Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khởi động kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2022 của cán bộ
Thứ năm: 10:57 ngày 21/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 20-7, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trên cả nước phải hoàn tất kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có hiệu lực từ tháng 7-2019 có quy định rất mới là xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) hằng năm dưới hình thức ngẫu nhiên, với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Tuy nhiên, phải đến năm nay, nội dung này mới bắt đầu được triển khai.

Sáu lĩnh vực là trọng tâm xác minh TSTN 2022

Để triển khai, ngày 29-6, Thủ tướng đã chấp thuận định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ trình theo quy định của Nghị định 130/2020 về định hướng xác minh TSTN hằng năm.

Định hướng này đã được Thanh tra Chính phủ gửi tới các cơ quan đầu mối lớn nhất có thẩm quyền trong việc kiểm soát TSTN hôm 8-7.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Tin từ một số cơ quan kiểm soát TSTN cho hay ở năm đầu tiên thực hiện việc xác minh TSTN, định hướng là đặt trọng tâm vào người làm việc trong các lĩnh vực, các khâu, công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Danh sách được nêu ra là sáu lĩnh vực: Đầu tư xây dựng; đấu thầu; tài chính ngân sách; quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; công tác tổ chức cán bộ; cấp phép, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19.

890 cơ quan xác minh tài sản, thu nhập

Kiểm soát TSTN theo Luật PCTN năm 2018 quy định có tám cơ quan kiểm soát TSTN. Trong đó Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát TSTN từ giám đốc sở và tương đương trở lên; ở cấp dưới là thanh tra tỉnh. Một số cơ quan khác: TAND, VKSND, Kiểm toán Nhà nước, kể cả các tổ chức chính trị - xã hội sẽ kiểm soát TSTN của những người thuộc quyền quản lý.

Tuy nhiên, tháng 2-2022, Bộ Chính trị có Quyết định 56-QĐ/TW, ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Quy chế 56 phân luồng lại theo nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ của Đảng.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm soát TSTN của những người thuộc diện ban thường vụ cùng cấp quản lý và những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan này.

Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN của những người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các cơ quan Chính phủ; người đứng đầu và cấp phó các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập hoặc phê duyệt điều lệ; người đứng đầu và cấp phó cũng như thành viên các cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; người công tác tại Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra tỉnh cũng như vậy nhưng với người có nghĩa vụ kê khai TSTN công tác tại địa phương. Nếu các đối tượng này trùng với thẩm quyền của cơ quan kiểm tra đảng thì phân luồng cho kiểm tra.

TAND Tối cao; VKSND Tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, đơn vị mình, trừ trường hợp đã phân luồng cho Ủy ban Kiểm tra ba cấp, Thanh tra hai cấp.

Ước tính cả nước sẽ có khoảng 890 cơ quan kiểm soát TSTN, cũng là các cơ quan có thẩm quyền xác minh TSTN.

Chưa rõ con số chính xác số người kê khai đến thời điểm này nhưng theo báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội kỳ họp tháng 10-2021 thì cả nước đã có 1.284.375 người kê khai TSTN theo Luật PCTN năm 2018.

Xác suất 10%

Là lần đầu tiên xác minh TSTN hằng năm, 890 cơ quan kiểm soát TSTN ngoài việc bám theo định hướng năm 2022 mà Thủ tướng đã phê duyệt, còn phải tuân thủ Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020.

Theo đó, kế hoạch xác minh năm nay của mỗi cơ quan kiểm soát TSTN phải bao quát tối thiểu 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. Riêng bốn bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính tối thiểu 10%.

Theo Nghị định 130, số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất một người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong các lựa chọn để đưa vào danh sách xác minh TSTN nêu trên, việc lựa chọn người được xác minh là theo phương pháp ngẫu nhiên, dưới hình thức bốc thăm hoặc phần mềm máy tính.

Trong lần đầu tiên xác minh TSTN này, như định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan kiểm soát TSTN phải báo cáo tiến độ triển khai về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15-8 tới, để Chính phủ xây dựng báo cáo công tác PCTN năm 2022 trình Quốc hội. Các cơ quan kiểm soát TSTN ở địa phương thì gửi báo cáo qua thanh tra tỉnh, TP để tổng hợp tình hình.

Vạn sự khởi đầu nan

Luật PCTN quy định việc xác minh TSTN chỉ vào hai nội dung: (1) Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; (2) Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

Còn phạm vi xác minh là toàn quốc, toàn tỉnh hay chỉ nơi cư trú, nơi làm việc thì cả Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020 quy định chi tiết về kiểm soát TSTN cũng chưa mô tả cụ thể. Trong thực tiễn, các thông tin về đất đai, tiền gửi mà các cơ quan nhà nước, ngân hàng nắm giữ được thiết kế chủ yếu cho việc quản lý, kinh doanh, vậy nên dựa vào đó để xác minh, đánh giá chất lượng việc kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai là không dễ.

Đây là những vấn đề mà tỉnh Bình Phước, địa phương tiên phong trong công tác xác minh TSTN năm 2021, kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ, cơ quan thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về PCTN của Chính phủ, hồi tháng 3 năm nay.

Những kiến nghị này liên quan đến Luật PCTN, Nghị định 130, chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay. Do đó, nhiều khả năng công tác xác minh TSTN 2022 sẽ gặp vướng mắc tương tự.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục