Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội:
Khó, nhưng vẫn phải làm
Thứ ba: 08:00 ngày 20/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2006, UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về quy định này.

Rạp cưới lấn chiếm đường giao thông.

Trong 10 năm (giai đoạn từ 2006-2016), trên địa bàn tỉnh có khoảng 92.023 đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn hoá mới. Trong số này, chỉ có 147 đám cưới còn tổ chức nhiều ngày, thủ tục rườm rà, phô trương (chiếm tỷ lệ khoảng 0,16%). Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 49.200 đám tang được tổ chức theo nếp sống văn hoá mới, trong đó chỉ còn 417 đám vi phạm, chiếm tỷ lệ khoảng 0,8%.

Có khoảng 1.909 đám tang được thực hiện theo nghi thức hoả táng, chiếm khoảng 3,87%. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc tổ chức tang lễ hiện nay đã có nhiều chuyển biến. Người dân chấp hành tốt quy ước của khu dân cư về thực hiện nếp sống văn hoá trong việc tang và quy định pháp luật về báo tử. Đặc biệt, đối tượng cán bộ, đảng viên ít có trường hợp gây dư luận xấu về biểu hiện không lành mạnh, thiếu văn minh, lãng phí… trong việc tang.

Hiện tượng an táng người thân trong đất thổ cư giảm đáng kể, đã có nhiều đám tang thực hiện hình thức hoả táng. Việc rải vàng mã trên đường cũng đã giảm nhiều. Mọi nghi thức tang lễ nhìn chung được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm. Việc sử dụng cờ tang chung theo mẫu quy định được thực hiện nghiêm túc, tạo sự thống nhất trong việc báo tang của các gia đình.

Công tác xây dựng, quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa được các địa phương quan tâm thực hiện. Đa phần các xã, phường,thị trấn đã quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa, bảo đảm việc chôn cất người chết đúng nơi quy định, xa khu dân cư.   

Trên địa bàn tỉnh cũng có gần 100 lễ hội diễn ra gồm lễ hội cách mạng, truyền thống, tôn giáo và dân gian. Hầu hết các lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn minh; hiện tượng bói toán, đồng bóng giảm đáng kể, an ninh trật tự được bảo đảm; vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ luôn được quan tâm.

Chẳng hạn như đền thờ Quan lớn Trà Vong (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt người đến cúng bái. UBND xã Thạnh Tân đã thành lập Ban hội đền thờ để quản lý và thực hiện lễ hội văn minh. Hiện nay, tại đền không còn hiện tượng xin xăm, xin keo, hạn chế đốt vàng mã. Lễ giỗ Quan lớn (nhằm tháng 2 âm lịch) cũng được Ban hội đền tổ chức đúng quy định, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham dự.

Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do UBND tỉnh ban hành khuyến khích cán bộ, đảng viên và người dân tổ chức cưới trang trọng, tiết kiệm. Thế nhưng thực tế cho thấy, trong những năm qua, chưa có địa phương nào thực hiện được việc nhân rộng gương điển hình trong tổ chức cưới văn minh, chưa có trường hợp nào dùng báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, không có đám cưới nào đãi tiệc trà thay cho tiệc mặn tại gia đình hay tổ chức đám cưới không hút thuốc...

Gần đây, một số gia đình còn có xu hướng tổ chức cưới ồn ào, gây lãng phí. Chị Cẩm Tú- một người dân tại xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho rằng, hiện không khó để bắt gặp những đám cưới được tổ chức với những thủ tục lai tạp như một chương trình tạp kỹ, với đủ các tiết mục văn nghệ, nhảy múa, xiếc…

Theo ông Đỗ Hoàng Hải Đăng- Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành), không ít trường hợp người dân đến văn phòng ấp để xin được dựng rạp tổ chức tiệc cưới lấn chiếm một phần đường. Chính quyền địa phương không đồng ý nhưng họ vẫn tự ý dựng rạp. Những trường hợp này, chính quyền đều cử người đến để nhắc nhở, lập biên bản.

Trong việc tổ chức lễ tang, một số hiện tượng không thực hiện theo quy định vẫn còn diễn ra như: sử dụng nhạc phục vụ đám tang chưa phù hợp, tổ chức trò xiếc trước linh cữu hay trên đường đưa đám tang làm mất sự trang nghiêm, gây mất trật tự, an toàn giao thông; một số gia đình tổ chức đám tang quá 48 giờ theo quy định, chôn cất người chết trong đất nhà, đất vườn và rải vàng mã trên đường đưa đám tang, phúng điếu bằng nhiều vòng hoa, tràng hoa gây tốn kém, lãng phí tiền của…

“Một hình ảnh khá phổ biến trong dịch vụ tang lễ hiện nay tôi cho rằng gây phản cảm, là việc thuê dàn xe phân khối lớn để dẫn đường đưa đám tang, theo sau là một chiếc xe hơi mang hình ảnh người đã mất được phóng to, trông như một cuộc diễu hành. Tôi nghĩ những hình ảnh này quá phô trương, làm mất đi ý nghĩa đau buồn, thương cảm với người đã khuất”- anh Hoàng Tú, một người dân tại thị trấn Hoà Thành chia sẻ quan điểm.

 Theo ghi nhận của ngành chức năng, việc tổ chức các lễ hội, tình trạng bói toán, mê tín dị đoan ở một số nơi vẫn còn xảy ra. Một số lễ hội dân gian hình thức phần lễ còn đơn giản, chưa tạo được ấn tượng tôn vinh các bậc tiền bối có công với dân, với nước. Nội dung cũng chưa thật phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt văn hoá lễ hội của người dân. Một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số dần bị mai một các yếu tố truyền thống do các già làng không còn. Một số lễ hội đình thờ thần hoàng bổn cảnh bị ảnh hưởng dần bởi các nghi thức tôn giáo.

Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như  chú trọng việc thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9.2.2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở VH,TT&DL tham mưu xây dựng các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán của địa phương và phù hợp với tình hình đời sống hiện nay. Dự kiến, những quy định mới sẽ được ban hành vào tháng 5 tới trong toàn tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện.

HOÀ KHANG - VI XUÂN 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục