BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết tiếp bài “đất lúa còn nhiều… trên giấy”

Khó buộc, khó xử lý

Cập nhật ngày: 28/10/2015 - 03:16

>> Đất lúa còn nhiều… trên giấy.

Vườn cây cao su ở ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng- nơi trước đây từng là đồng ruộng.

Trong bài báo trước, người viết đã đề cập đến thực trạng nhiều diện tích đất lúa ở tỉnh ta đã biến thành đất... cất nhà do nhu cầu tự phát của người dân. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự quản lý còn lỏng lẻo của các ngành chức năng.

Ngoài ra, do vướng quy định hiện hành nên người dân có muốn làm thủ tục xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng không được. Góp phần thu hẹp diện tích trồng đất lúa, ngoài việc sử dụng đất lúa để xây cất nhà, nông dân còn sử dụng đất lúa để trồng các loại hoa màu hoặc cây trồng khác vì thấy trước mắt chúng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước thực trạng ấy, các ngành chức năng cũng rất khó mà xử lý.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, kết quả kiểm kê thực tế diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh tính đến hết ngày 31.3.2013 là 81.751,86 ha. Trong đó số diện tích đất thực sự trồng lúa và cây hằng năm khác chỉ chiếm 74.348,14 ha (số còn lại trên danh nghĩa vẫn là đất trồng lúa nhưng thực tế đã xây dựng nhà ở hoặc đang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản…).

Trong 74.348,14 ha nói trên, thì phần diện tích chuyên trồng lúa nước là 47.322,74 ha, diện tích trồng lúa nước một vụ là 18.748,42 ha, diện tích trồng cây hằng năm khác là 8.276,98 ha. Điều đáng quan tâm là có đến 6.778,15 ha đất trồng lúa đang trong hiện trạng trồng cây lâu năm mà chủ yếu là trồng cây cao su; ngoài ra còn trồng cây ăn quả, cây vườn tạp… Riêng số diện tích đất lúa có hiện trạng trồng rừng là 62,61 ha.

Nói tóm lại, toàn tỉnh hiện có gần phân nửa diện tích đất trồng lúa đang được người dân sử dụng để trồng các loại cây khác- ngoài lúa. Một số vị lãnh đạo ở các địa phương trong tỉnh khi trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Tây Ninh đều nhìn nhận: tình trạng này diễn ra cũng do hiệu quả kinh tế đem lại từ việc canh tác lúa chưa bảo đảm, chưa có sức kích thích để khiến người nông dân có thể gắn bó cùng cây lúa.

Thời gian qua, các địa phương khi tiến hành xử lý các hành vi tự ý chuyển đổi đất trồng lúa thành đất trồng các loại cây khác chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo mà thôi. Bởi lẽ số đông người dân cho rằng, việc sản xuất lúa không mang lại lợi nhuận cao, không bảo đảm được cuộc sống nên họ mới phải tìm loại cây khác để canh tác nhằm phát triển kinh tế gia đình. Nếu không, ai sẽ lo cho gia đình họ?

Theo một vị lãnh đạo UBND xã Thành Long, huyện Châu Thành, có nhiều diện tích đất trồng lúa ở địa phương này đã biến thành đất trồng cao su, ngoài nguyên nhân người dân chạy theo lợi nhuận cao còn có nguyên nhân hệ thống kênh thuỷ lợi tại một số cánh đồng không còn, không thuận lợi để phục vụ canh tác lúa.

Một cán bộ xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh cho biết, phần lớn diện tích đất lúa trên địa bàn xã này hiện được người dân tự ý chuyển sang trồng mãng cầu, cao su… Số diện tích đất trồng lúa còn lại chẳng bao nhiêu một phần cũng do hệ thống kênh thuỷ lợi ở địa phương ít, không cung cấp đủ nước để phục vụ sản xuất lúa.

Diện tích đất trồng lúa còn ít, manh mún, các hộ trồng lúa ít có hộ nào làm đủ 3 vụ nên năm 2014, khi xã thông báo mời nông dân trồng lúa đến làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước thì cả xã chẳng có người nào đến nhận! Một nông dân trong xã kể rằng: cách đây khoảng 10 năm, với diện tích 1 ha đất, ông làm lúa một vụ và trồng các loại hoa màu khác.

Sau đó thấy bà con nông dân xung quanh đổ xô nhau trồng mãng cầu ông cũng bắt chước làm theo. Cũng theo lời ông, nếu trồng lúa thì phải trồng đồng bộ cả một cánh đồng, còn nếu chỉ một mình ông trồng lúa, trong khi những người xung quanh trồng đậu thì rất khó cho sản xuất, bởi việc đưa nước vào ruộng lúa sẽ làm ảnh hưởng đến các ruộng đậu của người khác.

Và nếu như chỉ có một ít diện tích trồng lúa trong cả khu vực trồng mãng cầu thì cũng dễ sinh phiền toái, trở ngại trong việc cày xới, thoát nước, lấy nước cho ruộng lúa. Nhưng điều quan trọng hơn khiến ông nông dân trên quay lưng với cây lúa là từ khi chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu, kinh tế gia đình ông đã khá hơn nhiều so với thời trồng lúa và hoa màu.

Có ý kiến cho rằng để giữ đất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực thì Nhà nước cần có chính sách vận động, khuyến khích người dân, giúp người dân thấy được lợi ích kinh tế lâu dài từ việc trồng lúa; ngành chức năng cũng cần quan tâm đầu tư hệ thống thuỷ lợi phục vụ ruộng đồng.

Có thể dẫn chứng bằng hiện thực tại xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành. Diện tích nhóm đất nông nghiệp ở xã này là 260,44 ha, chiếm 52,83% tổng diện tích tự nhiên.

Trong đó, diện tích đất trồng lúa (chủ yếu tập trung tại các cánh đồng Sân Cu, Long Mỹ, Long Đại) là 199,87 ha, chiếm 40,54% so với tổng diện tích tự nhiên, 76,73% so với diện tích nhóm đất nông nghiệp.

Theo UBND xã Long Thành Bắc, diện tích đất trồng lúa tại địa phương này còn nhiều là do người dân thấy được lợi ích kinh tế từ việc canh tác lúa. Với hệ thống kênh tưới tiêu thuận lợi, nông dân trong xã có thể làm lúa 3 vụ đạt năng suất cao.

Một đám ruộng lúa hiếm hoi giữa khu vực trồng mãng cầu tại xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh.

Thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường, sau khi có kết quả kiểm kê diện tích đất trồng lúa, tỉnh đã đề ra các giải pháp xử lý. Đối với 74.348,14 ha đất lúa hiện đang trồng lúa và cây hằng năm khác sẽ tiếp tục quản lý theo đúng quy định đối với đất trồng lúa (không cho chuyển mục đích sử dụng).

Còn đối với số diện tích đất lúa mà hiện tại đang trồng cây lâu năm hoặc đang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp thì đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường cho phép tỉnh điều chỉnh số liệu kiểm kê đất đai theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa, tăng diện tích đất trồng cây lâu năm, đất phi nông nghiệp và đất nuôi trồng thuỷ sản cho phù hợp với thực tế sử dụng, đồng thời bảo đảm ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều ý kiến đồng tình với giải pháp mà Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra. Bởi lẽ, trong tình hình biến đổi khí hậu, tình trạng nước mặn xâm thực vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa lớn nhất của cả nước- đang gây nguy cơ sẽ xoá bỏ không ít vùng trồng lúa ở khu vực sản xuất lúa trọng điểm này trong tương lai, như các nhà khoa học đã cảnh báo.

Do đó, có thể mai này những vùng đất trồng lúa còn lại sẽ trở nên có giá trị rất cao và khi đó không loại trừ khả năng người dân sẽ từ bỏ các loại cây hằng năm, cây lâu năm vv…vv… để quay trở lại với cây lúa.

Nhưng đó là chuyện sau này, còn hiện tại, các cấp chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để “buộc” người nông dân chỉ được trồng lúa trên đất lúa.

THIÊN TÂM