xung kích, phát huy tối đa sức trẻ, đặt biệt là những đảng viên trẻ, vai trò nêu gương càng được phát huy mạnh mẽ.

Có những hôm, mạnh thường quân tặng thanh long, dự kiến hơn 12 giờ đêm sẽ đến, cả nhóm phải thức chờ. Di chuyển trong thời điểm giãn cách rất khó khăn, gần 3 giờ sáng xe của mạnh thường quân mới đến được Huyện đoàn, anh cùng các bạn đoàn viên, thanh niên khuân vác số thanh long xuống xe đến hơn 5 giờ sáng, rồi lại chia nhỏ, đưa lên các xe tình nguyện, bắt đầu đi trao tặng cho người dân.

Tinh thần đoàn kết vượt khó cũng được lực lượng thanh niên huyện Dương Minh Châu thể hiện qua từng hành động, sự sẻ chia. Chẳng hạn ở các địa phương, việc tổ chức nhiều hoạt động là cơ sở để các đơn vị thi đua cuối năm, nhưng trong mùa dịch này, nơi nào còn khó khăn thiếu thốn, lực lượng đoàn viên san sẻ, tiếp sức nhau vượt qua, bỏ qua hết sự tính toán hơn thua với mục tiêu duy nhất, giúp đỡ người dân khó khăn của huyện mình.

Cứ như thế, hơn 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên đã tham gia, chung sức cùng Huyện uỷ Dương Minh Châu, góp công sức nhỏ bé của mình cùng các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Hơn 2 tháng căng thẳng, Huyện uỷ Dương Minh Châu đã ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo. Ngoài ra, các Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ liên tục kiểm tra, lãnh đạo chỉ đạo hằng ngày, hàng giờ đối với các địa phương được phân công, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thực thi các nhiệm vụ được giao về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục