Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Do nước sông dâng cao, chảy xiết, đến ngày 4.10, cầu phao bắc qua sông Hồng thay thế cho cầu Phong Châu vẫn chưa thể nối lại. Hoạt động tìm kiếm nạn nhân, phương tiện mất tích của lực lượng đặc công nước Hải quân cũng gặp nhiều khó khăn.
Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126.
Theo đại diện Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh, hiện cầu được tháo dỡ làm hai phần và đặt nằm xuôi theo dòng nước, sát bờ sông. Để nối lại cầu phao cần rất nhiều điều kiện.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 4.10, Lữ đoàn 249 đang nghiên cứu phương án triển khai phà quân sự. Hiện bà con rất trông đợi phương án này, bởi nếu không có phương án thay thế, nhiều người dân phải đi đường vòng xa hơn 40-50km.
Trước đó, cầu phao được đưa vào hoạt động từ ngày 30.9 và phải tạm dừng hoạt động sau đó một ngày do điều kiện thời tiết, mực nước sông không bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, mực nước sông dâng cao cũng khiến cho hoạt động của lực lượng đặc công nước Hải quân khi tìm kiếm nạn nhân và phương tiện mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu có thời điểm phải tạm dừng.
Lực lượng đặc công nước duy trì đội hình 40 thợ lặn tinh nhuệ, chia làm 3 nhóm. Các nhóm thay nhau lặn luân phiên từ 7 giờ sáng đến 17 giờ. Phương thức tìm kiếm là khoanh vùng, đánh dấu bằng phao các khu vực đã tìm kiếm để tránh bỏ sót.
Lực lượng tìm kiếm xác định mục tiêu cho thợ lặn tại hiện trường.
Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân- Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho hay: "Chúng tôi động viên anh em là không được nản, nay chưa tìm thấy thì mai tìm tiếp, kéo dài tìm kiếm đến khi có những kết quả nhất định, đáp ứng kỳ vọng của địa phương, đặc biệt là không phụ sự trông đợi, mong mỏi của gia đình nạn nhân, tuy nhiên phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu".
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện cảnh báo lũ tại khu vực này đã không còn. Trong vài ngày tới trời nắng liên tục, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm và triển khai phương án đi lại thay thế cho người dân.
Vũ Nguyệt