BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khi cháu nội kiện bà giành đất!

Cập nhật ngày: 17/04/2010 - 05:45

Một trường hợp bà cháu phải ra toà vì tranh chấp đất đai (ảnh minh hoạ)

Bà lão khắc khổ tay cầm lá đơn đến UBND xã T, huyện H yêu cầu UBND xã giải quyết, can thiệp đứa cháu nội mà bà nuôi nấng từ nhỏ lại ngược đãi bà, thậm chí còn đứng ra tranh chấp phần đất bà đang ở. Đứa cháu cho rằng nó có quyền trong phần đất mà bà có công tạo lập và yêu cầu bà phải chia một phần đất, nếu không thì nó ngăn cản không cho bà sang nhượng phần đất trên.

Bà tên là Nguyễn Thị Nghĩ, 84 tuổi, cái tuổi mà đáng lý ra phải được an hưởng tuổi già. Thế nhưng cái khổ luôn đeo bám theo bà gần suốt cuộc đời. Trước đây, hồi còn trẻ khi bà lập gia đình, bà cũng có một gia đình đầm ấm như bao nhiêu gia đình khác. Lần lượt ba đứa con chào đời nhưng đến khi vừa sinh đứa con trai út thì ông cụ qua đời. Thằng con út chẳng may bị câm điếc bẩm sinh, gánh nặng lại đè lên đôi vai của bà. Bà chấp nhận số phận nghiệt ngã để nuôi dạy ba người con, nhưng cái khổ vẫn chưa buông tha cho người đàn bà ấy. Người con trai lớn sau khi có gia đình thì đột ngột qua đời, bà phải bồng đứa cháu nội chưa tròn một tuổi về chăm sóc. Nỗi đau mất con chưa nguôi thì đến lượt người con gái kế tiếp của bà lại ra đi sau một vụ tai nạn. Chỉ còn lại ba bà cháu đùm bọc yêu thương lẫn nhau vượt qua khó khăn cuộc sống. Dù nghèo bà vẫn nuôi dưỡng đứa cháu nội khôn lớn. Khi đến tuổi trưởng thành, người cháu nội của bà thấy gia đình khó khăn nên xin đi làm công nhân. Đi làm được vài tháng thì đứa cháu nội bà lập gia đình, theo chồng. Bà vui mừng khi thấy cháu mình được yên bề gia thất. Nhưng theo chồng chưa tròn tháng thì cháu nội bà lại dẫn chồng quay về sống cùng bà. Lúc này, không hiểu do đâu từ một người cháu ngoan hiền, cháu nội bà trở nên hung hăng, thường xuyên nhục mạ, thậm chí đánh đập. Việc này được bà con hàng xóm và ông Tổ trưởng tổ tự quản khu vực xác nhận. Gần đây, do bà thường xuyên đau bệnh mà không có ai lo thuốc thang, bà dự định sang nhượng phần đất để trị bệnh và đem một phần tiền gửi tiết kiệm cho thằng con trai út khi bà qua đời. Thế là đứa cháu nội bắt đầu đứng ra ngăn cản, tranh chấp, cho rằng cô ta cũng có phần trong mảnh đất của bà.

Sau khi nhận đơn, UBND xã T tiến hành xác minh nhận thấy những gì bà Nghĩ trình bày là đúng. UBND xã tiến hành mời bà Nghĩ và đứa cháu nội đến hoà giải. Tại buổi hoà giải, dù được các thành viên Hội đồng hoà giải xã là những cô chú lớn tuổi công tác tại các đoàn thể địa phương khuyên bảo, giải thích về pháp luật lẫn đạo đức làm người, nhưng đứa cháu nội vẫn một mực cho rằng mình có quyền định đoạt đối với phần đất của bà nội mình. Không những thế, cô ta còn thách thức lớn tiếng đối với những ai dám sang nhượng mảnh đất của bà Nghĩ? Vị chủ tịch Hội Người cao tuổi đã hỏi đứa cháu vì sao không chăm sóc, lo lắng mà ngược lại còn ngược đãi bà nội mình- người có công chăm sóc nuôi dưỡng mình từ nhỏ. Không một chút suy nghĩ, đứa cháu nội trả lời rằng do bà nội mình thường xuyên la rầy nên cô ta đánh cho bà khỏi la rầy nữa (?!). Do hoà giải không thành, vụ việc của bà Nghĩ được chuyển đến toà án huyện giải quyết.

Do rất quan tâm đến vụ việc trên nên khi toà án mở phiên toà xét xử, tôi và nhiều người khác đã đến dự khán. Hình ảnh bà lão tuổi ngoài 80 mà còn phải đáo tụng đình để chờ bản án xét xử vụ cháu nội mình đứng ra tranh chấp phần đất do chính bà tạo lập, thật đáng thương! Bản án rồi cũng được toà án tuyên. Toà bác yêu cầu tranh chấp chia phần đất của đứa cháu nội, đồng thời toà cũng ghi nhận việc bà Nghĩ hỗ trợ cho đứa cháu nội số tiền 10.000.000đ. Mọi người dự khán đều đồng tình với bản án. Nhưng điều làm mọi người cảm thông hơn là tình thương của bà dành cho người cháu. Dẫu biết rằng đứa cháu không có quyền tranh chấp tài sản với mình nhưng bà lão vẫn tự nguyện hỗ trợ một số tiền, dù rằng trước đó không lâu đứa cháu này từng hành hạ, ngược đãi bà.

TẤN HƯNG