Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
LỊCH SỬ THÀNH MÔN BẮT BUỘC:
Không biên soạn tài liệu mới
Thứ tư: 01:00 ngày 10/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quyết định không biên soạn tài liệu mới, tiếp tục sử dụng sách giáo khoa đã xuất bản, dù xuất hiện một số khó khăn, xáo trộn nhưng đây được đánh giá là lựa chọn, giải pháp hợp lý nhất.

Theo Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT ban hành ngày 3.8.2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26.12.2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới có thay đổi đáng kể.

Trong đó, nội dung giáo dục của giai đoạn định hướng nghề nghiệp gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán; Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Môn học lựa chọn gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ 9 môn nêu trên.

Các chuyên đề học tập, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học giải quyết những vấn đề, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết, tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Các môn học tự chọn gồm có tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Về thời lượng giáo dục, mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Riêng môn Lịch sử, Thông tư 13 điều chỉnh thêm về giai đoạn định hướng nghề nghiệp đã quy định trước đó trong Thông tư 32 năm 2018, như sau: Ở lớp 10, môn Lịch sử, Địa lý giúp học sinh hiểu biết về đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lý, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lý, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lý trong đời sống; củng cố, mở rộng nền tảng tri thức, kỹ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lý, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hoá, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới...; môn Địa lý tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lý thế giới (khu vực, quốc gia tiêu biểu) và địa lý Việt Nam (tự nhiên, kinh tế - xã hội) nhằm hỗ trợ học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cũng như một số ngành khoa học liên quan.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT thông tin nhà trường sử dụng sách giáo khoa môn Lịch sử đã biên soạn dành cho học sinh tự chọn thành cuốn sách dành cho toàn bộ học sinh. Điều này có nghĩa, không biên soạn tài liệu mới cho môn học này. Thông tin này gây bất ngờ vừa lại vừa không.

Bất ngờ, bởi vì sau khi Quốc hội yêu cầu môn Lịch sử thành môn học vừa có phần bắt buộc vừa có phần tự chọn, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ biên soạn tài liệu mới, thời gian hoàn thành sớm nhất vào cuối tháng 8.2022.

Sau khi thông tin này được công bố, giới chuyên môn, nhà quản lý, trong đó có nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở Tây Ninh, khi được hỏi, hầu hết đều nhận định, trong thời gian khoảng một tháng không thể nào biên soạn được tài liệu mới cho một môn học.

Thay vào đó, sẽ tiếp tục sử dụng sách giáo khoa vốn dành cho học sinh lựa chọn, có tính chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp. Vấn đề cấp thiết lúc này, theo giới chuyên môn, là Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết về việc sử dụng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10, vì sách thiết kế ban đầu 70 tiết cho một năm học, nay chỉ còn 52 tiết. Chuyển bài nào thành chuyên đề nâng cao, bài nào giữ nguyên để dạy cho toàn bộ học sinh, cần được chuẩn bị thật sớm, trước ngày khai giảng năm học mới.

Quyết định không biên soạn tài liệu mới, tiếp tục sử dụng sách giáo khoa đã xuất bản, dù xuất hiện một số khó khăn, xáo trộn nhưng đây được đánh giá là lựa chọn, giải pháp hợp lý nhất. Vì, nếu biên soạn tài liệu mới, thời gian quá ngắn, không thể tránh khỏi sai sót, khi đó, tình hình sẽ còn rắc rối hơn đối với việc dạy môn học Lịch sử.

Để xuất bản sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị lâu dài, đầu tư rất nhiều nguồn lực. Phải mất hàng năm trời, nhiều công đoạn mới cho ra được sản phẩm sách giáo khoa. Do vậy, việc biên soạn tài liệu cho môn Lịch sử trong thời gian quá gấp rút, là điều không thể.

Trong diễn biến liên quan, Bộ GD&ĐT cho biết, tháng 9.2022 sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy môn Lịch sử, trong khi đó, kế hoạch thời gian năm học cũng vừa được Bộ ban hành. Theo kế hoạch này, thời gian tựu trường sớm nhất trước một tuần so với ngày tổ chức khai giảng (5.9). Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước hai tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

Bộ GD&ĐT yêu cầu kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông). Đối với các lớp 8, lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 11, lớp 12 cấp trung học phổ thông có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần). Đối với các lớp  6, 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương.

Thông tin nêu trên cho thấy, hầu hết các địa phương sẽ học chính thức ít nhất một tuần trước ngày khai giảng, trong khi phải sang tháng 9 mới có thể tập huấn việc dạy môn Lịch sử. Điều này khó tránh khỏi sự lúng túng đối với giáo viên khi dạy môn Lịch sử.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 13, sáng 4.8, một số cán bộ quản lý ở một trường THPT tại Tây Ninh cho biết, nhà trường đã xếp nhóm môn học theo quy định trong Thông tư 32 nhưng giờ phải huỷ bỏ, làm lại. Theo tính toán, trong số 9 môn tự chọn, nhà trường chia thành một số nhóm môn học để học sinh chọn. Một vị hiệu trưởng cho biết, cả thầy lẫn trò sẽ gặp không ít khó khăn khi dạy và học môn này, vì từ môn chuyên sâu dành cho học sinh phân ban, nay yêu cầu toàn bộ học sinh phải học. Hiện tại, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh đã họp phụ huynh, học sinh để phổ biến, thông tin về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh lớp 10 chưa thể mua sách giáo khoa, vì việc xếp các nhóm lớp, theo từng tổ hợp môn chưa hoàn thành.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục