Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Câu chuyện pháp đình:
Khó khăn bao giờ hết với người phụ nữ đáng thương?
Thứ bảy: 17:28 ngày 25/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sự đời nhiều lúc sao quá éo le, vụ việc còn phải chờ Tòa án cấp trên mà bà N hy vọng sẽ xem xét thấu lý, đạt tình hơn. Nhưng phía sau vụ việc này là một cuộc đời đầy bất hạnh, rủi ro của một phận người buồn nhiều hơn vui.

Khi nói về sự khác nhau về hoàn cảnh, cuộc sống, tính cách giữa người này với người kia, gia đình này với gia đình kia…người ta thường hay lấy câu ẩn dụ “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” để diễn tả, qua đó bày tỏ thái độ, lòng trắc ẩn, chia sẽ, cảm thương hay chua xót. Câu chuyện của bà Cao Thị N, 63 tuổi ở xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành là một ví dụ.

 Khi bước vào tuổi đôi mươi, cha mẹ bà vốn dĩ mong muốn cho con gái mình kiếm được tấm chồng có gia đình khá giả để đỡ tấm thân. Thế là qua mai mối giới thiệu, bà về làm dâu một gia đình khá giả ở tận Long An.

Vốn là cô gái mới lớn được cha mẹ cưng yêu, nay phải vào vai vợ, vai con dâu thế là vất vả bắt đầu, nhưng vất vả nhất là lúc lần lượt hai cô con gái ra đời, lúc này lại thêm một vai nữa là làm mẹ.

Sự sung sướng, hạnh phúc không được bao nhiêu nhưng sự xung đột, cải vả, rạn nứt bắt đầu; và đỉnh điểm là bà buôn bỏ tất cả để trở về nơi sinh ra, lớn lên là xã Trường Đông để sinh sống.

Thời gian ngắn sau bà quen ông Lâm Văn K người cùng xã, rồi hai người đến với nhau, đến nay đã ngót nghét trên 35 năm. Những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

 Ông K vốn là người không giỏi làm lại hay bệnh tật nên bao nhiêu đất đai của riêng bà, đất đai của cha mẹ ruột chia cho, của cải tích lũy lần lượt “ đội nón” ra đi.

Những lúc khổ quá, ông K bệnh quá phải cầm cố căn nhà của ba má ông K để lại mà ông, bà đang ở, nhưng cũng không đủ đâu vào đâu, bà phải đăng ký đi xuất khẩu lao động sang các nước vùng Vịnh lấy tiền gửi về để ông K tiêu xài, trả nợ, thậm chí bà phải vay thêm nợ ngoài để có tiền trả ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về; sau đó bán miếng đất và căn nhà ở ngoài đường lớn để trả nợ, còn dư lại chút đỉnh vào sâu bên trong ruộng rẫy mua miếng đất rẻ hơn để ở, chút ít tiền còn lại tiêu xài và chi phí trị bệnh ông K.

 Chắc có lẽ cũng chưa có gì xảy ra nếu năm 2022 bệnh tình ông K không trở nặng, nhiều bệnh viện của tỉnh, của thành phố Hồ Chí Minh đều được bà N đưa chồng đến khám, điều trị, nhưng số trời đã định, ông K từ biệt cõi đời để về với tổ tiên.

 Cuộc đời đưa đẩy, lận đận ngổn ngang, tang chồng chưa xong, đau buồn chưa dứt, chỉ mới 3 hôm, Lâm Bá T là cháu ruột ông K đến gặp và đưa cho bà tờ di chúc, nói bà ký tên, mặc dù trong lòng bà cũng có nhiều điều ngạc nhiên là mấy tháng liền cho đến khi ông K chết đều ở bệnh viện, ngồi dậy còn không nổi làm sao mà viết được bản di chúc và hai người làm chứng có đến gặp mặt ông K lúc nào đâu mà ký tên làm chứng được.

Đang buồn đau thắt ruột vì chồng mất, nghĩ T là con cháu trong nhà, lại thân già cô quạnh, ở với ông K không con cái, thôi nếu nhà đất này để lại cho T chăm sóc bảo quản, tuổi già của mình cũng có nơi nương tựa, đỡ đần.

Nghĩ vậy mà bà N ký tên mà cũng không màng đọc bản di chúc gồm những nội dung gì. Cái gì tới ắt sẽ tới, khi có bản di chúc trong tay T bắt đầu thay đổi thái độ, bà N muốn chăm tỉa cái cây T cũng bảo tất cả nhà đất này bây giờ là của T, bà N muốn làm gì phải hỏi ý kiến của T.

Sự uất ức ngày càng dồn nén, bà không ngờ T lại trở mặt nhanh đến như vậy, công đi mua đất, rồi cất nhà, trồng chăm sóc cây cối một mình làm hết, bây giờ một người không công lao gì lại đến hưởng trọn của cải do mình tạo ra, không ơn, không nghĩa.

Đã lớn tuổi, lại đang bị bệnh tâm thần hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và trong mình mang nhiều chứng bệnh khác, thêm không khí ngột ngạt, căng thẳng bà N đâm hoang mang, lo sợ, bà không dám ở nhà, lúc nào nhớ ông K bà về đốt nén nhang rồi lại đi.

Có nhà mà không ở được, nhiều lúc bức xúc bà làm đơn đề nghị chính quyền địa phương can thiệp yêu cầu T ra khỏi nhà bà, nhưng chính quyền hướng dẫn bà thưa lên Tòa án, những lúc đó bà bí bách không biết phải làm thế nào.

 Riêng T khi đã có tờ di chúc trong tay thì đã làm đơn yêu cầu Tòa án thị xã H giải quyết. Kết quả, Tòa tuyên bố công nhận tờ di chúc do ông K để lại cho T là hợp pháp, nhà đất T được hưởng, bà N từ người có nhà, có đất trở thành người không tài sản. Việc đúng sai chưa biết thế nào phải chờ quyết định cấp toà phúc thẩm.

Bên cạnh đó, bà N và ông K không có giấy đăng ký kết hôn, nhưng theo bà nói đã sống cùng ông K từ trước năm 1986. Khi về với ông K, bà N có của cải, đất đai lần lượt bán để hai người làm ăn, chi xài và trị bệnh cho ông K, thậm chí bán hết cũng không đủ tiền trị bệnh ông K, bà phải đi xuất khẩu lao động để có tiền gởi về cho ông K tiêu xài và trị bệnh.

Khi bán nhà cũ của hai người đang ở để tiếp tục có tiền trả nợ và trị bệnh cho ông K, còn chút ít hai vợ chồng vào ấp Năm trại mua đất, cất nhà, một tay bà N đứng ra coi sóc, xây nhà, trồng cây, nuôi gà

Sự đời nhiều lúc sao quá éo le, vụ việc còn phải chờ Tòa án cấp trên mà bà N hy vọng sẽ xem xét thấu lý, đạt tình hơn. Nhưng phía sau vụ việc này là một cuộc đời đầy bất hạnh, rủi ro của một phận người buồn nhiều hơn vui.

Nguyên Khôi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục