Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi vai trò của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được phát huy
Thứ tư: 05:29 ngày 13/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với vai trò và chức năng của mình, Ban GSĐTCĐ thực hiện giám sát từ việc chuẩn bị đầu tư; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư; theo dõi tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các công trình, dự án…

Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) thực hiện công việc giám sát tại công trình xây dựng.

Theo đánh giá của UBMTTQVN tỉnh, thời gian qua, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) ngày càng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Để phát huy tốt vai trò của đội ngũ này, những năm qua, UBMTTQVN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo MTTQVN các cấp tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền địa phương thành lập, củng cố và kiện toàn Ban GSĐTCĐ. Nhờ vậy, các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng nhìn chung cơ bản bảo đảm chất lượng, bàn giao đúng tiến độ- đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.

PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban GSĐTCĐ. Những năm qua, qua hoạt động của ban giám sát, quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý, điều hành xã hội, góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương đã được thực hiện hiệu quả.

Tất cả các dự án xây dựng trên địa bàn đều đưa ra bàn bạc dân chủ, thống nhất ý kiến của mọi người trước khi khởi công xây dựng. Với vai trò và chức năng của mình, Ban GSĐTCĐ thực hiện giám sát từ việc chuẩn bị đầu tư; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư; theo dõi tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các công trình, dự án…

Theo UBMTTQVN tỉnh, trong năm 2017, các Ban GSĐTCĐ trong tỉnh đã giám sát 680 cuộc, sau giám sát đã kiến nghị đến các cấp, các ngành 171 nội dung liên quan đến chất lượng thi công, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết...

Trong đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết 170 nội dung- đạt 99%. Qua đó, một số trường hợp gây lãng phí, thất thoát vốn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và môi trường sống của cộng đồng được giải quyết kịp thời. Ngoài ra, hoạt động giám sát đã góp phần nâng cao trách nhiệm của đơn vị thi công trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng, hạn chế các khiếu nại, bức xúc phát sinh từ cơ sở. 

Thông qua Ban GSĐTCĐ, các công trình đường giao thông nông thôn ngày càng bảo đảm chất lượng và thời gian quy định. Đặc biệt, “khi quyền làm chủ của người dân được phát huy, sẽ không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” như trước kia”, một người dân vui mừng chia sẻ.  

Theo bà Hà Thị Huế Nhung- Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Dương Minh Châu, trong năm 2017, các Ban GSĐTCĐ trên địa bàn huyện đã thực hiện 214 cuộc giám sát/89 công trình, qua đó đã phát hiện một số sai phạm như gạch lót nền bị nứt, vách tường bị nghiêng, cống nước đặt sai vị trí, chất lượng đất xây dựng đường giao thông kém… kịp thời đề nghị các đơn vị thi công khắc phục. 

Ban GSĐTCĐ xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, Ban đã giám sát 52 công trình, trong đó có 16 căn nhà đại đoàn kết, 4 nhà văn hoá ấp, 3 trường học và 29 tuyến đường giao thông nông thôn. Trong quá trình giám sát, Ban GSĐTCĐ phát hiện độ cao lớp bê tông không đồng đều, nhiều khu vực bề mặt đường không bằng phẳng… kịp thời kiến nghị chính quyền xử lý, bảo đảm chất lượng công trình.

CẦN TĂNG CƯỜNG KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Hoạt động của Ban GSĐTCĐ ở các địa phương ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều trưởng ban băn khoăn, cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập về chế độ dành cho công việc tương đối “nhạy cảm” này. Cụ thể là mức kinh phí được xã phân bổ thường không đủ chi, từ đó, có nhiều việc khó thực hiện, dù các thành viên rất tận tâm.

Theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30.9.2015, của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, quy định mức hỗ trợ hoạt động của Ban GSĐTCĐ xã, phường, thị trấn tối thiểu 5 triệu đồng/năm. Nhưng trên thực tế, mức kinh phí hỗ trợ các hoạt động giám sát ở nhiều nơi chưa bảo đảm theo quy định. Qua thống kê của UBMTTQVN tỉnh, trong năm 2017, các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí hỗ trợ cho Ban GSĐTCĐ dao động từ 1,3 - 4 triệu đồng, trong đó có khoảng 70/95 địa phương hỗ trợ dưới 2,5 triệu đồng/năm. Hiện nay chỉ có 1 xã bảo đảm đúng mức kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng/năm cho hoạt động của Ban GSĐTCĐ.

Về vấn đề kinh phí, ông Đặng Xuân Lãnh- Trưởng Ban Dân chủ pháp luật UBMTTQVN tỉnh cho biết, vừa qua, UBMTTQVN tỉnh đã gửi văn bản đến UBND tỉnh đề nghị cho ý kiến về mức kinh phí hỗ trợ cho Ban GSĐTCĐ. Ngày 1.11.2017, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị HĐND cấp xã quyết định mức kinh phí hỗ trợ GSĐTCĐ trên địa bàn phù hợp với kế hoạch hoạt động, và bảo đảm tối thiểu 5 triệu đồng/năm.   

PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục