Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khơi thông vốn đầu tư công, không thể chậm trễ hơn nữa
Thứ sáu: 14:32 ngày 16/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Chúng ta có tiền không tiêu hết được. Tôi nhấn mạnh là số tiền trong dự toán Bộ Tài chính và Chính phủ luôn bảo đảm” - Lời Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu như trên tại phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 15-6. Nghịch lý này được rút ra từ thực tế 5 tháng đầu năm 2017, chỉ có 24,7% vốn đầu tư công được giải ngân.

Đó cũng là nguyên nhân khiến GDP quý 1 tăng ì ạch 5,1%, thấp nhất trong hai năm gần đây.

Dòng vốn đầu tư công ùn ứ đã làm nhiều công trình trọng điểm đói vốn, chậm tiến độ ở nhiều nơi.

Rõ nhất là tại TP.HCM, với dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): năm 2017 cần 5.422 tỉ, chỉ được bố trí 2.119 tỉ và dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2: năm 2017 cần 2.100 tỉ, chỉ được bố trí 1.600 tỉ.

Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM gần đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chuyển kiến nghị, sự hối thúc của các nhà thầu, đề nghị lãnh đạo TP.HCM kiến nghị với Chính phủ rót vốn đúng mức cho dự án metro số 1 nhằm đảm bảo tiến độ.

Thậm chí nếu rót vốn chậm, TP.HCM sẽ đối mặt với việc bị phạt hợp đồng. Thế nhưng câu trả lời mới nhất (ngày 9-6) mà Bộ Kế hoạch - đầu tư trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân bằng văn bản vẫn là “không”.

Nghịch lý này do đâu? Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết hiện nay không có căn cứ pháp lý để rót thêm vốn cho dự án đường sắt đô thị số 1. Bởi dự án này được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.900 tỉ lên 47.325 tỉ từ năm 2011 nhưng cho đến nay Quốc hội vẫn chưa có nghị quyết điều chỉnh.

Bộ Tài chính cũng chưa xác định lại tỉ lệ vốn nhà nước đi vay và cho vay lại với dự án. Bộ Kế hoạch - đầu tư khẳng định không thể rót thêm vốn nếu TP.HCM chưa kiến nghị được với Quốc hội, kiến nghị Chính phủ giải quyết các vướng mắc trên.

Nhìn sâu xa vào việc này, có thể thấy tiếng nói từ TP.HCM hay các địa phương khác dường như chưa thấu được nhiều đến các bộ ngành trung ương, dẫn đến một dự án thay đổi vốn đầu tư nhưng chậm hoàn chỉnh lại về thủ tục.

Đó cũng là ví dụ minh chứng cho điều mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Có nguyên nhân không thể biện minh hay chối cãi là từ công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa địa phương!”.

Chỉ với dự án đường sắt đô thị số 1 của TP.HCM sẽ thấy việc chậm tiến độ đã góp phần đội vốn dự án lên hàng chục ngàn tỉ đồng, làm tăng thêm gánh nặng nợ công. Và cả đất nước có bao nhiêu dự án, bao nhiêu đồng vốn đội lên?

Không thể chậm trễ nữa, phải quyết liệt hơn nữa để khơi thông dòng vốn đầu tư công, xóa nghịch lý “có tiền mà không tiêu được”. Đó cũng chính là cách tiêu tiền có hiệu quả, giúp kinh tế tăng trưởng, được hưởng lợi chính là người dân.


Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) - Đồ họa: NHƯ KHANH

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục